THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 06:04

Phụ huynh đánh học sinh – Chuyện cũ vẫn gây nhức nhối

08/09/2020 | 14:17

Bé trai lớp 1 N.G.K. (7 tuổi) bị ông Phạm Duy Đức (42 tuổi, ngụ tại tỉnh Hòa Bình) - bố của bạn hành hung dã man. Ảnh: KT


Khởi tố, bắt tạm giam phụ huynh đánh học sinh


Mới đây, các báo cùng đồng loạt đưa tin về trường hợp Phạm Duy Đức (42 tuổi, ngụ tại tỉnh Hòa Bình) bị Công an TP. Hòa Bình khởi tố về tội “cố ý gây thương tích” vì lôi bạn học của con trai ra khỏi trường hành hung, khiến em này bị thương phải nhập viện.


Chuyện là, vào ngày 8/7/2020, trong giờ ra chơi, bé N.G.K. (7 tuổi, học sinh lớp 1A3 Trường Tiểu học Hữu Nghị) lấy chiếc mũ mới của bạn học cùng lớp là con trai ông Đức tung cho các bạn chơi, sau đó chiếc mũ bị mất.


Đến khoảng 13h50 ngày 10/7, khi bé K. đang ở trường thì bị ông Đức đưa ra ngoài hành hung trước sự chứng kiến của nhiều người. Sau đó nhiều người vào can ngăn, ông Đức mới dừng lại.


Sự việc khiến bé K. bị thương ở vùng mặt và tay, chảy nhiều máu.


Nhận được tin báo, Công an TP. Hòa Bình đã đến khám nghiệm hiện trường và đưa ông Đức về trụ sở làm việc.


Tại cơ quan công an, bước đầu ông Đức thừa nhận hành hung bé K. vì cho rằng học sinh này mâu thuẫn với con trai ông học cùng lớp.


Ngày 16/7, Công an TP. Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Phạm Duy Đức về tội "cố ý gây thương tích".


Đây chỉ là một trong số những vụ việc phụ huynh hành hung học sinh gần đây nhất bị khởi tố và được báo chí truyền thông rộng rãi. Còn vô số các vụ việc phụ huynh đánh đập, xúc phạm bạn học của con nhưng không bị khởi tố, chỉ giải quyết “nội bộ” mà chúng ta không biết. Đã đến lúc các bậc làm cha, làm mẹ cần nghiêm túc xem xét lại bản thân mình và thực hiện nghiêm túc quy tắc ửng xử văn hóa trong trường học.


Phải làm gì nếu con bạn bị phụ huynh khác đánh?


Câu hỏi đặt ra là, chúng ta sẽ làm gì nếu con em mình không may bị phụ huynh khác đánh? Có thể trong đầu bạn chưa từng có khái niệm này, hoặc chưa bao giờ nghĩ đến tình huống này. Chúng ta lo sợ bạo lực học đường, nhưng chỉ nghĩ con mình nếu không vâng lời, học kém có thể bị thầy cô đánh mắng, hoặc con có thể bị bạn học cùng lớp trêu chọc, đánh đập. Nhưng phụ huynh đánh học sinh là điều ít ai ngờ tới. Nếu nhìn thấy phụ huynh khác đánh con mình, bạn sẽ lao ngay vào đánh lại vị phụ huynh kia? “Nếu như việc đánh nhau với phụ huynh kia có thể giúp con tôi chạy trốn, tôi sẵn sàng lao vào” – một vị phụ huynh giấu tên được phỏng vấn cho biết. Tuy nhiên, chúng ta dạy con không bạo lực, nếu chúng ta dùng bạo lực để “xử lý” bạo lực thì rồi bạo lực sẽ ngày càng diễn ra khốc liệt hơn. Điều quan trọng là phải xử lý vấn đề này một cách công bằng nhưng văn minh.


Nếu bạn đang ở hiện trường, nhìn thấy con bị đánh, hãy yêu cầu vị phụ huynh kia ngừng ngay hành động này, nếu lời nói của bạn không có tác dụng, hãy kêu gọi mọi người xung quanh ứng cứu, thậm chí bạn có thể gọi 113 để được trợ giúp.


Nếu sự việc xảy ra khi bạn không có mặt, bạn gặp con sau khi con bị phụ huynh khác hành hung, hãy nhanh chóng đưa con tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, băng bó vết thương và lấy giấy xác nhận thương tật để làm bằng chứng kiện bậc phụ huynh kia ra tòa (nếu vụ việc xảy ra nghiêm trọng).

Phụ huynh không nên dùng bạo lực “trị” bạo lực, và không nên cổ súy con em mình tham gia bạo lực học đường.


Phụ huynh phải làm gì nếu con bị bạn trêu trọc, bắt nạt?


Một câu hỏi khác cũng cần được đặt ra ở đây là, vậy chúng ta phải làm gì nếu con bị mình học trêu trọc, bắt nạt? Người đàn ông tên Đức trong câu chuyện kể trên đáng ra đã có thể lựa chọn rất nhiều cách khác để giải quyết vấn đề thay vì “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với một đứa trẻ mới học lớp 1. Ông có thể tìm hiểu sự việc bằng cách lắng nghe sự việc từ cả hai phía, từ con trai mình và từ bạn của con. Nếu sự việc chỉ là chơi đùa, nhưng vô tình chiếc mũ bị mất, ông có thể yêu cầu bạn học của con xin lỗi hay bắt đền gia đình em này. Nếu sự việc là cố ý, ông có thể trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh để nhà trường, gia đình cùng tham gia giáo dục trẻ, để sự việc này sẽ không có cơ hội xảy ra lần nữa. Những mâu thuẫn, xích mích ở trẻ nhỏ hoàn toàn có thể được các bậc phụ huynh xử lý một cách nhẹ nhàng và văn minh trong hòa bình.


Tuy nhiên, trên thực tế, mâu thuẫn ở trẻ nhỏ không dừng lại ở câu chuyện lấy mũ của nhau trêu đùa và làm mất, con bạn có thể bị bạn học trêu chọc, xúc phạm, thậm chí là đánh hội đồng. Nếu tình huống không mong muốn đó xảy ra với con, bạn sẽ lao ngay vào đánh lũ trẻ để cứu con? Trẻ em sai khi đánh bạn, nhưng bạn sẽ càng sai hơn khi đánh bạn học của con. Chúng ta không thể dùng bạo lực để “trị” bạo lực. Hãy trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh và ban giám hiệu nhà trường để xử lý vụ việc. Trong trường hợp, mọi nỗ lực, cố gắng của bạn đều không có tác dụng, con vẫn bị bạn học đó bắt nạt, bạn có thể xin chuyển lớp cho con hoặc thậm chí chuyển trường, miễn sao con được an toàn đến lớp học tập và vui chơi.


Chúng ta có rất nhiều cách để bảo vệ con trước vấn nạn bạo lực học đường, nhưng điều quan trọng nhất vẫn luôn là bình tĩnh, đồng hành cùng con để tìm cách tốt nhất xử trí vấn đề. Và phụ huynh, hãy luôn luôn ghi nhớ một điều, trong tất cả trường hợp, bạn KHÔNG được quyền ĐÁNH TRẺ EM, hãy giải quyết vấn đề theo đúng quy định pháp luật và chuẩn mực đạo đức, xã hội.



Theo Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học của Bộ GĐ-ĐT:


Bộ Quy tắc quy định cha mẹ người học phải có ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng, chia sẻ, khích lệ, thân thiện, yêu thương; không xúc phạm, bạo lực với người học.


Cha mẹ học sinh phải tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, chia sẻ; không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Bình Yên/Tc GĐ&TE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...