THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 05:30

Phòng bệnh về da mùa hanh khô

11/10/2017 | 17:11

 Nên bỏ thói quen sờ tay lên mặt cũng như nặn, hút, hoặc lể mụn vì sẽ gây đỏ và tạo sẹo xấu. Ảnh: KT
 
? Xin chào bác sĩ! Tôi năm nay 56 tuổi. Cứ vào mùa thu đông, tôi không những bị khô nẻ da mặt, chân, tay với triệu chứng sần sùi, thô ráp, nhăn nheo, ngứa rát mà còn bị nẻ môi đến chảy máu. Xin bác sĩ tư vấn cho tôi cách trị bệnh hiệu quả. (Nguyễn Xuân Anh, Hà Trung, Thanh Hóa) 
 
Trả lời: 
 
Hiện tượng khô da mùa đông là do độ ẩm của không khí giảm. Hơn nữa, mặt và tay là vùng da tiếp xúc nhiều nhất với môi trường nên dễ bị khô, nẻ, bong vẩy. Viêm môi (nứt nẻ môi) cũng là một trong những bệnh hay gặp mùa lạnh. Nguyên nhân là do cơ địa da môi của chị dễ bị khô, nứt cộng với yếu tố thời tiết. Ngoài ra, không khí lạnh cộng với thói quen liếm môi làm nước bọt ngấm vào da môi càng khiến môi nứt nẻ hơn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Chị có thể bôi sáp nẻ hoặc son dưỡng môi của các hãng uy tín, tránh ăn mặn khiến môi phồng rộp hơn. Nếu thấy môi vẫn chảy máu thì phải đi khám chuyên khoa da liễu để tránh nhiễm trùng.
 
? Cứ thời tiết lạnh và khô, các ngón chân, tay tôi lại sưng và đau buốt. Ở quê tôi, mọi người gọi là phát cước do dầm nước lạnh. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân của bệnh này, cách chữa trị thế nào? Phạm Thị Phương (Đông Hưng, Thái Bình)
 
Trả lời: 
 
Cước là một loại chấn thương do lạnh thường xuất hiện vào mùa đông, đầu mùa xuân và hay gặp ở những người lao động chân tay như nông dân, người làm nghề chài lưới... và cũng hay gặp ở nhóm người bị thiểu năng tuần hoàn ngoại vi.
 
Do khí hậu lạnh, độ ẩm cao gây kích thích co mạch ngoại vi làm cho tổ chức vùng đó bị thiếu ôxy nuôi dưỡng dẫn đến hoại tử tế bào, tạo thành những đám da phù nề màu đỏ sẫm đôi khi có mụn nước, xuất huyết, trợt loét rất lâu lành. Người bệnh cảm thấy đau đớn vùng bị tổn thương, thâm tím khi nhúng vào nước lạnh và ngứa ngáy khi được ủ ấm làm ảnh hưởng nhiều đến lao động và sinh hoạt. Vị trí thương tổn hay gặp ở các ngón chân, bàn chân, ngón tay, bàn tay, tai và mũi.
 
Cước được chia làm hai thể: cước cấp tính và mạn tính.
 
- Cước cấp tính hay gặp ở trẻ em, là thể nhẹ của chấn thương do lạnh và nhanh khỏi, không tái phát.
 
- Cước mạn tính là thể nặng, gặp ở người có tuổi, mùa đông nào cũng bị, khỏi hoàn toàn về mùa hè và lại tái phát vào mùa đông năm sau. Bệnh có thể đi kèm với cryoglobulin niệu hoặc lupus ban đỏ, xơ cứng bì.
 
Đề phòng cước, chị nên giữ ấm cơ thể bằng cách mặc đủ ấm, đi găng tay, đội mũ len, đeo khẩu trang, đi tất ấm và sưởi ấm sau khi nhiễm lạnh. Khi đã bị cước, bạn nên đến khám tại các phòng khám chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn điều trị đúng cách. 
 

Dù chị em chưa bị nứt nẻ tay thì cũng nên chú ý khi giặt quần áo hay rửa bát nên đi găng tay bảo vệ, tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất.
Ảnh: KT
 
?Cháu là con trai năm nay 19 tuổi. Từ 2 năm trở lại đây, mặt cháu nổi rất nhiều mụn trứng cá to, đỏ ửng. Cháu đã đi khám nhiều nơi, bôi nhiều loại thuốc và thường xuyên có ý thức vệ sinh da mặt sạch sẽ, tránh các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến da, nhưng tình trạng vẫn không cải thiện. Cháu luôn kiêng ăn đồ cay nóng, uống rượu bia, ăn uống và sinh hoạt rất khoa học nhưng sao bệnh vẫn không thuyên giảm. Xin bác sĩ tư vấn cho cháu cách khắc phục tình trạng trên. (Trần Hòa Sơn, Đức Thọ, Hà Tĩnh)
 

Trả lời:
 
Cháu đang bị mụn trứng cá ở tuổi dậy thì. Có khoảng 90% mụn trứng cá bắt đầu xuất hiện ở tuổi dậy thì. Mụn trứng cá nặng chiếm 0,4% ở nữ và 3 đến 4% ở nam, có thể điều trị khỏi nếu chăm sóc đúng. 
 
