THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 07:12

Phòng, chống xâm hại trẻ em cần sự vào cuộc của toàn xã hội

30/06/2019 | 20:21

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Tháng hành động vì trẻ em năm 2019. Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành Trung ương, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), các nhà khoa học thuộc các cơ quan nghiên cứu khoa học, trường học... Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì Hội thảo.

Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTT&XH phát biểu tại hội thảo. 

Xâm hại trẻ em báo động đỏ

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong 2 năm 2017 - 2018, toàn quốc xảy ra 3.139 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với 3.221 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, trong đó 2.643 vụ xâm hại tình dục với 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục. 3 tháng đầu năm 2019 đã xử lý 310 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em với 325 trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

Số lượng các vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện, xử lý có giảm nhưng không nhiều, tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, do nhiều loại đối tượng gây ra, trong đó phần lớn là người quen, họ hàng, hàng xóm, không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài, có cả trường hợp xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Nhiều vụ việc gia đình không cung cấp thông tin, thông báo, tố giác tới các cơ quan chức năng, vì sợ ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình; thủ phạm có sự đe dọa hoặc dùng tiền mua chuộc, hòa giải với gia đình của nạn nhân.

Bạo lực, xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến cả thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí làm trẻ em bị tử vong hoặc khiến trẻ em phải tự tử. Bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều, học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, thầy cô giáo có hành vi bạo lực đối với học sinh, bạo lực trong cơ sở giáo dục mầm non gây bức xúc trong dư luận.

Ông Đặng Hoa Nam cũng nêu ra nguyên nhân của tình trạng trẻ em bị xâm hại hiện nay như: công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn chưa hiệu quả. Nhận thức và kỹ năng của gia đình, xã hội về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đúng, chưa đầy đủ. Các em chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh khi bị xâm hại tình dục.

Vai trò, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, nhà trường và cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ trẻ em.

Ngoài ra, những khó khăn về kinh tế, xã hội cũng dẫn đến gia tăng áp lực tâm lý trong đời sống gia đình và xã hội, gây ra các sang chấn tâm lý và hành vi “lệch chuẩn” ở trẻ em và người lớn.

Nhiều quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện. Quy định pháp luật về quy trình tư pháp bảo vệ trẻ em, thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên chưa cụ thể, vẫn chủ yếu ở mức độ hướng dẫn và mô hình thử nghiệm.

Việc phòng, chống xâm hại trẻ em cần sự tham gia vào cuộc của toàn xã hội, trong đó gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng

Nhiều chính sách cho sự nghiệp giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em được Đảng và Nhà nước quan tâm, ban hành và thực hiện. Đặc biệt từ khi Luật trẻ em năm 2016 được Quốc hội thông qua, công tác chăm sóc trẻ em đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em. Sự phối hợp liên ngành trong việc thực hiện công tác trẻ em đã có những chuyển biến, hiệu quả tích cực. Đối với Bộ VH-TT&DL, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, Bộ đã tập trung thực hiện các điều kiện đảm bảo cho trẻ em quyền vui chơi giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch, gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị truyền thống của gia đình và đảm bảo sự tham gia của trẻ em trong gia đình.

Ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL phát biểu

Tuy vậy, thời gian qua, xã hội còn phải chứng kiến một số gia đình, tổ chức thiếu trách nhiệm với trẻ em, chưa coi trọng vấn đề bảo vệ trẻ em, thiếu hiểu biết về luật pháp, không nhận thức được các hành vi vi phạm quyền trẻ em dẫn đến thực thi pháp luật, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn yếu.

Một số địa phương chưa khơi dậy và phát huy hết các nguồn lực, vai trò, trách nhiệm của gia đình, trường học, cộng đồng cơ sở đối với bảo vệ, chăm sóc trẻ em; công tác truyền thông vận động để mọi người dân thực hiện tốt các văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em còn hạn chế, chưa rộng khắp.

Vì vậy, việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục là vấn đề cấp thiết, cần sự tham gia vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định: “Mỗi gia đình, thành viên gia đình, đặc biệt là những bậc cha mẹ trước hết phải hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc phòng, chống xâm hại con, cháu của mình. Sau đó phải trang bị cho bản thân và giáo dục, hướng dẫn cho con, cháu những kiến thức, những kỹ năng trong việc nhận diện, phòng, chống các hành vi xâm hại trẻ em. Đây có thể coi là nền tảng quan trọng, thiết thực với việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ em”.

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em

Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTT&DL) Trần Tuyết Ánh cho biết, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, chỉ đạo sát sao, đảm bảo các quyền của trẻ em theo quy định tại Luật. Năm 2020, Quốc hội đã chọn chuyên đề giám sát về phòng, chống xâm hại trẻ em. Trong những năm qua, Bộ VH-TT&DL triển khai thực hiện Luật trẻ em, các nhiệm vụ về phòng, chống bạo lực, xâm hại, trong đó có xâm hại trẻ em với nhiều hình thức, nội dung, chú trọng đến vai trò quản lý nhà nước về công tác gia đình; Tuyên truyền, phát huy vai trò của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trong việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình… Trong các đợt truyền thông trọng điểm, cùng với thông điệp như “Bảo vệ trẻ em an toàn ngay tại gia đình là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình”, “Bạo lực gia đình làm suy giảm khả năng học tập và sự phát triển toàn diện của trẻ em”, “Bảo vệ trẻ em trong gia đình bằng hạnh phúc, bình yên”… được tuyên truyền ở 63 tỉnh, thành cả nước.

Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh

Rất nhiều hoạt động truyền thông đã và đang thực hiện, nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của các thành viên trong gia đình với việc chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh nhấn mạnh, trong số các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình thời gian tới, có việc thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại 12 tỉnh / thành và chỉ đạo các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tiễn địa phương xây dựng và triển khai thí điểm Bộ tiêu chí trên địa bàn; Phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng và tuyên truyền, phổ biến tài liệu hướng dẫn cha mẹ các kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Đưa nội dung về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình, văn hoá cơ sở và cho đối tượng là các già làng, trưởng bản…

Cần tăng nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em

Về giải pháp chung giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, cần tăng nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em, bao gồm bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em, bố trí ngân sách địa  phương để thiết lập, triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, thành lập nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã.

Hoàn thiện và thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo hành, xâm hại và can thiệp kịp thời các vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại.

Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức xã hội tăng cường các biện pháp: Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em để làm cơ sở phòng ngừa và giải quyết nghiêm minh vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; Tổ chức các đoàn kiểm tra của Uỷ ban Quốc gia về trẻ em tại các bộ, ngành, địa phương về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; Tăng cường truyền thông về các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bảo đảm các em được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, đào tạo, trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác.

Báo chí và mạng xã hội cần hợp lực trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em

TS. Hồ Bất Khuất, Tạp chí Gia đình & Trẻ em phát biểu về ảnh hưởng của báo chí và mạng xã hội đối với việc phòng, chống xâm hại trẻ em, trong đó nhấn mạnh: Sự quan tâm phòng, chống xâm hại trẻ em không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng mà thuộc về mọi gia đình, nhà trường và toàn xã hội nói chung.

TS. Hồ Bất Khuất, Tạp chí Gia đình & Trẻ em phát biểu tham luận "Ảnh hưởng của báo chí và mạng xã hội đối với việc phòng, chống xâm hại trẻ em"

Các hoạt động tham vấn tâm lý góp phần đáng kể trong việc bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ bị xâm hại, tạo ra môi trường học tập, vui chơi lành mạnh tốt nhất cho sự phát triển toàn diện nhân cách ở trẻ. Phải đề cao vai trò của các nhà tâm lý để tham vấn tâm lý học đường cần đa dạng từ hoạt động đào tạo đến nghiên cứu, ứng dụng và xâu chuỗi lại thành một hoạt động chung nhất về mục tiêu, chương trình.

Đẩy mạnh các hoạt động, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về phòng, chống  tội phạm xâm hại trẻ em trong khu dân cư nói chung. Cần xây dựng kế hoạch liên ngành, liên bộ phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch đến năm 2025 giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ VH-TT&DL. Đây là điều cần thiết để những hoạt động phòng, chống bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em được diễn ra liên tục và rộng khắp. Báo chí và mạng xã hội có khả năng làm tốt công việc này.

Báo chí phỏng vấn bên lề hội thảo

Để ảnh hưởng của báo chí và mạng xã hội đối với công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng lớn hơn, tốt hơn, TS. Hồ Bất Khuất đề xuất một số giải pháp sau:

Nên xây dựng một số cơ quan báo chí có chức năng chuyên biệt về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Một số cơ quan báo chí có tính chuyên biệt phải được Nhà nước hỗ trợ để tồn tại và phát triển. Báo chí trẻ em thuộc loại được Nhà nước quan tâm hỗ trợ, từ việc miễn giảm thuế, đến cung cấp quảng cáo và tài trợ kinh phí. Sự hỗ trợ này mang lại hiệu quả gián tiếp nhưng rất có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cần tạo điều kiện để những người làm báo về trẻ em về nông thôn, về vùng sâu, vùng xa… Trên thực tế, chỉ ở những nơi này mới xẩy ra nhiều vấn đề mà báo chí trẻ em quan tâm và có thể phản ánh, mổ xẻ có hiệu quả. Thực tế cho thấy, những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mới lâm vào những hoàn cảnh cần sự giúp đỡ. Những em này thường sống ở vùng sâu, vùng xa, vì vậy, việc tổ chức cho phóng viên đi thực tế là điều hết sức cần thiết.

Đã đến lúc báo chí và mạng xã hội hợp lực với trong việc phòng, chống xâm hại trẻ em. Mạng xã hội phát huy thế mạnh của mình là lực lượng đông đảo, có mặt ở khắp mọi nơi, có nhiều tin tức và đưa tin nhanh chóng. Còn báo chí phát huy thế mạnh là tính chuyên nghiệp, tính chính xác của mình để đưa tin và bình luận. Kết hợp những điều này lại với nhau, chúng ta có nguồn tin đầy đủ, nhanh chóng, đáng tin cậy để làm tốt công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em

Các đại biểu tại hội thảo nhận xét, Hội thảo “Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em” với 20 tham luận trình bày rất khoa học, thảo luận diễn ra sôi nổi, chất lượng và hữu ích.

Ý kiến thảo luận của các đại biểu sôi nổi, chất lượng và hữu ích

Thứ trưởng Tạ Quang Đông kết luận: hội thảo cho thấy bức tranh toàn cảnh vấn nạn bạo lực, xâm hại trẻ em đáng báo động, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ban, ngành thì bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng xấu. Việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, kiến thức phải đi nhiều chiều, nhiều hướng. Bên cạnh việc gia đình và nhà trường kết nối giáo dục con em chặt chẽ hơn, các cơ quan phải cùng nhau đồng lòng vào cuộc, thực thi những biện pháp thiết thực. Cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em. Bộ VH-TT&DL sẽ tăng cường phổ biến tuyên truyền, mở thêm những lớp tập huấn ở địa phương, áp dụng Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình…

Hồng Nga / TC Gia đình & Trẻ em

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.