THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 02:58

Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo ở Hưng Yên

10/09/2019 | 21:19

Nhờ bám sát các phong trào, chương trình trọng tâm của công tác hội, sự năng động của mỗi hội viên, trong những năm qua, Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Hưng Yên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc.

Việc hỗ trợ hội viên thoát nghèo được Hội phụ nữ tỉnh Hưng Yên xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, các chính sách giảm nghèo được triển khai đến từng cơ sở hội. Hội LHPN các huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương. Trong đó, tập trung tạo điều kiện giúp đỡ hội viên về vốn và chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh triển khai xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ mở cửa hàng giới thiệu và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn tại các huyện Văn Lâm, Khoái Châu, thành phố Hưng Yên và thị xã Mỹ Hào. Đây không chỉ là mô hình kinh doanh đơn thuần mà nó được kỳ vọng sẽ tạo mô hình, chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm sạch; tạo thói quen sản xuất, kinh doanh, sử dụng nông sản thực phẩm sạch cho phụ nữ và cộng đồng; tăng giá trị thương hiệu nông sản và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp...

Trong 6 tháng đầu năm 2019, các cấp hội đã vận động 4.798 phụ nữ giúp 4.176 phụ nữ với tổng trị giá tiền trên 11,448 tỷ đồng và 904 ngày công lao động; tổ chức các hoạt động giúp 6.145 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ; quản lý 6.145 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ vay các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Hội liên hiệp phụ nữ các cấp chủ động phối hợp với ngành chức năng dạy nghề, tạo việc làm cho hơn 700 phụ nữ nghèo... Sau khi học nghề, các đối tượng đều có thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Thoát nghèo nhờ được vay vốn Chương trình tín dụng ưu đãi
5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là sau khi tổng kết 15 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoạt động  tín dụng chính sách trên địa bàn Hưng Yên đã có những bước ngoặt mới.

Bà Tào Thị Huệ (đội 3, thôn Quang Trung, xã Nhuế Dương) nhận khoản vay ưu đãi 50 triệu đồng

Bà Tào Thị Huệ (đội 3, thôn Quang Trung, xã Nhuế Dương) nhận khoản vay ưu đãi 50 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo từ nguồn vốn do ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

Theo định kì, ngày mồng 5 hàng tháng, NHCSXH huyện Khoái Châu (Hưng Yên) về giao dịch tại UBND xã Nhuế Dương. Bà Tào Thị Huệ (đội 3, thôn Quang Trung, xã Nhuế Dương) vui mừng đến phòng họp của UBND xã – vì hôm nay bà được giải ngân vốn vay chương trình tín dụng ưu đãi dành cho hộ mới thoát nghèo.

Gia đình tôi chỉ làm nghề nông, quanh năm hết lúa đến màu, trồng ít cây ăn quả, ngày rảnh việc nông thì đi gom mua phế liệu. Trước nhà nghèo mãi, nhờ được NHCSXH cho vay vốn chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, rồi lại vay vốn hộ nghèo, thì mới có ít vốn đầu tư cải thiện điều kiện sống, sửa sang phát triển vườn tược, vừa để tận dụng khả năng của đất, vừa tận dụng sức lao động của mình. Hai năm trước thoát nghèo rồi, giờ được vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo, thế là không đứt vốn, chúng tôi yên tâm cố gắng” – bà Tào Thị Huệ xúc động chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Tâm – Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) nơi bà Huệ là tổ viên, kể, 17 năm nay, vốn chính sách đã giúp các gia đình tổ viên cải thiện đời sống, nâng cao kiến thức cũng như nâng cao vị thế của mình trong xã hội. “Ví như hôm nay bà Huệ được cho vay đúng lúc bà đang cần tiền để cải tạo đất đầu tư cây ăn quả cho đúng vụ” – bà Tâm nói.

