THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 01:11

Phòng tránh biến chứng nguy hiểm do cúm ở trẻ

13/08/2022 | 07:03
Cúm là bệnh lý rất thường gặp ở trẻ với nhiều chủng khác nhau. Trong đó, chủng cúm A có thể gây ra biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Bệnh cúm có thể tiến triển nặng gây viêm phổi, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Bệnh cúm có thể chủ động phòng bệnh khi cho trẻ tiêm vaccine hàng năm.

Bệnh cúm có thể chủ động phòng bệnh khi cho trẻ tiêm vaccine hàng năm.

Chẩn đoán cúm sớm hạn chế biến chứng

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Ða phần bệnh cúm thông thường sẽ không gây ra nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ em bị cúm với những chủng cúm đặc biệt như cúm A/H1N1, H5N1, H3N2… có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng.

Ban đầu, bé Minh Anh (1 tuổi ở Hà Nội) chỉ có triệu chứng ho, sổ mũi nên chị Hương – mẹ bé nghĩ là con cảm cúm thông thường và tự chữa bằng thuốc cúm. Mấy ngày sau, bé Minh Anh sốt 39 độ C, lúc nóng lúc lạnh, ho có đờm, chảy nước mũi liên tục, nôn trớ, đi ngoài, mệt lả gia đình mới đưa bé vào viện khám. Sau khi test cho kết quả dương tính cúm A, bé được yêu cầu nhập viện gấp để điều trị viêm phổi. Sau hai tuần điều trị, may mắn sức khỏe của bé ổn định và được xuất viện.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, gần 1 tháng nay số lượng bệnh nhi cúm A tăng rõ rệt. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 15-25 bệnh nhi nhập viện với các triệu chứng nặng như sốt cao trên 39 độ C không hạ, co giật, suy hô hấp, viêm phổi, tổn thương thần kinh... Không ít bệnh nhân cúm A diễn biến nặng, thậm chí phải đặt ECMO. Ðiển hình là bệnh nhi ở Lai Châu, 3 tuổi bị suy hô hấp nặng, tổn thương phổi phải  can thiệp ECMO. PGS.TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Ðiều trị tích cực nội nhi (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, bệnh nhi này bị tổn thương phổi rất nặng nề. Các bác sĩ đang duy trì các chỉ số chức năng sống trong giới hạn bình thường nhưng tổn thương phổi rất trầm trọng, phục hồi chậm.

ThS. BS Trần Tiến Tùng - Chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết: Triệu chứng đặc trưng cúm là sốt cao đột ngột, rét run, đau đầu, đau mỏi người, viêm họng, chảy nước mũi, nhưng có thể nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường và cúm. Vì vậy, xét nghiệm được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán cúm.

Việc chẩn đoán chính xác cúm có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm sử dụng kháng sinh không đúng và lựa chọn liệu pháp kháng virus. Ðồng thời, chẩn đoán kịp thời, bệnh nhân được cách ly và điều trị nên hạn chế được biến chứng và khả năng lây lan ra cộng đồng.

Thông thường, việc chỉ định làm xét nghiệm cúm được chia thành các nhóm:

Trường hợp nghi ngờ: Có yếu tố dịch tễ, sốt và triệu chứng viêm long đường hô hấp;

Trường hợp xác định đã mắc bệnh: Có biểu hiện lâm sàng cúm, xét nghiệm dương tính khẳng định nhiễm virus cúm A (H1N1);

Người lành mang virus: Không có biểu hiện lâm sàng nhưng xét nghiệm có cúm A (H1N1).

Bác sĩ Trần Tiến Tùng khuyến cáo, việc điều trị cúm chỉ hiệu quả khi được phát hiện sớm, vì nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh này có thể để lại hậu quả khôn lường như viêm xoang, viêm tai, nặng hơn là suy đa cơ quan. Ðặc biệt, bệnh nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Do đó, khi có dấu hiệu, người bệnh cần đi khám ngay để được phát hiện kịp thời.

Trẻ được chẩn đoán cúm sớm sẽ hạn chế biến chứng, tránh lây lan ra cộng đồng.

Trẻ được chẩn đoán cúm sớm sẽ hạn chế biến chứng, tránh lây lan ra cộng đồng.

