THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 11:16

Phát huy tối đa sự chủ động, sáng tạo của giáo viên tiểu học

22/09/2020 | 13:45



Giáo viên tiểu học thường có thời gian gần gũi học sinh rất nhiều.

Tăng vai trò, quyền hạn, trình độ của giáo viên


Theo Thông tư 28 ban hành Điều lệ trường tiểu học vừa được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, giáo viên trường tiểu học không còn chờ "cầm tay chỉ việc" như trước. Điều lệ quy định giáo viên tiểu học được chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục. Cụ thể, các thầy cô sẽ được tự chủ về nội dung, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá học sinh; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp mình phụ trách trên nguyên tắc đảm bảo quy định chung của chương trình giáo dục, phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện của nhà trường. Giáo viên tiểu học cũng được phép sáng tạo, linh hoạt sử dụng đồ dùng dạy học tự làm, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy.


Các quy định về vai trò, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn và trình độ của giáo viên được bổ sung nhiều điểm mới trong dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học. Dự thảo quy định cụ thể trách nhiệm và quyền hạn với từng đối tượng giáo viên, giáo viên cốt cán, giáo viên chủ nhiệm. Trong đó, giáo viên được trao quyền mới là “tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự hỗ trợ của tổ chuyên môn và nhà trường”. Về trách nhiệm, giáo viên có thêm quy định mới là chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp mình phụ trách. Giáo viên phải tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn và nhà trường; xây dựng mối quan hệ thân thiện, dân chủ giữa giáo viên với học sinh và với cha mẹ học sinh; giúp học sinh chủ động, sáng tạo, tự tin, tự chủ trong học tập và rèn luyện.


Khác với trung học, giáo viên dạy các môn học ở tiểu học cũng là giáo viên chủ nhiệm. Chính vì tập trung đầu tư công sức vào bài dạy của nhiều môn mà nhiều năm qua, đa số thầy cô ở tiểu học gần như chỉ thực hiện công tác chủ nhiệm trên sổ chủ nhiệm và sổ liên lạc theo quy định.


Lòng yêu thương và sự chia sẻ của người thầy đã giúp những học sinh phát huy hết khả năng của mình.


Công tác chủ nhiệm rất quan trọng


Thực tế, công tác chủ nhiệm ở tiểu học rất quan trọng, nếu làm tốt, nó sẽ hỗ trợ rất nhiều cho thầy cô trong việc giảng dạy, giáo dục học sinh. Giáo viên tiểu học thường có thời gian gần gũi học sinh nhiều, một số trường hợp thầy cô tiếp xúc với học sinh còn nhiều hơn cha mẹ. Vì vậy, thầy cô chủ nhiệm không chỉ là người dạy chữ mà còn dạy học sinh nhiều điều tốt đẹp khác và cũng là người hiểu được tâm tư, tình cảm của trẻ nhiều nhất. Làm tốt công tác chủ nhiệm, giáo viên có thể ngăn chặn được tình trạng trẻ bỏ học, trẻ chán học, trẻ trầm uất vì gia đình, trẻ bỏ nhà đi lang thang, trẻ giải quyết bất đồng bằng bạo lực..., đồng thời phát huy được những năng khiếu tiềm ẩn ở các em, từ đó các em cũng thích đi học và thích học hơn.


Cô giáo Đồng Thị Quyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Biên (quận Long Biên - Hà Nội ) cho biết: Giáo viên chủ nhiệm có một vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục của nhà trường. Vì vậy, đề nghị các giáo viên chủ nhiệm nêu cao tinh thần trách nhiệm, với mục đích "Tất cả vì học sinh thân yêu", tích cực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, góp phần giáo dục nhân cách học sinh có hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.


Hiện nay đang có những thay đổi và tác động của môi trường kinh tế xã hội cũng như môi trường giáo dục đối với nhà trường phổ thông và các hoạt động giáo dục trong nhà trường, trong đó có các hoạt động thuộc công tác giáo viên chủ nhiệm lớp. Theo đó, cần thiết phải chú trọng hơn nữa đến công tác giáo viên chủ nhiệm lớp và đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp. Ngoài việc trực tiếp giảng dạy ở lớp chủ nhiệm, giáo viên chủ nhiệm trước hết phải là nhà giáo dục, là người tổ chức hoạt động giáo dục, quan tâm tới từng học sinh, chăm lo đến việc rèn luyện đạo đức, hành vi, những biến động về tư tưởng, nhu cầu, nguyện vọng của các em. Đồng thời, người giáo viên chủ nhiệm lớp bằng chính nhân cách của mình, là tấm gương tác động tích cực đến việc hình thành các phẩm chất đạo đức, nhân cách của học sinh. Mặt khác, họ còn là cầu nối giữa tập thể học sinh với các tổ chức - xã hội trong và ngoài trường, là người tổ chức phối hợp các lực lượng giáo dục. Có thể nói, để vừa phải đảm bảo tốt việc truyền thụ kiến thức văn hóa ở nhiều môn học cho học sinh, vừa phải làm tốt công tác chủ nhiệm là việc không dễ dàng, nhưng chính sự quan tâm, lòng yêu thương và sự chia sẻ của người thầy sẽ giúp trẻ phát huy hết khả năng của mình.


Giáo viên chủ nhiệm lớp, người thay mặt hiệu trưởng tổ chức các hoạt động, xây dựng lớp thành một tập thể vững mạnh để giáo dục học sinh theo mục tiêu đã đề ra.


Có thể khẳng định, giáo viên chủ nhiệm lớp có vai trò đặc biệt quan trọng. Thực tế đã khẳng định, năng lực công tác, kinh nghiệm sư phạm và ý thức trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm lớp quyết định chất lượng học tập và tu dưỡng của học sinh trong một lớp học.


                                                                                                          
Các thầy cô chủ nhiệm sẽ được tự chủ về nội dung, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá học sinh; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp mình phụ trách trên nguyên tắc đảm bảo quy định chung của chương trình giáo dục, phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện của nhà trường.

Sơn Thành/TC GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...