THỨ BA, NGÀY 07 THÁNG 05 NĂM 2024 10:46

Phòng tránh tai nạn cho trẻ trong những kỳ nghỉ bất thường

10/03/2020 | 10:45
 
Trong kỳ nghỉ phòng dịch, tai nạn trong sinh hoạt ở trẻ cũng gia tăng, trong đó nuốt dị vật, hóc sặc thức ăn, bỏng, ngã  là những tình huống nguy hiểm thường gặp. Ảnh minh họa KT

Những tai nạn thương tâm trong kỳ nghỉ phòng Covid-19
 
Sáng 27/2, trên địa bàn xã Đại Bản, huyện An Dương, TP. Hải Phòng đã xảy ra 1 vụ đuối nước thương tâm. Nạn nhân là 2 anh em ruột gồm bé Nguyễn Minh S. (SN 2014) và Nguyễn Thị Minh X. (SN 2017). Được biết, bố mẹ các cháu đều là công nhân tại Khu công nghiệp Nomura. Hai bé đi học tại trường mầm non nhưng do được nghỉ phòng dịch Covid-19 nên ở nhà cùng ông bà nội. Trước đó, cũng trong kỳ nghỉ phòng dịch Covid-19, một số tỉnh như ở Bình Dương, Lâm Đồng, Kon Tum đã ghi nhận có trường hợp trẻ tử vong vì đuối nước. Sự lơ là trong giám sát của người lớn cùng sự hiếu động, thiếu kỹ năng sống của trẻ đã dẫn tới những hậu quả đau lòng.
 
Không chỉ đuối nước, mà trong kỳ nghỉ bất thường trẻ còn đối mặt với nhiều nguy cơ tai nạn thương tích khác. Tại nhiều bệnh viện nhi, những tình huống tai nạn trong sinh hoạt ở trẻ cũng gia tăng, trong đó nuốt dị vật, hóc sặc thức ăn, bỏng, ngã  là những tình huống nguy hiểm thường gặp. 
 
Ngày 21/2, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận điều trị bé T.Đ.K. (3 tuổi, ngụ tại Bạc Liêu trong tình trạng chướng bụng kèm nôn suốt 9 ngày. Qua thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ phát hiện trong bụng bé có các vật thể cản quang xếp thành hàng ngang. Bé được tiến hành phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật là 6 thỏi nam châm cùng 3 kim bấm, phần hồi tràng (đoạn ruột non) bị thủng do kim bấm, phải cắt bỏ 20cm ruột.
 
Tại Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM cũng liên tiếp phải cấp cứu cho bệnh nhi hóc dị vật. Ngày 21/2, Bệnh viện tiếp nhận 2 bệnh nhi được gia đình chuyển đến trong tình trạng hoảng loạn. Trường hợp bé gái L.T.P. (9 tuổi quê Sóc Trăng) được cha mẹ đưa lên Bình Chánh, TP.HCM chơi trong khi được nghỉ học. Trong lúc chơi đùa, bé cầm chiếc chìa khóa rồi nuốt vào bụng, các bác sĩ phải nội soi để gắp dị vật từ dạ dày ra. Trường hợp thứ hai là bé trai 2 tuổi, ngụ tại Bình Chánh. Trong lúc nằm chơi dưới nền nhà, bé nhặt được chiếc đinh vít đã đưa vào miệng rồi bị hóc. 
 
Cuối tháng 2/2020, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương đã nội soi phế quản gắp thành công phần còi của chiếc kèn đồ chơi trong phế quản bé trai Nguyễn M. Q., 3 tuổi ở Sóc Sơn, Hà Nội. Gia đình bé Q. cho biết, tai nạn xảy ra tối ngày 26/2, trong lúc bé Q. lấy chiếc kèn nhựa đồ chơi ngậm thổi thì bị ho sặc sụa, nên phần còi của chiếc kèn tụt vào trong. Sau tai nạn, bé thở rít, tím tái, kèm theo khí thở có tiếng kèn kêu.
 
Bé Nguyễn Trường S. (10 tuổi, ở xã Hồng Quang, Thanh Miện) được đưa vào Bệnh viện Nhi Hải Dương tối 2/3 trong tình trạng đa chấn thương do vật liệu nổ. Trong những ngày nghỉ học, cháu S. nhặt được 2 vật liệu nổ hình viên đạn, rồi về nhà lấy sạc điện thoại cắm vào phần đầu đạn. Vật liệu phát nổ gây chấn thương. Các bác sĩ đã khâu 4 vết rách ngực và cẳng tay phải của S.

