CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 05:18

Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay khu vực ASEAN

16/09/2020 | 16:30

Tại điểm cầu Hà Nội, Hội nghị có sự tham dự của của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng đại diện nhiều Bộ, ngành, tổ chức trong và ngoài nước.

Hội nghị còn có sự tham dự của 150 đại biểu ở 70 điểm cầu trên toàn nội khối ASEAN, bao gồm các Bộ trưởng Lao động và Bộ trưởng Giáo dục ASEAN; Tổng thư ký ASEAN; Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế, các đối tác đối thoại của ASEAN trong và ngoài khu vực, các đại diện thuộc Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN.



Các đại biểu tham dự Lễ ra mắt Hội đồng Giáo dục Nghề nghiệp ASEAN

Phát triển nguồn nhân lực là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Chúng ta đang sống và làm việc trong một thời đại khi tiến bộ khoa học công nghệ đang có tác động sâu sắc lên mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của tất cả các nước. Ứng dụng công nghệ và số hóa là nhân tố góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, tạo điều kiện cho việc ra đời và phát triển các sản phẩm mới, các mô hình sản xuất kinh doanh mới, thị trường mới và cơ hội việc làm mới. Nhưng đồng thời, đổi mới công nghệ cũng đặt ra không ít những thách thức do sự gia tăng tính phân đoạn trong quy trình sản xuất, làm xuất hiện các công việc đòi hỏi kiến thức và kỹ năng mới. Ngoài ra, thế giới việc làm cũng đang có những sự thay đổi sâu sắc trước những tác động của biến đổi khí hậu, của xã hội già hóa, của dịch bệnh và đặc biệt là đại dịch Covid-19 đang diễn ra hiện nay.



Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Nhận thức được những cơ hội cũng thách thức đặt ra từ những tác động trên, các nước thành viên ASEAN đều nhận thấy phát triển nguồn nhân lực chính là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và nâng cao tính cạnh tranh của khu vực để phù hợp với một thế giới công việc đang đổi thay.

Phát triển nguồn nhân lực cũng chính là một trong những mục tiêu lâu dài, là kim chỉ nam cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN như đã được ghi trong Hiến chương ASEAN. Trong điều kiện thế giới đang đổi thay nhanh chóng, ASEAN luôn xác định lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển, bởi xét đến cùng thì tăng trưởng và phát triển bền vững cũng chính là để phát triển con người và vì con người.

Vì vậy, Việt Nam đã chọn phát triển nguồn nhân lực là một trong những ưu tiên của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, góp phần thúc đẩy phát triển của Cộng đồng Kinh tế, tăng cường khả năng chủ động thích ứng của ASEAN.
 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh vai trò của phát triển nguồn nhân lực trong thúc đẩy phát triển của các nước ASEAN

Phù hợp với ưu tiên và chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 về một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam, với sự phối hợp và ủng hộ tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ trưởng Lao động và Giáo dục ASEAN, của Ban Thư ký ASEAN đã chủ trì xây dựng và trình “Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay” lên Cấp cao ASEAN lần thứ 36 thông qua vào tháng 6 năm 2020. Theo đó, các Lãnh đạo ASEAN đã giao các Bộ trưởng Lao động và Giáo dục ASEAN tiếp tục xây dựng Lộ trình Phát triển nguồn nhân lực ASEAN cho một thế giới công việc đang đổi thay nhằm hiện thực hóa Tuyên bố quan trọng này thông qua các hành động thiết thực và phù hợp được lồng ghép trong các kế hoạch công tác của các cơ quan chuyên ngành liên quan.

Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực

Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Thế giới đã và đang trải qua những biến đổi to lớn trong đó có chuyển đổi số, Cách mạng công nghiệp 4.0, các vấn đề an ninh phi truyền thống và trực tiếp hiện hữu nhất vào thời điểm này là dịch bệnh Covid-19. Trong 10-15 năm tới khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ bị thay thế bởi máy móc, trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ phải bổ sung kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu công việc. Tỷ lệ này ở ASEAN còn cao hơn. Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ở 5 nước ASEAN dự báo 56% việc làm trong các nước này có thể bị ảnh hưởng nặng, thậm chí thay thế bởi tự động hóa trong vài thập kỷ tới.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020 tới nay, đại dịch Covid-19 đã tác động tới 2,7 tỷ lao động, chiếm khoảng 81% lực lượng lao động trên toàn thế giới. Riêng quý II năm 2020 đã có 480 triệu việc làm bị mất, con số này trong khu vực ASEAN là trên 42 triệu.

