THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 10:26

Phát triển trí tuệ thông minh và trí tuệ cảm xúc cho trẻ

22/12/2020 | 16:19

Người lớn cần dạy cho trẻ về lòng thấu cảm, biết quan tâm và suy nghĩ về hành động của chính mình.


Làm thế nào để cải thiện chỉ số thông minh của trẻ

Các nghiên cứu cho thấy, hệ thần kinh của trẻ bắt đầu hình thành ngay từ khi thụ thai và sẽ phát triển nhanh từ tuần thứ 8 của thai kỳ. Khi chào đời, não trẻ đã bằng 25% trong lượng não trưởng thành. Đến 2 tuổi đạt 80% và đến 6 tuổi gần như đạt 100% trọng lượng so với não người lớn.

Dưới đây là 10 phương pháp hữu ích nhất bạn có thể tham khảo để giúp trẻ tăng cường trí thông minh.

1. Đừng làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ

Nếu trẻ ngủ thiếu một giờ mỗi ngày, khả năng nhận thức của trẻ sẽ giảm đi rất nhiều. Não trẻ thường phát triển rất nhanh trong quá trình ngủ. Đây là lúc mà các liên kết thần kinh được thực hiện, đặc biệt là liên kết giữa bán cầu não trái và bán cầu não phải. Những đứa trẻ ngủ đủ giấc thường phát triển ngôn ngữ tốt hơn, tăng cường khả năng tập trung và chú ý.

2. Các hoạt động thể chất

Sự phát triển của não và các hoạt động thể chất có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Bạn nên cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất khoảng một giờ mỗi ngày. Điều này sẽ làm tăng lượng máu lưu thông đến não và các bộ phận khác của cơ thể, giúp trẻ phát triển trí nhớ và tăng khả năng học tập.

3. Cho trẻ nghe nhạc

Tiếp xúc với những giai điệu nhẹ nhàng rất có lợi cho sự phát triển của não, qua đó tăng cường khả năng nhận thức. Nghe nhạc giúp cơ thể trẻ tiết ra hormone tình yêu oxytocin. Loại hormone này cũng được tiết ra khi bạn cho trẻ bú. Những trẻ thường xuyên nghe nhạc sẽ có trí nhớ tốt và ít bị trầm cảm.

4. Nói chuyện với trẻ

Nói chuyện với trẻ thường xuyên sẽ giúp tăng kỹ năng xử lý ngôn ngữ và nâng cao vốn từ ngay từ khi trẻ còn nhỏ. Việc lặp lại các từ cũng giúp tăng cường trí nhớ, giúp trẻ dễ dàng liên kết các đối tượng và từ ngữ lại với nhau hơn.

5. Chế độ ăn uống lành mạnh

Cho trẻ ăn nhiều những món ăn tốt cho não là cách tốt nhất để tăng cường trí tuệ. Trái cây, rau xanh, các sản phẩm làm từ sữa, trái cây sấy khô, trứng và các loại hạt đều là những món ăn tốt cho não. Hãy chế biến những thực phẩm này thành những món ăn bổ dưỡng để đảm bảo sức khỏe và tăng cường trí tuệ.

6. Tiếp xúc với môi trường xung quanh

Hãy dành thời gian cho trẻ chơi với bạn bè và các thành viên khác trong gia đình. Điều này sẽ giúp trẻ học được những điều mới mẻ từ môi trường xung quanh. Tiếp xúc càng nhiều trẻ sẽ càng có cơ hội học được nhiều thứ.

7. Kể chuyện cho trẻ nghe trước khi đi ngủ

Kể chuyện hay hát ru trước khi ngủ là những việc làm giúp phát triển trí tuệ ngay từ khi còn nhỏ. Những việc làm này không chỉ giúp cho sợi dây liên kết giữa bố mẹ và trẻ thêm bền chặt mà nó còn giúp tăng cường các chức năng của não.

8. Tiếp xúc với thiên nhiên

Khi tiếp xúc với thiên nhiên như chơi trên thảm cỏ xanh mát, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Điều này thể hiện rõ khi bạn cho trẻ đi công viên, trẻ luôn vui vẻ. Một môi trường xanh mát sẽ giúp trẻ thư giãn và tăng cường chức năng của não.

9. Để cho trẻ chọn

Bố mẹ luôn có xu hướng tự quyết định những điều tốt nhất cho con. Tuy nhiên, bạn có thể để trẻ tự chọn những gì mình thích. Điều này sẽ giúp phát triển khả năng nhận thức ở trẻ nhỏ.

10. Nuôi con bằng sữa mẹ

Sữa mẹ là thức ăn bổ não cơ bản nhất. Cho trẻ bú mẹ đến khi 2 tuổi sẽ giúp tăng cường sức khỏe và trí thông minh của trẻ. Sữa mẹ cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Một đứa trẻ khỏe mạnh sẽ là một đứa trẻ thông minh.

