THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 05:50

Phòng bệnh giao mùa cho trẻ

19/03/2018 | 11:35

Cần tăng cường hệ miễn dịch để trẻ có thể thích nghi với mọi tác động của môi trường. Ảnh minh họa (Internet)
 
Dị ứng
 
Sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm, kèm theo độ ẩm trong không khí sụt giảm là nguyên nhân gây nên các chứng bệnh da liễu nói chung và dị ứng da nói riêng. Không chỉ trẻ nhỏ mà ở người lớn hay thậm chí là cả người già đều có thể mắc bệnh này. Biểu hiện của dị ứng da rất đa dạng, có thể là mẩn đỏ, ngứa ngáy, phát ban, chảy nước, nổi mề đay, sưng, phù nề... 
 
Theo bác sĩ Trần Văn Tiến, nguyên Phó Giám đốc Viện Da liễu Trung ương: Khi trên da trẻ có những dấu hiệu bất thường này, gia đình cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám thay vì tự điều trị hoặc làm theo những lời khuyên không có cơ sở khoa học sẽ khiến bệnh càng nặng thêm.
 
Viêm mũi dị ứng 
 
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh, phòng khám Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Xanh-pôn Hà Nội cho biết: Thời tiết thay đổi, không riêng trẻ em mà nhiều người lớn cũng dễ mắc bệnh viêm mũi dị ứng với các biểu hiện: hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, ngứa mắt, nghẹt mũi, có khi phải thở bằng miệng gây viêm họng, khô họng, viêm thanh quản và ho. 
 
Nguyên nhân là do mũi là bộ phận đầu tiên của đường thở, niêm mạc được trang bị những thực thể đa hệ để có thể cảm nhận và thích ứng những tác nhân từ bên ngoài. Nhưng sự tiếp xúc diễn ra liên tục quá mức thì bộ phận này không còn đủ khả năng chống đỡ và bắt đầu bị ảnh hưởng dẫn đến có những phản ứng dị ứng hay còn gọi là bệnh viêm mũi dị ứng.
 
Bệnh viêm mũi dị ứng tuy không nguy hiểm nhưng có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng làm việc của người bệnh. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng: viêm xoang, viêm mũi xoang nhiễm trùng, viêm họng, viêm tai giữa,  suyễn.... Do đó, cha mẹ cần sớm nhận biết biểu hiện bệnh của con để đưa con đi khám chuyên khoa tai mũi họng, tránh tự ý dùng thuốc cho con không theo đơn của bác sĩ.
 
Ngoài ra, bác sĩ Tuấn Anh lưu ý, cha mẹ có thể đề phòng viêm mũi dị ứng cho con bằng cách: tránh các yếu tố nguy cơ tiếp xúc với dị nguyên như: bụi nhà, nấm mốc, phấn hoa, mùi nước hoa, lông súc vật, khói, bụi... Giữ ấm khi thay đổi thời tiết, đeo khẩu trang khi đi đường. Chú ý giữ vệ sinh mũi bằng cách thường xuyên dùng nước muối sinh lý để rửa mũi, không dùng tay ngoáy mũi để tránh tổn thương niêm mạc mũi. 
 
Sốt 
 
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó trưởng Khoa Nhi - Viện Quân y 103, Hà Nội: Sốt không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh, đó là phản ứng tự nhiên của cơ thể chống lại trong những bệnh do virus hay vi khuẩn gây ra. Bình thường, thân nhiệt ở trẻ em bao giờ cũng cao hơn người lớn và dễ bị sốt cao hơn khi mắc một chứng bệnh nào đó. Sốt có thể gây cho trẻ cảm giác mệt mỏi, khó chịu, buồn bã, vật vã, quấy khóc, biếng ăn, khi sốt cao trẻ có thể co giật.
 
Có nhiều nguyên nhân gây sốt: Do thời tiết chuyển mùa từ lạnh sang nóng, khi cơ thể chưa kịp đáp ứng thì trẻ đã gây phản ứng sốt. Thời tiết chuyển mùa cũng là cơ hội cho các loại vi khuẩn, virus phát triển mạnh. Khi cơ thể trẻ mệt mỏi, sức đề kháng yếu là điều kiện để vi khuẩn và virus xâm nhập. Trời nắng nóng, trẻ ra nhiều mồ hôi gây ướt quần áo đầu tóc, nếu không được lau khô thì dễ nhiễm lạnh, trẻ cũng dễ bị sốt.
 
