THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 02:28

Phòng, chống Covid-19: Lạc quan, không chủ quan!

01/10/2020 | 12:56
Số người lây nhiễm trên thế giới vẫn tăng nhưng dấu hiệu lạc quan đã rõ
 
Tổng số người nhiễm bệnh trên thế giới hiện nay vào khoảng 33 triệu, số người bình phục trên 24 triệu, số người tử vong khoảng 1 triệu. Nhìn vào những con số này, nhiều người bi quan vì những ngày gần đây, mỗi ngày trên dưới 300 ngàn người nhiễm bệnh. Đó là chưa kể đã xuất hiện một số hành vi gây băn khoăn, lo lắng. Đó là một số dụng cụ y tế dùng để chống dịch chất lượng thấp. Ở một số nơi có hiện tượng “thổi giá” máy móc, thiết bị y tế hiện đại nhằm trục lợi. Một số quốc gia có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, thiếu sự hợp tác, đoàn kết trong việc nghiên cứu, sản xuất vaccine chống dịch. 
 
Vậy lạc quan ở chỗ nào?
 
Dù có một số hiện tượng không vui nhưng chúng ta vẫn có những điều để lạc quan: 1. Tỷ lệ người tử vong đã giảm nhanh chóng. Cách đây chừng 3 tháng, tỷ lệ tử vong ở mức 7%, nay chỉ còn 3%. 3% số người tử vong là số liệu các nhà khoa học đưa ra ngay từ khi dịch bắt đầu bùng phát. Như vậy, các nhà khoa học đã hiểu đúng đại dịch này; 2. Đến thời điểm này, nhiều nước công bố đã sản xuất được vaccine phòng chống và chữa trị virus corona. Nước Nga đã đưa vào điều trị thử nghiệm và sản xuất hàng loạt; 3. Dẫu dịch Covid-19 đã lan rộng ra toàn cầu, số người tử vong cũng rất lớn, nhưng nhân loại vẫn không mất tinh thần, các hoạt động kinh tế, văn hóa, thể thao... vẫn diễn ra. Điều này chứng tỏ con người vẫn tin tưởng vào tương lại tốt đẹp.
 
Con người với trí tuệ và lòng nhân ái sẽ sát cánh bên nhau để chiến thắng đại dịch Covid-19. Điều này không có gì để nghi ngờ. Tuy nhiên, để giảm bớt thiệt hại kinh tế, để hạn chế số người tử vong, thế giới còn rất nhiều việc phải làm.

                                            
Người dân thực hiện nghiêm việc khai báo y tế khi tới bệnh viện khám chữa bệnh. Ảnh KT
 
Phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam: Rất hiệu quả, đáng lạc quan nhưng không chủ quan
 
Đến thời điểm này, Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, có 1.069 người nhiễm bệnh, 991 người bình phục và 35 ca tử vong. Những con số này cho phép kết luận Việt Nam phòng, chống đại dịch Covid-19 rất hiệu quả. Khi dịch bắt đầu vào đầu năm 2020, Việt Nam đã chủ động phòng chống, hạn chế tối đa người nhiễm bệnh và không để xảy ra ca tử vong nào. Điều này khiến thế giới ngưỡng mộ và không tiếc lời ca ngợi.
 
Ngay cả khi làn sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát, thành phố lớn Đà Nẵng thành ổ dịch nguy hiểm thì Việt Nam vẫn bình tĩnh thực hiện việc phòng, chống một cách bài bản. Kết quả là đến thời điểm này, đã trên 20 ngày không có ca lây nhiễm ngoài cộng đồng, ở tất cả các tỉnh và thành phố, kể cả ổ dịch Đà Nẵng, mọi hoạt động đã trở lại bình thường. Một lần nữa, thế giới lại dành cho Việt Nam những lời tốt đẹp trong cuộc chiến chống Covid-19.
 
Trong những ngày này, mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam phấn khởi thực hiện kế hoạch lao động sản xuất, học tập của mình (đương nhiên là trong điều kiện bình thường mới). Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều hiểu rằng, tình hình cho phép chúng ta lạc quan nhưng không được chủ quan.
 
Tại sao vậy?
 
Tại vì dịch Covid-19 đã bùng phát ở Việt Nam lần thứ hai, sau khi chúng ta đã khống chế được gần 100 ngày không có ca lây nhiễm ngoài cộng đồng. Rõ ràng ở đây có yếu tố chủ quan.
 
Điều quan trọng và đáng quan tâm nhất, hiện nay tại Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Chiều 24/9/2020, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, các chuyên gia nhận định, Việt Nam tiềm ẩn 4 nguồn có nguy cơ lây nhiễm Covid-19: 1. Từ người nhập cảnh trái phép; 2. Người nhập cảnh hợp pháp nhưng không thực hiện nghiêm túc quy định cách ly, giám sát y tế; 3. Nguồn bệnh lưu hành trong cộng đồng; 4. Một số mặt hàng nhập khẩu được sản xuất hoặc vận chuyển qua các nước có dịch bệnh.
 
Đấy là 4 nguy cơ đã được các cơ quan chức năng nhận diện, còn có những nguy cơ mà chúng ta chưa thể biết được. Điều này được chứng minh bằng việc có những người Việt Nam khỏe mạnh ra nước ngoài được các nước sở tại phát hiện dương tính với virus corona. Vì vậy, không thể chủ quan trong bất cứ trường hợp nào.


Thông điệp 5K của Bộ Y tế về phòng chống Covid-19. Ảnh KT
 
Cần làm gì để chứng tỏ không chủ quan?
 
Để xác định người nọ, người kia; địa phương nọ, địa phương kia; ngành nọ, ngành kia... có chủ quan trong phòng, chống Covid-19 trong tình hình hiện nay là một việc không hề dễ. Không thể kết luận người ta chủ quan khi ra đường vẫn đeo khẩu trang, không vi phạm quy định của cơ quan chức năng, có lực lượng ứng trực phòng, chống dịch, đã đăng ký mua vaccine phòng virus corona của nước ngoài... 
 
Về hoạt động, có thể nói chúng ta không chủ quan trong tình hình hiện nay. Nhưng trong tư tưởng, hình như ở đâu đó đã xuất hiện sự chủ quan. Đó là việc nhiều loại dịch vụ hoạt động trở lại một cách ồ ạt; khái niệm “giãn cách xã hội” dường như chưa từng tồn tại; người ta đeo khẩu trang một cách hờ hững, mang tính đối phó; một số cán bộ, công chức tụ tập ăn uống đông người thường xuyên... Đây chính là biểu hiện của sự chủ quan trong việc phòng, chống dịch Covid-19.
 
Một biểu hiện nữa của tính chủ quan là đã bắt đầu xuất hiện sự trễ nải, kém khẩn trương, kém sắc bén trong việc đưa tin về dịch Covid-19 trên báo chí, truyền thông. Điều này xảy ra vì một số nhà báo không còn hứng thú với việc đưa tin, viết bài về Covid-19 nữa. Họ cho rằng, ở Việt Nam việc phòng, chống dich Covid-19 đã đến hồi kết thúc.
 
Thật ra, chúng ta phải cảnh giác, không được chủ quan vì không ai khẳng định được là ở Việt Nam liệu có làn sóng thứ ba của dịch Covid-19 hay không? Nếu chúng ta chủ quan sẽ phải trả giá đắt. Vì vậy, tốt nhất là vẫn phải duy trì sự cảnh giác để đối phó có hiệu quả nếu dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Cần nhắc lại câu khẩu hiệu đã thành chân lý của ngành y: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh!”.
 

Hồ Bất Khuất/GĐTE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.