CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 01:51

Quảng Ninh đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

09/07/2019 | 08:37
 
Ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh trao Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động GDNN năm 2018.
 
Chất lượng GDNN được cải thiện
 
Theo số liệu của Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có 39 cơ sở GDNN và đơn vị có tham gia hoạt động GDNN, gồm 8 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 13 trung tâm GDNN&GDTX, 16 cơ sở khác (cơ sở giáo dục đại học, trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp... có đăng ký hoạt động GDNN). Trong đó, có 32 cơ sở công lập, 7 cơ sở thuộc doanh nghiệp, hình thành một mạng lưới đa dạng gồm nhiều thành phần, phân bố ở các huyện, thị xã, thành phố. 
 
Để nâng cao chất lượng đào tạo, thời gian qua, hệ thống cơ sở GDNN trong tỉnh đã không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; tích cực động viên, khuyến khích nhà giáo đạt chuẩn loại A, B. Các cơ sở cũng thường xuyên bố trí giáo viên giảng dạy đúng chuyên ngành được đào tạo; trả lương theo chất lượng giờ giảng, có hệ số khuyến khích cho các nhà giáo đạt chuẩn loại A, B; quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ nhà giáo với các chế độ đãi ngộ, giúp họ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với đơn vị. Nhiều cơ sở còn hỗ trợ kinh phí cho các nhà giáo chưa đạt chuẩn trình độ chuyên môn đi học các chuyên ngành để chuẩn hóa theo yêu cầu phù hợp với ngành/nghề giảng dạy, đổi mới quy trình đào tạo nhà giáo theo yêu cầu chuẩn hóa một cách toàn diện mang tính hiện đại, gắn chặt giữa đào tạo chính quy, gửi đi đào tạo với tự đào tạo, bồi dưỡng. Nhờ đó, trong tổng số 1.900 nhà giáo đang làm việc tại các cơ sở GDNN trên địa bàn, có trên 1.000 nhà giáo trong các trường cao đẳng, trong đó có 508 nhà giáo đạt chuẩn loại A; 141 nhà giáo đạt chuẩn loại B. 
 
Bên cạnh đó, các trường cũng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mô phỏng để phục vụ công tác đào tạo và ứng dụng trong thực tiễn; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học như giảng đường, xưởng thực hành, nâng cấp các phòng học chuyên dùng, đầu tư các thiết bị hỗ trợ cho quá trình giảng dạy... Đồng thời, không ngừng xây dựng, đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo. Riêng năm 2018, các đơn vị đã tiến hành xây dựng, biên soạn 120 chương trình, 49 giáo trình đào tạo. 
 
Nhờ chất lượng được nâng cao nên số lượng học sinh theo học tại các cơ sở GDNN đã tăng so với trước. Nếu năm 2017, số lượng tuyển sinh học nghề toàn tỉnh mới đạt 34.400 người thì đến năm 2018, con số này đã tăng lên 36.000 người (bằng 102,9% so với kế hoạch năm) trong gần 100 ngành, nghề đào tạo, phân theo 7 nhóm ngành, nghề, trong đó có 4 nhóm ngành, nghề có kết quả tuyển sinh khá tốt, gồm: Vận hành; nghề điện, nước, sửa chữa, cơ khí; khai thác mỏ hầm lò; du lịch, dịch vụ.

 
Thực hành nghề sửa chữa máy móc tại Trường Cao đẳng nghề Than - Khoáng sản Việt Nam.
 
Từng bước gắn đào tạo với doanh nghiệp và thị trường lao động
 
Một trong những kết quả nổi bật trong công tác GDNN ở Quảng Ninh thời gian qua, đó là việc địa phương đã từng bước gắn đào tạo nghề nghiệp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động bằng nhiều nội dung và hình thức phối hợp trong đào tạo, như: Trao đổi, cung cấp nguồn lực giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp; Trao đổi thông tin giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; hỗ trợ của doanh nghiệp với sinh viên học nghề; hợp đồng đào tạo cho lao động của doanh nghiệp...; Hợp tác đưa sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp; hợp tác với cơ sở GDNN trong việc tiếp nhận sinh viên, giáo viên dạy nghề thăm quan tìm hiểu về doanh nghiệp, thực tập, cung cấp thông tin tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, thông tin phản hồi chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Các doanh nghiệp cũng hỗ trợ thiết bị thực hành nghề cho cơ sở GDNN; Bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp; Cấp học bổng cho sinh viên; Tham gia xây dựng chương trình đào tạo...
 
Bên cạnh đó, công tác phối hợp về GDNN giữa cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm, có chuyển biến tích cực. Sở LĐTBXH Quảng Ninh đã phối hợp các cơ sở GDNN và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị ký kết Biên bản ghi nhớ trong hợp tác nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, đặc biệt là phối hợp trong giới thiệu, cung ứng và tuyển dụng lao động phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp; hợp tác xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; hợp tác bồi dưỡng kỹ năng nghề cho các nhà giáo và cán bộ, nhân viên trong các doanh nghiệp.... Riêng năm 2018, Sở LĐTBXH phối hợp với các cơ sở GDNN đã giới thiệu, cung ứng trên 7.500 lao động cho các doanh nghiệp; phối hợp tổ chức đào tạo trên 5.700 lao động cho doanh nghiệp; đánh giá kỹ năng nghề, bồi dưỡng nâng bậc cho trên 9.200 lao động.
 
Phát huy các kết quả đã đạt được, để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, trong thời gian tới, mỗi cơ sở GDNN ở Quảng Ninh cần lựa chọn một hoặc một số nghề để đầu tư mũi nhọn nhằm xây dựng thương hiệu của đơn vị, định vị ngành, nghề đào tạo đối với người học nghề; đồng thời cần tiếp tục xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp. Cùng với đó, cần thực hiện tốt công tác tự kiểm định chất lượng đào tạo nghề nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Hình thành và tăng cường chất lượng hoạt động của các Trung tâm quan hệ doanh nghiệp trong các cơ sở GDNN để làm tốt vai trò cầu nối giữa đào tạo và sử dụng.

Minh Anh/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.