THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 09:14

Phong cách nghệ thuật độc đáo của cố họa sĩ Lê Năng Hiển

17/09/2018 | 21:05

Khai mạc triển lãm tranh của cố họa sĩ Lê Năng Hiển vào chiều 15/9.

“Năng Hiển – Zuy Nhất” là triển lãm cá nhân lần thứ hai của ông sau khi mất, được gia đình công bố từ những tác phẩm chọn lọc mà ông sáng tác trong một thời gian dài liên tục, hơn 60 năm. Triển lãm lần này trưng bày 67 tác phẩm trong đó có 21 tranh lụa, 16 sơn dầu, 9 sơn mài và một số tranh phấn màu, màu nước với các đề tài quen thuộc Thiếu nữ Hà Nội xưa, chân dung bạn bè người thân gia đình và những tranh sinh hoạt xã hội.

Họa sĩ Lê Ngọc Huyền - con gái cố họa sĩ Lê Năng Hiển nhận lẵng hoa chúc mừng triển lãm

Các họa sĩ yêu quý, mến mộ tài năng cố họa sĩ Lê Năng Hiển chụp ảnh lưu niệm

Gia đình, bạn bè thân thiết của cố họa sĩ Lê Năng Hiển

Cùng thời với họa sĩ Bùi Xuân Phái, Lê Năng Hiển (còn có bút danh: Zuy Nhất) nổi lên là một tài tử trong giới nghệ thuật Hà Nội khi có thể đóng kịch, viết văn và vẽ tranh. Ông còn là một họa sĩ vẽ tranh lụa hàng đầu Việt Nam dù không qua bất kỳ một trường lớp đào tạo nào về hội họa.

Thiếu nữ Hà Nội qua nét vẽ Lê Năng Hiển.

Cố họa sĩ Lê Năng Hiển là một hoạ sỹ duy mỹ và đa cảm, ông đã tạo nên một phong cách nghệ thuật độc đáo của riêng mình. Một hoạ sỹ có nền tảng học vấn sâu, rộng và một cuộc sống từng trải, phong phú, nhiều năm tìm tòi, thể nghiệm trên chất liệu lụa, lại là người thông minh, mẫn cảm và đam mê sáng tạo, Lê Năng Hiển đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ.

Bức tranh lụa cuối cùng của cố họa sĩ Lê Năng Hiển vẽ

Công chúng xem tranh sẽ không thể quên những tác phẩm lụa ông vẽ về Hà Nội, những bức chân dung thiếu nữ bên hoa quỳnh, hoa cúc, hoa sen với những vẻ đẹp thuần khiết, trong trắng, duyên dáng, đầy mộng mơ. Sức thanh xuân căng đầy trong những tà áo lụa dịu dàng thanh mảnh. Những thiếu phụ nền nã, đoan trang, mang một vẻ đẹp kiêu sa thanh lịch Tràng An, đầy quyến rũ.

Bên cạnh đề tài thiếu nữ, Lê Năng Hiển còn được đánh giá cao ở mảng tranh lịch sử với các bức tranh khổ lớn như “Chiến thắng Bạch Đằng giang”, “Trận Ngọc Hồi-Quang Trung đại phá quân Thanh” được trưng bày tại các bảo tàng lớn. Với vốn kiến thức uyên thâm về lịch sử, Lê Năng Hiển đã tái hiện các trận chiến rất chân thực và ông có thể đứng hàng giờ trước bức tranh để kể về bối cảnh lịch sử, về không khí của trận chiến. 

Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, cố họa sĩ Lê Năng Hiển hợp nhất hai diện mạo quen thuộc trong giới bạn bè: một kịch sĩ tài hoa và họa sĩ của một thời Hà Nội với những tranh chân dung thiếu nữ yêu kiều mộng mơ, tranh lịch sử tráng ca đầy ắp sự kiện huy hoàng của các triều đại hiển hách chống xâm lăng. Ở diện mạo nào cũng in đậm dấu ấn một nghệ sĩ sống theo lý tưởng của riêng mình và dâng hiến tận cùng cho nghệ thuật”- nhà phê bình Hải Yến nhận xét.

“Là một trong những số ít họa sĩ sáng tác tự do và sống được bằng các tác phẩm của mình, là người Hà Nội nho nhã, lịch thiệp và tài hoa, họa sĩ Lê Năng Hiển đã để lại cho đời sự cảm mến của nhiều đồng nghiệp, những tác phẩm mỹ thuật với nhiều chất liệu, thể loại khác nhau sẽ còn lưu giữ cho đời sau, góp phần vào sự nghiệp phát triển mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông còn là một trong những họa sĩ đa tài ghi dấu ấn cả trong lĩnh vực sân khấu, văn học, đặc biệt là những sách về đề tài lịch sử Việt Nam do ông viết và vẽ minh họa”- họa sĩ Trần Khánh Chương nhận xét.

Triển lãm diễn ra từ ngày 15-19/9/2018, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Hồng Nga / TC Gia đình & Trẻ em

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...