Chủ động phòng bệnh cúm

Ðể tránh biến chứng có thể xảy ra do cúm, BS Trần Tiến Tùng lưu ý với người bệnh như sau:

Xét nghiệm chẩn đoán cúm: Sau sốt 24h là thời điểm thích hợp nhất có thể làm xét nghiệm để biết được có bị cúm hay không. Việc này có ý nghĩa quan trọng, mang tính quyết định chăm sóc và chữa trị cho bệnh nhân.

Chẩn đoán cúm có nhiều loại xét nghiệm với độ nhạy, độ đặc hiệu của các xét nghiệm chẩn đoán bệnh cúm có thể thay đổi tùy theo loại sinh phẩm và kỹ thuật thực hiện xét nghiệm. Cụ thể:

Xét nghiệm kháng nguyên nhanh phát hiện sự hiện diện của kháng nguyên virus trong mẫu (cho kết quả chính xác trong 4 ngày kể từ khi có triệu chứng), thời gian trả kết quả nhanh (15 phút), có thể phát hiện cả cúm A và cúm B, độ nhạy 70%.

Xét nghiệm RT-PCR, độ đặc cao (>95%), độ nhạy cao (>99%), có thể được sử dụng để đồng thời loại và phân loại virus.

Xét nghiệm nuôi cấy virus: Ðộ đặc hiệu cao (> 95%), cho phép mô tả đặc điểm của các loại virus mới, cho phép giám sát độ nhạy kháng virus và sự trôi dạt kháng nguyên.

Ðồng thời, người bệnh được chỉ định làm xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu để xem bạch cầu bình thường hoặc giảm nhẹ. Ngoài ra, có những trường hợp chẩn đoán thể bệnh, người bệnh cần được khám lâm sàng, đo độ bão hòa Oxy (SpO2), chụp X-quang tim phổi và chụp CT phổi.

Sau khi được chẩn đoán chính xác căn nguyên, thể bệnh, người bệnh được tư vấn kê đơn điều trị sớm để tránh biến chứng. Cúm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên người bệnh không được uống thuốc bừa bãi, cần uống thuốc theo đơn bác sĩ. Bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn sau vài ngày và hết hẳn các triệu chứng sau 1 - 2 tuần. Bệnh cúm cũng có thể chủ động phòng bệnh khi tiêm vaccine hàng năm.

Chia sẻ về cách chăm sóc đúng cách khi  trẻ bị cúm, theo ThS. BS. Hà Sơn Tùng – Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới – Trung tâm Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, khi trẻ bị cúm mùa, bố mẹ cần chăm sóc tốt đường hô hấp cho trẻ, thường xuyên vệ sinh mũi, họng, miệng cho trẻ bằng nước muối 0,9%; thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ tránh tình trạng lây chéo, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với các nguồn bệnh. Chú ý chế độ dinh dưỡng giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Ngoài ra, khi bị cúm, trẻ cần được cách ly tại nhà để nghỉ ngơi, không nên cho trẻ đến những nơi công cộng như trường học, công viên... để tránh lây lan nguồn bệnh; chú ý vệ sinh phòng nơi ở sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế tối đa nguồn virus gây bệnh.

Trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi là những đối tượng có nguy cơ cao mắc các biến chứng do cúm. Một số biến chứng trẻ mắc bệnh cúm có thể gặp phải là: Viêm tai giữa, viêm phổi, viêm xoang và nhiễm trùng xoang; Gây ra các vấn đề về thần kinh như: sốt co giật, ngủ li bì...; Viêm não bội nhiễm…

Nhật Minh
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
Tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ở TP.HCM còn thấp

Tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ở TP.HCM còn thấp

1 năm trước

Sáng 12/8, Sở Y tế TP.HCM cho biết theo công bố mới nhất của Bộ Y tế, tỉ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi của TP. HCM mới chỉ đạt 48%.
Đồ chơi bất ngờ phát nổ, bé trai 10 tuổi bị đa chấn thương

Đồ chơi bất ngờ phát nổ, bé trai 10 tuổi bị đa chấn thương

1 năm trước

Đồ chơi bỗng dưng phát nổ khiến bé trai 10 tuổi ở Quảng Ninh phải nhập viện cấp cứu do bị đa chấn thương phần mềm.
Hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do COVID-19

Hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do COVID-19

1 năm trước

Chiều 11/8, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về việc hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19....