THỨ BA, NGÀY 14 THÁNG 05 NĂM 2024 02:18

Phát triển các mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh

26/11/2020 | 15:24


Các thành viên Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc tự kỷ, rối nhiễu tâm trí.


Mô hình Câu lạc bộ người điếc Quảng Ninh

Ảnh hưởng của điếc đối với sự phát triển ngôn ngữ nói rất lớn. Người điếc bị suy giảm khả năng hoạt động ngôn ngữ, do vậy các hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn so với người bình thường. Họ thường mặc cảm về khuyết tật của mình, ít giao tiếp. Tuy nhiên, nếu người điếc được trang bị những kỹ năng cần thiết cùng với ý chí của bản thân thì vẫn có thể theo kịp và hòa nhập tốt. Nhận thức được điều này, tháng 5/2016, Trung tâm Công tác xã hộiCTXH Quảng Ninh đã triển khai thí điểm mô hình Câu lạc bộ người điếc Quảng Ninh với mục tiêu tạo điều kiện để người điếc trên địa bàn tỉnh có thể hỗ trợ nhau trong học tập, làm việc và cuộc sống, phấn đấu vươn lên trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.

Từ khi thành lập đến nay, đã có 43 thành viên là người điếc trên địa bàn tỉnh tham gia. Trung tâm đã thực hiện nhiều hoạt động tích cực nhằm hỗ trợ cách thành viên một cách tốt nhất.

Để truyền thông về mô hình, Trung tâm CTXH Quảng Ninh đã in và cấp phát 57.800 tờ rơi về mô hình Câu lạc bộ người điếc Quảng Ninh và lồng ghép tuyên truyền về các dịch vụ của Trung tâm. Thực hiện đăng tải 12 tin bài, 01 phóng sự tuyên truyền về mô hình trên website Trung tâm, cổng thông tin điện tử của Sở, Báo Quảng Ninh, Tạp chí Lao động và Xã hội, Đài truyền hình Quảng Ninh và các trang điện tử khác của ngành. Ngoài ra, công tác truyền thông, giới thiệu về mô hình còn được lồng ghép qua các hoạt động nghiệp vụ của Trung tâm như: Truyền thông, Quản lý trường hợp, Tư vấn trực tiếp cho đối tượng tại cộng đồng... nhằm thay đổi nhận thức, giảm sự kỳ thị từ cộng đồng về người điếc.

Để nâng cao năng lực cho thành viên tham gia Câu lạc bộ, Trung tâm CTXH Quảng Ninh đã tổ chức các lớp tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm..., cụ thể đã tổ chức được 04 lớp tập huấn (09 ngày); 80 buổi dạy ngôn ngữ ký hiệu, dạy chữ; 10 buổi tọa đàm chia sẻ kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cho các thành viên.

Để hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho các hội viên, Trung tâm đã tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề và việc làm của 30 thành viên Câu lạc bộ người điếc (năm 2018), thực hiện kết nối dạy nghề và tạo việc làm cho 12 người điếc (nghề cắt tóc và làm móng). Đồng thời, phối hợp với cácoanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện việc kết nối dạy nghề và tạo việc làm cho các hội viên.

Bên canh đó, Trung tâm còn phối hợp với Chi hội người điếc Hà Nội tổ chức các buổi tọa đàm chia sẻ kỹ năng sống, kỹ năng hòa nhập cho các hội viên. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm duy trì và phát huy có hiệu quả các hoạt động của mô hình Câu lạc bộ người điếc tại Quảng Ninh.

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ người điếc Quảng Ninh.


Mô hình Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ

Trẻ em gặp phải hội chứng tự kỷ, rối nhiễu tâm trí ngày nay có xu hướng ngày càng gia tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đối với nhóm trẻ này nếu không được can thiệp hoặc không được can thiệp sớm thì trẻ khó có thể hòa nhập được với cuộc sống gia đình và xã hội, nhiều trường hợp rơi vào trạng thái tâm thần ở các dạng khác nhau.

Để hỗ trợ đối với nhóm trẻ này đều phải kết hợp cả 3 phương pháp đó là trị liệu về y tế, trị liệu tâm lý và cải thiện môi trường sống. Đối với 2 phương pháp trị liệu về y tế và trị liệu về tâm lý, đòi hỏi người trị liệu phải là người có chuyên môn. Đối với phương pháp cải thiện môi trường sống là phương pháp đặc biệt quan trọng bởi như chúng ta biết, phần lớn thời gian trẻ sống trong gia đình, chịu ảnh hưởng trực tiếp và đầu tiên từ môi trường sống gia đình, trẻ chịu ảnh hưởng từ cách chăm sóc, dạy bảo, giáo dục từ các thành viên trong gia đình.

Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều bậc phụ huynh có cách chăm sóc, giáo dục con chưa phù hợp và chưa đúng cách. Để giải quyết vấn đề trên, năm 2014, Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ được thành lập với các thành viên là các bậc phụ huynh có trẻ gặp mắc hội chứng tự kỷ, rối nhiễu tâm trí, các giáo viên mầm non công lập, tư thục và những người quan tâm đến vấn đề tự kỷ, rối nhiễu tâm trí ở trẻ em.

Câu lạc bộ ra đời và hoạt động với mục tiêu góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề phòng chống tự kỷ, rối nhiễu tâm trí ở trẻ em, nâng cao kiến thức, kỹ năng của các thành viên trong Câu lạc bộ, đồng thời phát huy vai trò của các thành viên trong việc chia sẻ kiến thức, kỹ năng cho nhau, đồng thời chia sẻ cho nhau những trăn trở, vất vả, khó khăn với việc chăm sóc, giáo dục trẻ.

Tính đến nay, số lượng thành viên tham gia Câu lạc bộ duy trì đều đặn khoảng 40 thành viên/năm, các thành viên tham gia không cố định, không xuyên suốt mà có sự thay đổi qua các năm. Đến 2020, tổng số khoảng 240 người tham gia.

Ngay từ khi thành lập, các thành viên trong Câu lạc bộ đã thực hiện tuyên truyền tại các trường mầm non trên địa bàn TP. Hạ Long với các tờ rơi, cuốn sách để cung cấp cho các bậc phụ huynh nhận thức chung về vấn đề tự kỷ, rối nhiễu tâm trí. Đồng thời, để giúp Câu lạc bộ hoạt động có hiệu quả hơn, Trung tâm CTXH Quảng Ninh đã phối hợp với các chuyên gia để biên soạn 02 cuốn tài liệu về “Kỹ năng chăm sóc trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí dành cho người chăm sóc” và “Hướng dẫn cách phát hiện, kỹ năng chăm sóc trẻ tự kỷ, rối nhiễu tâm trí dành cho nhân viên CTXH”. Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp với đài, báo để thực hiện 02 phóng sự tuyên truyền và 06 bài báo của tỉnh, của ngành để giới thiệu về cách nhận biết, phát hiện, hậu quả và các dịch vụ hỗ trợ giúp của Trung tâm.

Trung tâm CTXH Quảng Ninh cũng thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ năng, phương pháp chăm sóc trẻ, đến nay đã tổ chức được 12 cuộc cho tổng số 240 người tham gia. Trung tâm đã mời các chuyên gia cả trong và ngoài tỉnh hoặc cán bộ của Trung tâm tự tổ chức với tổng số 12 cuộc trị liệu vận động, thu hút trên 200 trẻ gặp phải hội chứng tự kỷ, rối nhiễu tâm trí tham gia với các trò chơi nhằm kích hoạt hành vi, giúp trẻ tăng cường các kỹ năng vận động tinh tế, khéo léo, tư duy, khả năng phối hợp; đồng thời qua đó hướng dẫn các phụ huynh các trò chơi cũng như các bài tập cho trẻ để có thể hướng dẫn trẻ và cùng với trẻ thực hiện mọi lúc mọi nơi, góp phần can thiệp và trị liệu cho chính con em mình.

Sau 6 năm đi vào hoạt động, có thể thấy, Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ đã đáp ứng được phần lớn nguyện vọng của các bậc phụ huynh, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống hội chứng tự kỷ, rối nhiễu tâm trí ở trẻ em cũng như nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các thành viên để họ có thể có phương pháp đúng đắn, phù hợp hơn trong việc chăm sóc, giáo dục con em tại gia đình.

Cùng với Mô hình Câu lạc bộ người điếc Quảng Ninh, mô hình Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ có thể coi là một trong những mô hình thí điểm cung cấp các dịch vụ CTXH đang hoạt động rất hiệu quả được triển khai tại Quảng Ninh.

Thanh Huyền - Ảnh: Trung tâm CTXH Quảng Ninh cung cấp/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.