Nguồn vốn để giải ngân chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo mà bà Huệ đang cầm trong tay được lấy từ khoản tiền mà tỉnh Hưng Yên ủy thác sang cho NHCSXH. Ông Nguyễn Công Khanh – Chủ tịch UBND xã Nhuế Dương – chia sẻ, 5 năm nay, thực hiện Chỉ thị 40, nguồn vốn ủy thác của tỉnh sang NHCSXH cũng đáng kể hơn trước, nên rõ ràng đã đáp ứng thỏa đáng hơn nhu cầu về vốn của người dân. Toàn hệ thống chính trị vào cuộc, hiệu quả tín dụng chính sách ở Nhuế Dương tăng lên rõ rệt.

“Chúng tôi tự tin xây dựng các mô hình chuyển đổi, các vùng chuyên canh, bởi nhu cầu về vốn sẽ được nguồn vốn từ Trung ương và nguồn vốn chuyển từ ngân sách địa phương đảm bảo” - ông Khanh nói – “Chúng tôi cũng mong bên cạnh việc nâng mức vay và thời gian vay, Chính phủ cũng mở rộng đối tượng vay một số chương trình, để thêm nhiều hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế bền vững”.  

Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hưng Yên nhằm hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng từ đó nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện bình đẳng giới tốt hơn. “Chính bởi vậy, sau khi có Chỉ thị số 40, cấp ủy và chính quyền các cấp sát sao, quan tâm chỉ đạo đối với công tác tín dụng chính sách với các định hướng, chương trình kế hoạch cụ thể về cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hưng Yên Quách Thị Hương chia sẻ

Hội Phụ nữ đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố và Hội LHPN cơ sở trong toàn tỉnh hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn; cơ sở rà soát, đánh giá, lập danh sách phụ nữ thuộc hộ nghèo; tổ chức đăng ký thoát nghèo tại các Chi hội để tập trung tư vấn các nguồn vốn tín dụng chính sách hỗ trợ phù hợp theo nhu cầu và năng lực các hộ. Tính đến hết ngày 30/6/2019, dư nợ tín dụng của hội đạt hơn 1.396 tỷ đồng, cho 40.609 hội viên vay, tăng 57% so với năm 2014; 100% thành viên vay vốn tham gia tiết kiệm với số tiền là gần 59 tỷ đồng”, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hưng Yên Quách Thị Hương chia sẻ.

Bên cạnh đó, để giúp hội viên phụ nữ sử dụng vốn vay có hiệu quả, đúng mục đích tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng, các công ty, doanh nghiệp tổ chức trên trên 2.000 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) về trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ sâu, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, bảo quản nông sản sau thu hoạch... cho trên 145 nghìn hội viên phụ nữ tham gia. 122 mô hình ứng dụng chuyển giao KHKT đã được xây dựng như: mô hình lúa chất lượng cao; mô hình bí xanh, bí đỏ, dưa xuất khẩu; mô hình đậu tương; mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, gà siêu trứng; mô hình trồng khoai tây; mô hình trồng rau an toàn theo hướng sinh học... Cùng với sự sát sao trong việc quản lý sử dụng vốn, từ năm 2014 đến nay đã có 5.283 phụ nữ vay vốn thoát nghèo, có 99,6% hộ sử dụng vốn vay có hiệu quả.

Khi sức mạnh được hội tụ
Xuyên suốt từ quan điểm đến chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh Hưng Yên coi việc triển khai tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của địa phương đã tạo nên những bước chuyển mới trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.



Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

Nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội giờ không chỉ đặt trên vai Chính phủ mà đã có sự chủ động gánh vác của tỉnh, các cấp huyện, đặc biệt là các tổ chức hội, đoàn thể cấp xã. Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn ủy thác địa phương tăng gần 42 tỷ đồng (tăng 150%), nâng tổng nguồn vốn ủy thác của ngân sách địa phương, vốn của các tổ chức hội, đoàn thể đến ngày 30/6/2019 đạt 69 tỷ đồng. Chính quyền các cấp, các ngành đã quan tâm hỗ trợ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Hàng năm, Sở LĐTB-XH, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với NHCSXH tỉnh và các địa phương tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có lao động thuộc các hộ cận nghèo, hộ nghèo, đồng thời giới thiệu và tạo việc làm ổn định cho các đối tượng sau đào tạo nghề.