Bác sĩ Thúy Hằng cho biết, cách phòng bệnh tốt nhất là dùng Natriclorid 0,9% vệ sinh răng miệng cho trẻ ngày tối thiểu hai lần vào sáng lúc ngủ dậy và trước khi đi ngủ hoặc có điều kiện mua máy khí dung xông mũi họng cho trẻ ngày hai lần cũng bằng Natriclorid 0, 9% với 2ml/lần.
Về chế độ ăn cho trẻ ăn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng, khoáng chất và ăn nhiều các loại rau sẫm màu, quả chín chứa nhiều vitamin, nâng cao sức đề kháng, chống đỡ các bệnh viêm nhiễm gây sốt.
 
Cách dùng thuốc hạ sốt cho trẻ nên dùng các loại có thành phần Paracetamol với liều 10 - 15mg/kg trọng lượng cơ thể, có sốt cao quá nên dùng khăn ấm dưới nhiệt độ cơ thể chườm vào gáy, nách, bẹn, gan bàn tay, gan bàn chân. Cho trẻ uống nhiều nước (cam, chanh hoặc uống Oresol pha đúng công thức, cho trẻ uống theo nhu cầu).
 

 Khi con ốm cần đưa đi khám bác sĩ, tránh tự ý dùng thuốc tại nhà. Ảnh TH
 
Bệnh viêm màng não
 
Theo bác sĩ Đào Đắc Quyền - chuyên khoa Nhi, bệnh viện đa khoa Hai Bà Trưng, Hà Nội: Viêm màng não do virus là bệnh khiến nhiều người chủ quan nhất vì đôi khi không có biểu hiện rõ rệt. Viêm màng não do vi khuẩn ít phổ biến hơn nhưng lại đe dọa tính mạng và đòi hỏi phải có phác đồ điều trị ngay.
 
Phụ thuộc vào loại khuẩn, viêm màng não do vi khuẩn gây tử vong cho 10 - 20% trường hợp mắc bệnh và có thể gây thương tổn vĩnh viễn cho não như điếc hay rối loạn thị giác…
 
Nhiễm trùng máu là một biến chứng nguy hiểm của viêm màng não do vi khuẩn xâm nhập vào máu và nhanh chóng sinh sôi. Theo giới chuyên môn, hiện chưa có bất kỳ văn bản chuẩn nào về chứng bệnh này. Giai đoạn ủ bệnh thường từ hai ngày đến ba tuần, phụ thuộc vào loại viêm màng não.
 
Triệu chứng có thể biểu hiện rõ rệt hoặc không có biểu hiện gì. Thường thì giống với cúm: chảy nước mũi, sốt cao hay hâm hấp, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn vọt, sợ ánh sáng và cứng cổ.
 
Không phải biểu hiện nào ở trên cũng đúng. Có những trẻ chỉ có biểu hiện duy nhất là ngủ lơ mơ trong khi trẻ khác lại có thể trở nên ngớ ngẩn trong chốc lát, có những trẻ bỏ ăn hay bú kém và cáu kỉnh cả ngày. Có các đốm vàng xám ở trên da, thóp phồng lên và lưng uốn cong có thể là những dấu hiệu cho thấy trẻ mắc bệnh. Trẻ thường sẽ trấn tĩnh lại khi được mẹ ôm vào lòng, vỗ về, nhưng với những trẻ bị viêm màng não thì sự đung đưa càng làm trẻ khó chịu, khóc nhiều hơn, đây cũng là một biểu hiện của viêm màng não.
 
Bác sĩ Đào Đắc Quyền lưu ý, viêm màng não là bệnh rất nguy hiểm, có tính chất phức tạp, vì vậy khi thấy con có một trong những triệu chứng trên thì cần đưa đi khám để được điều trị tích cực.
 
 
 

 

Minh Anh/GĐTE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.