Để trị mụn trứng cá, cháu cần sử dụng thuốc uống và bôi. Quá trình theo dõi bệnh có thể gặp nhiều khó khăn nếu cháu có kèm rối loạn về nội tiết tố (ví dụ như hội chứng buồng trứng đa nang) hay liên quan yếu tố gia đình (do gene) như có bố hoặc mẹ, anh chị em bị mụn nặng.
 
Về cơ bản, cách chăm sóc da bị mụn trứng cá nặng cần chú ý những điểm sau:
 
- Bỏ thói quen sờ tay lên mặt cũng như nặn, hút, hoặc lể mụn vì sẽ gây đỏ và tạo sẹo xấu.
- Hạn chế các yếu tố gây bít tắc lỗ chân lông như dùng mỹ phẩm, đội nón chặt, để tóc che phủ mặt, đổ mồ hôi nhiều.
- Chọn lựa các sản phẩm tẩy rửa, dưỡng da phù hợp như loại rửa êm dịu da, không chứa cát nhám. Tốt nhất nên dùng loại dưỡng da có ghi chú “non-acnegenic” (không tạo mụn) hoặc “non-conmedogenic” (không tạo cồi).
- Nên rửa mặt từ 2 đến 3 lần mỗi ngày. Chỉ rửa bằng nước sạch khi da khô, đỏ, ngứa do tác dụng của thuốc đang điều trị bệnh. Có thể dùng rửa mặt thêm một lần vào buổi tối khi da nhờn bằng sản phẩm rửa thích hợp. Không nên dùng bông hoặc khăn chà xát vì sẽ làm trầy xước da, chỉ nên rửa nhẹ nhàng bằng tay, sau đó thấm khô nước bằng gạc sạch. Lưu ý: Nên rửa tay thật sạch trước khi rửa mặt. 
- Không nên dùng thuốc "truyền miệng" theo lời khuyên của bạn bè, người quen hoặc tự mua thuốc dùng. Cách điều trị mụn rất khác nhau giữa người này và người khác, còn phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, các yếu tố nguy cơ, đặc điểm loại da, loại mụn… Do vậy, cháu nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được bác sĩ tư vấn cụ thể.
 
? Xin bác sĩ tư vấn cách phòng các bệnh về da trong mùa hanh khô? (Nhiều người có cùng câu hỏi)
 
Trả lời: 
 
Để phòng viêm da mùa hanh khô, điều quan trọng đầu tiên là phải giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, ngay cả quần áo cũng phải được giặt thật sạch sẽ, phơi khô, chống nấm mốc. Sử dụng kem dưỡng làm ẩm da phù hợp với từng vị trí da: môi, mặt, tay, chân, cơ thể. Cần thiết thì bạn có thể đến bác sĩ để được tư vấn.
 
Trong trường hợp bôi kem dưỡng không hiệu quả thì nên kết hợp thuốc bôi đặc trị. 
 
Chế độ dinh dưỡng: ăn uống nhiều vitamin, khoáng chất. 
 
Chế độ sinh hoạt: làm việc, tránh tiếp xúc trực tiếp với chất tẩy rửa, xà phòng; Tắm nước ấm, không tắm nóng quá, dễ gây ngứa.
 
Lưu ý: Đa phần những trường hợp bị nứt tay chân là phụ nữ, làm công việc nội trợ. Nguyên nhân một phần do hóa chất trong xà phòng, nước rửa bát... làm mất sự tiết chất nhờn của da, làm da bị tổn thương. Không phải tiếp xúc với xà phòng một lần là bị ngay mà cả quá trình dài, có người làm nội trợ 5-10 năm sau mới bị.
 
Vì thế, dù hiện giờ chị em chưa bị nứt nẻ tay thì cũng nên chú ý khi giặt quần áo hay rửa bát nên đi găng tay bảo vệ, tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất. Những người đã bị nếu không đi găng tay thì da sẽ bị nứt, khô nặng hơn.
 
Nếu đã tuân thủ chế độ chăm sóc da đúng cách nhưng da vẫn không đỡ thì cần đến các phòng khám da liễu khám kịp thời.
 
 

 

Minh Anh/GĐTE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.