Các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên được biểu dương, khen thưởng

Sau 05 năm triển khai Chỉ thị số 40 sự tham gia của cả hệ thống chính trị - xã hội đối với công tác tín dụng chính sách đã thúc đẩy quy mô các chương trình tín dụng chính sách với chất lượng và hiệu quả hoạt động được đảm bảo. Tổng doanh số cho vay đạt 4.043 tỷ đồng, với 185.066 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Từ nguồn vốn vay tín dụng chính sách, đã góp phần khôi phục được một số làng nghề truyền thống, nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, mô hình thoát nghèo bền vững được nhân rộng. Tín dụng chính sách cũng giúp cho hơn 41 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết hơn 10 nghìn lao động có việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và 220 lao động được vay vốn đi lao động nước ngoài để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; 834 hộ nghèo và 197 hộ có thu nhập thấp được xây dựng nhà ở kiên cố; gần 36 nghìn HSSV con em gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng được gần 160 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường... từ đó đã góp phần cải thiện môi trường xanh, sạch, bảo vệ sức khỏe trong cộng đồng dân cư và giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 2,55%.

Con đường giảm nghèo bền vững của Hưng Yên không dễ dàng
Tuy nhiên, con đường giảm nghèo bền vững của Hưng Yên không dễ dàng. Dù năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 2,55% tương ứng với 9.953 hộ, tuy nhiên, số hộ nghèo phát sinh tương đối lớn so với tổng số hộ thoát nghèo, nguy cơ tái nghèo còn cao nên nhu cầu về vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, thoát nghèo và thoát nghèo bền vững ngày càng tăng. Sự xuất hiện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Hưng Yên trong thời gian qua đã thu hút lực lượng lao động trẻ (độ tuổi từ 18 - dưới 30), chưa qua đào tạo hoặc có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp nhưng sau một thời gian làm việc, khi độ tuổi đã cao, không thích ứng với điều kiện làm việc sẽ tự động nghỉ việc và rơi vào tình trạng không có việc làm. Do đó, cần nguồn vốn rất lớn để hỗ trợ việc làm cho lao động trình độ thấp, lao động ở nông thôn, thông qua hoạt động vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.


Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng phát biểu

Chính vì vậy, cùng quyết tâm tiếp tục tổ chức hiệu quả sâu rộng Chỉ thị số 40, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng cũng chỉ đạo các cấp chính quyền và cơ quan, ban ngành Hưng Yên phải đề ra nhiệm vụ, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện nghiêm túc, nhằm góp phần trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, HĐND, UBND tỉnh, huyện, thị xã, thành phố bố trí một phần ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay, triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, đảm bảo theo hướng năm sau cao hơn năm trước.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các Sở, ban, ngành tỉnh đẩy mạnh phối hợp với NHCSXH và các địa phương bố trí, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm hay, hiệu quả trong thực hiện công tác giảm nghèo và tạo việc làm.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu

Đánh giá Hưng Yên là tỉnh có chất lượng tín dụng tốt nhất trên toàn quốc, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cũng đã ghi nhận những ý kiến đóng của các đại biểu và lãnh đạo tỉnh về việc nâng cao công tác phối hợp với các đơn vị trong tỉnh để gia tăng hiệu quả tín dụng chính sách trong sống. “NHCSXH sẽ xem xét cân đối nguồn vốn hàng năm cho tỉnh phù hợp để đảm bảo không có người nghèo, đối tượng chính sách đủ điều kiện vay vốn không tiếp cận được”, Tổng Giám đốc NHCSXH nhấn mạnh.

Việt Cường / TC Gia đình & Trẻ em

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.