THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 01:17

Phục Thù: Khi bạo lực học đường vẫn tồn tại bởi sự dung túng của những người lớn?

15/02/2020 | 23:32

Đi sâu vào thế giới đằng sau cánh cửa trường học, tiểu thuyết trinh thám Phục Thù của Hô Diên Vân là hiện thực trần trụi của vấn nạn bạo lực học đường, tội phạm trẻ vị thành niên, những góc khuất mà người lớn chưa từng thấy được. Đồng thời, trả lời cho câu hỏi: ý niệm về cái ác được sinh ra từ đâu?

Sự trả thù của người cha...
Phục thù mở đầu bằng việc một gia đình có thế lực muốn thuê thám tử tài giỏi nhất của cả nước - Hô Diên Vân để bảo vệ cậu con trai trước sự trả thù của một người cha. Ba năm trước, cô bé bốn tuổi Đoàn Minh My được kết luận là tử vong do bệnh hen suyễn tái phát khi đang chơi cùng hai cậu học sinh trung học Trương Chấn và Vu Văn Dương trong gara xe ô tô của một tiểu khu cao cấp dành cho giới thượng lưu. Quá đau lòng trước sự ra đi của con gái, Đoàn Tân Nghênh đã đến tận trường và chém bị thương Trương Chấn. Hắn vào tù, biết được đã chém nhầm đối tượng, âm thầm chuẩn bị cho kế hoạch trở lại trả thù kẻ đã hại chết con gái mình - Vu Văn Dương.

Một chiếc xe đẩy hàng vô tình mất phanh, lao thẳng xuống chân dốc, chiếc xe đạp bị hỏng trong giải xe đạp leo núi dành cho thanh thiếu niên, chiếc bánh ăn thử có tẩm chất độc trên đầu tăm, một vụ hỏa hoạn... tất cả đều được sắp đặt giống như một vụ tai nạn bất ngờ. Một người cha với quyết tâm báo thù, đối tượng lại được được bảo vệ bởi một hàng rào chắn bất khả xâm phạm. Cuộc đấu trí giữa thám tử nổi tiếng về tài suy luận cùng với tên tội phạm mới được ra tù được đánh giá là đặc biệt nguy hiểm, có khả năng tái phạm cao trở nên căng thẳng và hack não hơn bao giờ hết.

Thế giới u tối của những đứa trẻ

Không chỉ là một cuộc đấu trí giữa thám tử với tài suy luận nổi danh thiên hạ với một kẻ tội phạm nguy hiểm, Phục thù còn là câu chuyện về mối quan hệ trong gia đình, ranh giới mong manh giữa bạn học và kẻ thù, là những ẩn ức về tuổi thơ, chứng ám thị, là nỗi cô đơn và bế tắc của những đứa trẻ "hoàn hảo". Thì ra thế giới của con trẻ cũng khốc liệt không kém gì so với thế giới của những người lớn, cũng là cá lớn nuốt cá bé.

Cha mẹ, người lớn có thật sự hiểu hết con cái của mình? Hiểu được cuộc sống thật sự của con trẻ đằng sau cánh cổng trường học? Đằng sau vỏ bọc của một học sinh ưu tú về mọi mặt? Phục thù hé lộ một phần thế giới của những người trẻ tuổi.

Đó là khi Hô Diên Vân nhớ lại lớp học tiểu học, cậu bé Đoàn Tân Nghênh vừa chuyển tới, vì dáng người nhỏ bé với hàm răng hô, lại là học sinh chuyển trường nên bị bạn bè và cô giáo chế giễu là "tinh tinh". Trước tiếng cười đùa của các bạn, cậu bé ấy chỉ có thể cúi gằm đầu, chẳng dám ngẩng mặt lên. Cả lớp học trở thành một sân khấu của sự mỉa mai đến tàn ác.

Là cuộc huyết chiến trong khu rừng thông lá trắng giữa một bên là nhóm đối tượng chuyên đi bắt nạt bạn bè với nhóm liên minh chống lại sự bắt nạt 10 năm về trước, chấn động cả thành phố... Thì ra trường học không phải "thiên đường" đối với tất cả trẻ em, trái lại nó còn có thể là địa ngục hủy diệt một con người.

Người lớn dạy trẻ nhỏ phải học hành chăm chỉ, phải ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ, thầy cô nhưng lại không dạy đứa trẻ khi bị bạn bè bắt nạt hay thấy bạn bè bị bắt nạt thì nên ứng xử như thế nào? Nên né tránh hoặc tàn nhẫn hơn là tiếp tay cho sự bắt nạt đó chỉ vì không muốn "khác người" hay trở thành mục tiêu tiếp theo?

