CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 10:56

Phòng chống đuối nước trẻ em trong mùa dịch COVID-19

10/08/2020 | 16:50


Các đại biểu tham dự tọa đàm.


2/3 các vụ tai nạn đuối nước xảy ra vào mùa hè


Đuối nước là kẻ giết người thầm lặng, cướp đi mạng sống của hơn 2.000 trẻ em Việt Nam mỗi năm. Việt Nam hiện nằm trong số các nước có tỉ lệ trẻ tử vong do đuối nước cao trên thế giới. Đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 vừa qua, số vụ đuối nước ở trẻ em không hề giảm mà vẫn tiếp tục xảy ra. Một phần nguyên nhân là do trẻ nghỉ học ở nhà trong thời gian dài và bố mẹ vẫn phải đi làm, dẫn đến tình trạng trẻ bị thiếu đi sự giám sát. Mùa hè đã đến cũng mang theo những báo động về tình trạng đuối nước ở trẻ em khi số liệu các năm đều ghi nhận khoảng 2/3 các vụ tai nạn đuối nước xảy ra vào thời gian này.
 

Phòng chống đuối nước cho trẻ: Trẻ cần trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà.


Tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến đuối nước trẻ em như nhận thức của cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ về các nguy cơ gây đuối nước còn hạn chế. Nhiều trường hợp TNTTE, đuối nước trẻ em xảy ra do sự thiếu kiến thức của người lớn, thiếu kiến thức của bản thân trẻ; Trẻ em thiếu sự giám sát của cha mẹ và người lớn (trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối, tắm gần các đập thuỷ điện và tắm biển không có người lớn đi kèm).

Bên cạnh đó, môi trường sống ngay trong từng gia đình và ngoài cộng đồng chưa an toàn, tiềm ẩn các nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Nhiều nơi các giếng khơi và bể nước không có nắp đậy, nhiều công trình xây dựng không có rào chắn, thiếu biển báo tại các hố nước hoặc không lấp bỏ các hố nước sau khi kết thúc xây dựng. Các khúc sông, hồ nước sâu, nước xoáy gần khu dân cư không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm.

Ngoài ra, môi trường sống tự nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNTTE. Nước ta có đường bờ biển dài và hệ thống sông, suối, ao, hồ dày đặc; một số khu vực có hệ thống sông ngòi và kênh, rạch chằng chịt như đồng bằng sông Cửu Long.

Đặc biệt, trẻ em thiếu các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, nhiều trẻ em chưa biết bơi an toàn. Việc dạy kỹ năng an toàn PTTNTTE chưa thường xuyên. Việc dạy bơi tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn do thiếu đội ngũ giáo viên dạy bơi, thiếu bể bơi, nhất là các địa phương nghèo, vùng sâu vùng xa. Việc chấp hành quy định của pháp luật về an toàn PCTNTTTE còn chưa tốt. Như khi tham gia giao đi tàu thuyền, khi xây dựng nhà.

Phòng chống đuối nước cho trẻ: Trẻ cần trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước - Ảnh 3.

Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam Kidong Park phát biểu tại Tọa đàm.

Bảo vệ tính mạng cho một đứa trẻ cần nhiều yếu tố

Phòng, chống đuối nước là một phần của chiến lược quốc gia về phòng, chống thương tích trẻ em và chính phủ đặt mục tiêu giảm thiểu 6% tỉ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em. Tuy nhiên, có rất nhiều thách thức trong việc biến điều đó thành hiện thực như hạn chế về ngân sách, thiếu cơ sở hạ tầng đặc biệt là các vùng khó khăn, nhận thức, ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, xây dựng quan hệ đối tác phòng, chống đuối nước bao gồm vai trò của các bộ ngành liên quan, địa phương và chính gia đình, nhà trường cho vấn đề này. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, cả cộng đồng và chính gia đình, trẻ em cùng phòng chống đuối nước.