Các đại biểu tham dự tại các đầu cầu

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta phải thích ứng với tương lai, với sự thay đổi. Với sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như mối đe dọa thường xuyên của các yếu tố an ninh phi truyền thống, chúng ta càng phải thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác đa phương, đa chiều, thiết lập các mạng lưới, cơ chế kết nối rất linh hoạt giữa các Chính phủ với nhau, với các tổ chức, doanh nghiệp và giữa mọi người dân. Mọi chính sách, trong đó có chính sách lao động, cần được hoạch định dựa trên quy mô và tầm nhìn, không chỉ bó hẹp ở tổ chức, cộng đồng, quốc gia mà phải mở ra ở tầm khu vực và thế giới. Trong đó, phát triển nói chung và phát triển nguồn nhân lực đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội với vai trò định hướng, dẫn dắt của Nhà nước, sự tham gia của mọi người dân và đặc biệt là sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân. Trong phát triển nguồn nhân lực, các doanh nghiệp không chỉ tham gia phát triển nguồn nhân lực cho chính mình mà còn tham gia vào quá trình đào tạo cho cả cộng đồng. Chúng ta khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất để khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực chính là giải pháp quan trọng trong phát triển bền vững trong tương lai”.  

Phó Thủ tướng khẳng định: Phát triển nguồn nhân lực là một trong 03 ưu tiên hàng đầu của Cộng đồng ASEAN được ghi trong Hiến chương ASEAN. Các hoạt động ở các cấp độ trong từng quốc gia, vừa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác chiến lược, đối tác hợp tác đều rất chú trọng việc này, và đã có nhiều hoạt động, sáng kiến cụ thể như: Xây dựng Khung tham chiếu trình độ ASEAN, hay tạo ra các không gian giáo dục đại học để sinh viên các nước ASEAN có thể qua lại với nhau. Đặc biệt việc ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN ngày hôm nay cũng là thêm một minh chứng cụ thể, sinh động.


“Những nỗ lực như vậy cần được tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, liên tục để có thể thực hiện thành công Tuyên bố ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang thay đổi, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất mới của xã hội tương lai. Việt Nam cam kết luôn tích cực phối hợp chặt chẽ cùng các thành viên, các đối tác trong thực hiện Lộ trình này, biến cam kết chính trị trở thành hiện thực, để có rất nhiều cơ hội cho người lao động, cho DN và cho một cộng đồng ASEAN ngày càng thịnh vượng” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu.

Quang cảnh Hội nghị

Tăng cường hợp tác ASEAN về phát triển nguồn nhân lực

Phát biểu tại phiên thảo luận của Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Thời gian qua, Việt Nam đã đưa ra rất nhiều các giải pháp nhằm gắn kết giữa GDNN với thị trường lao động, trong đó các DN tham gia vào quá trình đào tạo và đào tạo nghề nói riêng trong tất cả các khâu từ xây dựng chương trình, giáo trình, tham gia và giảng dạy, tham gia vào thực hành… sử dụng và phát huy nguồn nhân lực do chính DN đào tạo ra.

Bộ trưởng đề nghị thời gian tới cần thúc đẩy vai trò dẫn dắt tiên phong của khu vực tư nhân trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo nghề nghiệp nhằm bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời phải tăng cường hợp tác giữa các lĩnh vực liên ngành tại mỗi quốc gia, trao đổi, phối hợp thường xuyên giữa các quốc gia giữa ngành lao động, giữa GDNN với giáo dục – đào tạo nói chung để  đảm bảo sự kết nối cũng như nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh hợp tác ở các cấp khu vực bởi việc tham gia, tham khảo chính sách vĩ mô, mô hình đào tạo thúc đẩy công nhận tay nghề lẫn nhau, di chuyển lao động có tay nghề trong khu vực của chúng ta đang hiện hữu và ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn; tăng cường quan hệ giữa từng nước thành viên và cả ASEAN với đối tác song phương và đa phương. Tiến tới các nước ASEAN cùng phối hợp và thúc đẩy với các đối tác như CHLB Đức, Nhật, Hàn Quốc, Australia và với các tổ chức quốc tế như ILO, ADB, WB trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực.

“Nhân dịp này, Việt Nam cũng mong muốn cùng các nước ASEAN sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để đẩy mạnh đa dạng hóa hình thức quan hệ hợp tác, nhất là mong các đối tác của VN nói riêng và ASEAN nói chung cùng nhau thúc đẩy có hiệu quả quan hệ đối tác nhằm xây dựng nguồn nhân lực ASEAN đáp ứng yêu cầu xây dựng cộng đồng ASEAN thịnh vượng, bền vững, đoàn kết và thích ứng với một thế giới công việc đang thay đổi” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.

Thùy Hương/Tạp chí Gia đình và Trẻ em

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...