 
Cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ làm việc nhà phù hợp từng độ tuổi. Ảnh minh họa

Trẻ bị tai nạn trong những “kỳ nghỉ đặc biệt”, làm gì để phòng tránh?
 
Nghỉ phòng dịch là kỳ nghỉ vô cùng đặc biệt vì nó không theo thông lệ. Nếu như nghỉ hè, cha mẹ biết trước thời gian con được nghỉ nên sẽ bố trí người trông nom, chăm sóc hoặc bố trí cho trẻ tham gia các lớp học ngoại ngữ, năng khiếu, kỹ năng sống, thể thao… Tuy nhiên, trong thời gian trẻ nghỉ phòng dịch, sinh hoạt của nhiều gia đình đã bị đảo lộn, đặc biệt là mối lo làm sao đảm bảo an toàn cho con.
 
Đảm bảo an toàn cho trẻ trong những kỳ nghỉ bất thường, cha mẹ cần bố trí người chăm sóc, giám sát trẻ. Để tránh tai nạn hóc dị vật, phụ huynh không nên cho trẻ ngậm đồ chơi trong miệng, tập cho trẻ thói quen không ngậm đồ chơi, đồ ăn; không cười đùa, chạy nhảy khi ăn…Để phòng tránh đuối nước, người lớn cần quan sát kỹ trẻ khi đến nơi có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm; làm rào, nắp đậy chắc chắn, lấp kín những ao hồ không cần thiết; nên cho trẻ học bơi và nâng cao kỹ năng phòng tránh, sơ cứu đuối nước. 
 
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, để phòng tránh trẻ gặp những tai nạn bỏng không đáng có, người lớn cần phải để mắt đến trẻ nhiều hơn, nhất là trẻ nhỏ đang trong độ tuổi tò mò hiếu động. Trước khi quyết định cho con ở nhà một mình, cha mẹ phải biết được con có đủ tự tin, trách nhiệm khi ở nhà một mình hay không? Đối với những trẻ hiếu động, khả năng tuân thủ quy định kém, tốt nhất là không nên để trẻ ở nhà một mình. Ngoài ra, cần bố trí bếp nấu ăn hợp lý, đặt bếp nấu ở chỗ cao ngoài tầm tay với của trẻ. Không để dụng cụ đựng nước nóng, đồ vật nóng trong tầm tay với hoặc trên đường đi lại của trẻ. Tránh cho trẻ tiếp xúc với các vật dụng dễ cháy nổ như xăng, ga, cồn... 
 
Đối với trẻ cấp 1 trở lên, cha mẹ cần xây dựng một thời gian biểu, lên lịch rõ ràng và cụ thể cho từng ngày (thời gian ăn, ngủ, học, tập luyện thể thao, giải trí…). Chú ý thời gian thực hành nhiều hơn với những việc làm phù hợp lứa tuổi; hướng dẫn trẻ những kỹ năng thực hành về sinh tồn, nhất là đối với những đồ vật có nguy cơ làm tổn thương như: dao, kéo, kim, bật lửa, bếp ga, bếp điện... Tùy theo từng độ tuổi, hãy hướng dẫn trẻ tập làm việc nhà. Đây cũng là dịp để cha mẹ hướng dẫn trẻ cách tự chăm sóc, phục vụ bản thân. Lưu ý là hướng dẫn cần cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu và đừng quên động viên, khuyến khích con thực hiện. 
 
Một việc người lớn cần quan tâm để phòng tránh tai nạn khi trẻ được nghỉ là giám sát con chặt chẽ theo thời gian biểu. Cha mẹ phải nắm rõ lịch trình sinh hoạt của  con trong ngày để tránh trường hợp trẻ tự ý ra đường, tụ tập bạn bè, nguy cơ tai nạn rất cao, nhất là tai nạn giao thông, đuối nước.

Trẻ nghỉ phòng dịch Covid-19 nhưng cha mẹ và người lớn vẫn đi làm bình thường nên trẻ thường thiếu sự giám sát, chăm sóc. Trẻ em thường rất thích khám phá thế giới xung quanh và tò mò tìm hiểu chính cơ thể mình, nhưng các em thường chưa ý thức được những tình huống tai nạn nguy hiểm có thể xảy ra, điều này có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường. 

Hồng Trần/TC GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...