Nạn bạo lực học đường vốn đã trở thành một vấn nạn trên khắp thế giới, với đầy những trăn trở, những dự tính biện pháp, nhưng thẳm sâu trong lòng thế giới ấy, biết bao nhiêu đứa trẻ vẫn đang hàng ngày chịu đựng nỗi đau đớn, chà đạp, gào khóc bằng sự câm lặng, trong hố sâu của chính mình.

"Tớ cảm thấy ngày nào cũng rất buồn, rất phiền, vốn dĩ áp lực học hành đã lớn lắm rồi, ở trường mỗi phút giây đều phải cẩn thận để tránh bị đánh, về đến nhà thì phụ huynh còn mắng thêm... thế giới này có quá nhiều điều không đúng, không phải lẽ, thế nhưng hình như mọi người đều đã chấp nhận những điều không đúng, không phải lẽ như thế, không có ai đi chất vấn một lần, càng không có ai nghĩ đến việc phải thay đổi..."

Phục thù gây ám ảnh người đọc bởi sự lạnh lùng của con người. Những đứa trẻ chỉ mới ở độ tuổi thanh thiếu niên lạnh lùng tàn nhẫn ra tay với bạn học của mình sau đó lợi dụng sự khoan hồng của pháp luật mà trả lời ráo hoảnh:

"Đằng nào tôi cũng chưa đủ mười tám tuổi, các ông cũng không giết được tôi, đợi qua vài năm nữa tôi trở ra, bao nhiêu ngày tháng tốt đẹp vẫn đang chờ đợi tôi, cái chết của mấy đứa nhỏ ấy, xem như mấy lần thủ dâm của giai đoạn dậy thì của tôi đi".

Sự lạnh lùng của những người người lớn khi ngoảnh mặt làm ngơ. Bạo lực học đường vẫn tồn tại ở đó, bởi sự dung túng, thờ ơ hay né tránh của những người lớn? Pháp luật luôn muốn nhẹ tay với tội phạm trẻ vị thành niên bởi khi gây án các em đang còn chưa hoàn thiện về mặt nhận thức cũng như cảm xúc thế nhưng đối với những đứa trẻ bị biến dạng, méo mó ngay từ bên trong thì nên làm như thế nào?

Hô Diên Vân và tiểu thuyết phá án hình sự đương đại Trung Quốc

Nếu từng hâm mộ Sherlock Home với tài suy luận tuyệt đỉnh, chắc chắn bạn sẽ thích thú với tiểu thuyết phá án hình sự của Hô Diên Vân. Tác phẩm của anh rất logic, bố cục chặt chẽ, suy luận thuyết phục, nội dung hấp dẫn, đặc biệt là có tính sáng tạo cao trong việc khai phá đề tài.

Sau khi xây dựng một cốt truyện với rất nhiều nút thắt, tác giả tháo gỡ chúng một cách tuần tự, logic và đầy thông minh. Điều thú vị nhất của tiểu thuyết Phục thù không phải là hành trình đi tìm ra hung thủ mà là bằng những lập luận phá án hợp lý, logic và thực sự thuyết phục, từ đó đi đến kết luận. Một nguyên tắc trong quá trình điều tra phá án của Hô Diên Vân chính là phải quan sát mọi thứ:

"Một nhân viên điều tra hình sự, không bao giờ xem nhẹ hiện trường phạm tội thành một mặt phẳng, nhất là khi án mạng xảy ra bên trong nhà, thật ra là bạn đã bước vào khối sáu mặt: trần nhà, sàn và bốn mặt tường đông nam tây bắc, bạn phải điều tra đến mỗi một tấc của mỗi mặt, đồng thời tưởng tượng mình nhìn xuống bao quát từ góc độ của trần nhà."  

Khi các dấu hiệu và lời khai của nhân chứng tại hiện trường đều khẳng định nguyên nhân Đoàn Minh My tử vong vì lên cơn hen, là sự cố ngoài ý muốn thì chỉ qua chi tiết vết lõm trên ống dẫn nước, Hô Diên Vân khẳng định đó không phải sự cố.

Với quan điểm "Nhà suy luận mãi mãi đứng về phía người bị hại", Hô Diên Vân đã mở ra một cách nhìn mới đối với thám tử. Thám tử không chỉ là người đi kiếm tìm chân lý, sự thật mà thám tử cũng là một con người: họ cũng có lòng trắc ẩn, cũng có sự cảm thông. Pháp luật đứng về phía sự thật nhưng lương tâm thì đứng về phía chân lý.

Tiểu thuyết của Hô Diên Vân tựa như  trò chơi búp bê Nga Matryoshka, từng bước từng bước, khi những tấm mặt nạ được lột bỏ, bản chất của con người dẫn được lộ ra. Trên thế giới này, người nào cũng có điểm đáng thương của mình, vì vậy đáng thương không phải là cái cớ để bản thân mình có thể gây tổn thương cho người khác tùy ý, đồng thời trốn tránh trách nhiệm.

Bảo Ngọc / TC Gia đình & Trẻ em

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...