THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 02:54

Phụ nữ vùng cao huyện Chiêm Hóa phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo

29/10/2020 | 09:10
Tạo đòn bẩy để hộ nghèo phát triển kinh tế, có cuộc sống ổn định 
 
Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, huyện Chiêm Hóa đã tập trung các giải pháp giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: giúp hộ nghèo về vốn, kỹ thuật, cây, con giống..., từ đó, tạo đòn bẩy để hộ nghèo phát triển kinh tế, có cuộc sống ổn định hơn.
 
Thực hiện phong trào phụ nữ thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, những năm qua, hội viên phụ nữ các dân tộc trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã tiếp tục khẳng định tinh thần cần cù, sáng tạo, nhạy bén trong lao động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hiện có hơn 20.400 hội viên, sinh hoạt ở 381 chi hội. Để giúp hội viên có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, vươn lên ổn định cuộc sống, Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ từ huyện đến cơ sở giữ vai trò “cầu nối”, hướng dẫn hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay. Từ những giải pháp kịp thời, thiết thực, chị em tích cực thi đua lao động sản xuất, làm giàu. Đến nay, trên địa bàn toàn huyện có 1.481 mô hình phụ nữ phát triển kinh tế giỏi, có thu nhập ổn định từ 80 - 150 triệu đồng/năm. 


Nhiều mô hình thoát nghèo của phụ nữ các dân tộc trên địa bàn huyện Chiêm Hóa.

Nghị lực vươn lên làm giàu trên quê hương
 
Sinh sống ở xã nghèo vùng sâu, vùng xa, ý chí, khát vọng vượt lên thoát khỏi cuộc sống nghèo khó luôn thôi thúc phụ nữ vùng cao Chiêm Hóa, bằng  kế hoạch khởi nghiệp, ý tưởng kinh doanh sáng tạo.
 
Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, chị Trịnh Thị Hải, thôn Tung Lùng, xã Tân Mỹ luôn trăn trở tìm hướng thoát nghèo. Tận dụng lợi thế có sẵn đồi rộng, có nguồn nước đảm bảo phù hợp với phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và với phương châm lấy ngăn nuôi dài, tích cóp dần dần, ngoài việc chăn nuôi lợn nái sinh sản, anh chị còn nuôi thêm gà, vịt, ngan, nuôi thả cá và trồng rừng. Sau hơn 10 năm vất vả khai phá, năm 2016, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị đã được công nhận trang trại. Hiện nay, ngoài duy trì chăn nuôi lợn, nuôi vịt đẻ trứng và nuôi gà thịt, nuôi thả cá trên diện tích 7.000m2, chị còn phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Thu nhập bình quân mỗi năm đạt gần 200 triệu đồng. 


 Chị Trương Thị Luyên, ở thôn Đèo Lang xã Kim Bình, một điển hình trong phong trào phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. 

 Tại xã Kim Bình, một điển hình trong phong trào phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo có chị Trương Thị Luyên, ở thôn Đèo Lang. Từ đầu năm 2018, gia đình chị đã đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua thỏ giống về nuôi. Vừa nuôi, vừa học hỏi, nên mô hình nuôi thỏ của chị bước đầu cho hiệu quả. Hiện nay, gia đình chị nuôi 80 thỏ mẹ, bình quân mỗi tháng, gia đình chị xuất 150 thỏ thương phẩm. Với giá bán hiện tại, gia đình chị thu 25 triệu đồng/tháng, trừ chi phí còn lãi khoảng 10 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi thỏ, gia đình chị trồng 4ha rừng, kinh doanh hàng tạp hóa, thức ăn gia súc và trồng các loại cây ăn quả như táo, bưởi, cam, ổi, chanh. Hiện tại, gia đình chị Luyên đã thoát được cảnh nghèo khó, vươn lên thành hộ khá của cả vùng. 

Còn tại xã Tri Phú, chị em phụ nữ các dân tộc nơi đây đều khâm phục bởi nghị lực vươn lên làm giàu và sự khéo léo trong nuôi dạy con cái của chị Hà Thị Cam, ở thôn Bản Ba. Gia đình chị cũng là một trong những hộ tiên phong của xã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn, có thời điểm gia đình chị chăn nuôi gần 200 con lợn/1 lứa/năm trở lại đây, ngoài duy trì 800 gốc chuối tây, chị còn mạnh dạn đưa giống cây chuối tiêu hồng vào trồng. Đặc biệt, với 5ha đất rừng, chị trồng toàn bộ cây lát và xoan. Thu nhập bình quân mỗi năm từ 200 đến 250 triệu đồng.
 
Chị Ma Thị Liền, thôn Nà Khau, xã Minh Quang vươn lên thoát nghèo nhờ nghề đan lát. Nhận thấy đây là công việc rất phù hợp với điều kiện ở địa phương miền núi có sẵn nguyên liệu và phù hợp tình trạng sức khỏe của chị, chị đã mạnh dạn mang nghề đan nón nan về phát triển ở thôn bản mình. Hiện nay, nón nan của chị đã được khách hàng nhiều nơi trong và ngoài tỉnh như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội… biết đến. Ngoài đan nón, chị còn làm ruộng và chăn nuôi…, nhờ vậy mà đến nay kinh tế gia đình đã khá ổn định.  
 
Trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình được chị em phát triển và nhân rộng như: Mô hình trồng rau sạch tại 26/26 cơ sở hội; nuôi ốc nhồi, thỏ, chuối tiêu hồng xã Tri Phú, Linh Phú, Vinh Quang; chăn nuôi bò, trâu sinh sản ở Hòa Phú, Yên Nguyên, Minh Quang, Phúc Sơn; nuôi cá lồng ở thị trấn Vĩnh Lộc, Yên Nguyên; nhãn, mía ở Vinh Quang; nuôi gà thịt xã Tân Mỹ, lợn thịt xã Tân An…
 
Mỗi người ở một địa phương khác nhau, hoàn cảnh gia đình không giống nhau, nhưng ở họ có một điểm chung là những người phụ nữ cần cù, chịu khó, nghị lực vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động của mình. Đây là những tấm gương tiêu biểu trong hàng trăm hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi của huyện vùng cao Chiêm Hóa.
 Sinh sống ở xã nghèo vùng sâu, vùng xa, ý chí, khát vọng vượt lên thoát khỏi cuộc sống nghèo khó luôn thôi thúc phụ nữ vùng cao Chiêm Hóa, bằng  kế hoạch khởi nghiệp, ý tưởng kinh doanh sáng tạo.
 

Thanh Sơn/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.