Đồng quan điểm, bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, Hoa Kỳ khẳng định: Việc bảo vệ tính mạng cho một đứa trẻ cần nhiều yếu tố trong môi trường rộng lớn, từ chính gia đình, đến nhà trường và cộng đồng. Bản thân con trẻ tiếp xúc với môi trường nước đã là có nguy cơ bị đuối nước. Do đó, cần sự can thiệp toàn diện và tổng hòa từ nhiều giải pháp như truyền thông cho các nhóm đối tượng, cải tạo môi trường nguy cơ, tổ chức cho trẻ học bơi và kĩ năng an toàn trong môi trường nước… Ví dụ can thiệp với từng nhóm đối tượng cụ thể như trẻ dưới 5 tuổi thì sự theo dõi và giám sát là tiên quyết. Nhưng với trẻ lớn hơn thì cần có kĩ năng sống còn, biết bơi sống sót và ngoài sự giám sát của người lớn.

Phòng chống đuối nước cho trẻ: Trẻ cần trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước - Ảnh 5.

Bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, Hoa Kỳ

Một thực tế hiện nay tại Việt Nam, không ít trẻ biết bơi nhưng vẫn bị đuối nước. Vì vậy, theo TS Kidong Park - Trưởng đại diện tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khẳng định, trẻ biết bơi thôi chưa đủ mà cần phải được học các kỹ năng an toàn dưới nước.

Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra 6 can thiệp và 4 giải pháp để phòng chống đuối nước. Theo đó, 6 can thiệp phòng chống đuối nước trẻ em bao gồm: Tạo môi trường an toàn tránh xa nguồn nước cho trẻ mầm non; làm rào để kiểm soát trẻ tiếp cận nguồn nước; dạy cho trẻ em tuổi tiểu học biết bơi và biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; xây dựng khả năng chống chịu rủi ro, quản lý rủi ro và các hiểm họa khác ở cấp độ địa phương và quốc gia; đào tạo người dân kỹ năng cứu hộ và sơ cứu; xây dựng và thực thi các quy định về an toàn giao thông đường thủy như tàu, thuyền, phà. 

4 Chiến lược hỗ trợ can thiệp gồm: Khuyến khích phối hợp đa ngành; tăng cường nhận thức của nhân dân về phòng chống đuối nước thông qua truyền thông có chiến lược; thiết lập kế hoạch an toàn đường thủy quốc gia; nghiên cứu phòng chống đuối nước trẻ em thông qua thu thập dữ liệu và nghiên cứu bài bản.

Chia sẻ tại tọa đàm, anh Hoàng Anh Tú, đại diện phụ huynh nêu thực trạng, hiện các địa phương đều thiếu bể bơi và giáo viên dạy bơi; thậm chí, ngay cả người dạy bơi cũng không biết các kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Anh Tú đề xuất, cần đẩy mạnh dạy bơi đến trẻ em và đặc biệt tổ chức các giải bơi để thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng.

Để phòng ngừa tai nạn đuối nước ở trẻ em, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà lưu ý các bậc phụ huynh cần nâng cao trách nhiệm, đưa các con đi học bơi ở lứa tuổi thích hợp. Trong quá trình xây dựng nhà bảo đảm an toàn trong môi trường xung quanh. Bảo đảm giám sát trẻ em, tránh sao nhãng.

Thứ trưởng mong các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng chỉ đạo của TTgCP, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm có các biển báo, bố trí nguồn lực, thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn cho các con. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của người dân để tạo môi trường an toàn cho các con, bảo đảm điều kiện, hỗ trợ những người dạy bơi cho con.

Tăng cường sự phối hợp chỉ đạo của các bộ, ngành, TW, tăng cường sự phối hợp kiểm tra giám sát. Các tổ chức quốc tế, trong nước quan tâm hỗ trợ nguồn lực. Các địa phương bố trí kinh phí phù hợp với điều kiện KTXH địa phương.

Được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc của các địa phương, gia đình và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, xã hội, tình trạng đuối nước trẻ em trong những năm qua có những chuyển biến tích cực. Năm 2010, mỗi năm có khoảng 3.300 trẻ tử vong do đuối nước thì đến nay đã giảm xuống còn khoảng 2.000 trẻ. Trong đó, đuối nước trong cộng đồng chiếm khoảng 76%.

Thảo Vân/ GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.