Những việc làm trên đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng trí thông minh cho trẻ. Tuy nhiên, không có điều gì tốt hơn tình yêu thương và sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. Những đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh và vui vẻ sẽ trở thành những đứa trẻ thông minh.

Sự phát triển của não và các hoạt động thể chất có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Bạn nên cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất khoảng một giờ mỗi ngày.


Giúp con phát triển trí tuệ cảm xúc

Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra thành công của mỗi người phụ thuộc vào trí tuệ cảm xúc nhiều hơn là trí thông minh. Trong khi IQ đo lường khả năng học hỏi, EQ đo lường những kỹ năng vô hình được sử dụng để hướng dẫn con người giải quyết các tình huống trong cuộc sống. Theo nhà tâm lý học Goleman, trí tuệ cảm xúc bao gồm 5 yếu tố chính: hiểu bản thân, kiểm soát bản thân, động lực cá nhân, lòng thấu cảm và kỹ năng xã hội.

1. Giúp con hiểu về cảm xúc

Trẻ con thường gặp khó khăn khi diễn tả những cảm xúc của mình, những gì mình đang cảm thấy hoặc trải qua. Điều đó khiến cho trẻ dễ bùng nổ và cáu giận ở nơi công cộng khi cảm thấy quá sức chịu đựng. Đôi khi nguyên nhân cũng là do trẻ quá lo lắng và căng thẳng.

Là cha mẹ, bạn hãy kiên nhẫn và mềm mỏng mỗi khi con gặp những vấn đề này. Nói với con rằng bạn thấu hiểu những gì con đang trải qua và khuyến khích con gọi tên cảm xúc của mình. Điều quan trọng là bạn cần tạo ra môi trường để khiến con cảm thấy an toàn và có thể tin cậy. Hãy dạy con không thể chọn cảm xúc của mình, nhưng có thể chọn cách đối phó với nó.

2. Đừng đặt giới hạn cho cảm xúc

Bản chất tự nhiên của trẻ em là bốc đồng. Khi nhận thấy con cư xử không đúng mực, bạn cần can thiệp trước khi con sử dụng bạo lực đối với chính mình hoặc người khác.

Mỗi khi can thiệp, bạn có thể áp dụng phương pháp đèn giao thông. Đầu tiên, bạn bảo con dừng lại, giống như lúc đèn đỏ bật lên. Tiếp theo là đèn vàng, bạn đề nghị con nghĩ tới các giải pháp, hỏi con sẽ làm gì trong trường hợp này. Bước cuối cùng là đèn xanh, bạn hướng dẫn con chọn phương án tốt nhất. Bằng cách này, bạn đang dạy con giải quyết vấn đề.

3. Ghi nhận và khen ngợi những nỗ lực của con

Yếu tố thứ ba của trí tuệ cảm xúc là tự tạo động lực cho bản thân. Việc bạn công nhận nỗ lực chứ không phải là khen ngợi kết quả rất quan trọng đối với việc nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc của trẻ. Hãy cho con biết rằng chính sự kiên trì và chăm chỉ con dành để đạt được mục tiêu có ý nghĩa nhiều hơn thành tích của con.

4. Dạy con về lòng thấu cảm

Từ nhỏ, trẻ đã có thể nhận biết về thấu cảm, dù chưa thực sự hiểu đó là gì. Ví dụ, các trẻ có thể khóc khi thấy bạn mình khóc, bởi cảm thấy được những gì bạn đang trải qua. Nhưng khi lớn lên, trẻ sẽ nhận ra những gì khiến người khác đau đớn chưa chắc đã làm mình cảm thấy buồn.

Đó là lý do vì sao người lớn cần dạy cho trẻ về lòng thấu cảm, dạy cách thiết lập mối liên hệ bằng cử chỉ và lời nói với người khác, giúp trẻ trở thành người tử tế, biết quan tâm và suy nghĩ về hành động của chính mình.

5. Khuyến khích con trò chuyện và biết lắng nghe

Hãy thường xuyên trò chuyện cởi mở, gần gũi với các con để trẻ học cách kết nối và trao đổi thông tin với người khác, đồng thời dần hình thành thái độ tôn trọng đối với họ. Bằng cách này bạn đang giúp con nuôi dưỡng và phát triển trí tuệ cảm xúc.

Đặc biệt, bạn cần tránh áp đặt suy nghĩ khi nói chuyện cùng con. Nếu bạn có ý kiến trái chiều, hãy cùng con phân tích đúng sai. Khi trẻ được tiếp xúc với nhiều quan điểm, chúng trở nên linh hoạt hơn trong suy nghĩ, dễ chấp nhận, khoan dung hơn với người khác cũng như với bản thân.

Bài và ảnh: Minh Thư/TC GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...