THỨ TƯ, NGÀY 08 THÁNG 05 NĂM 2024 02:12

Quảng Ninh quan tâm chăm lo trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

25/12/2019 | 13:59
Các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng cùng chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em có HCĐB

Tính đến ngày 30/11/2019, toàn tỉnh Quảng Ninh có 319.807 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm khoảng 24% dân số toàn tỉnh), trong đó 3.175 trẻ em có HCĐB, 16.015 trẻ em có nguy cơ cao rơi vào HCĐB. 
 
Để thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là bảo vệ và chăm sóc trẻ em có HCĐB; các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng xã hội đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động tích cực. Từ đó, nhiều trẻ em có HCĐB trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ những suất quà, học bổng, đỡ đầu thường xuyên. Trong Tháng hành động vì trẻ em, đã có 3.285 trẻ em được hỗ trợ 6,3 tỷ đồng; Tết Trung thu, toàn tỉnh có 225.320 lượt trẻ em được tham dự Tết Trung thu, trong đó có 19.352 lượt trẻ em được thăm, tặng quà với tổng số tiền là gần 11,3 tỷ đồng.
Ban hành các chính sách đặc thù để bảo vệ, chăm sóc trẻ em có HCĐB.
 

Ngày 11/10/2019, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji tổ chức trao học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đạt thành tích học tập tốt của tỉnh Quảng Ninh, trong đó có 10 em thuộc Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh.
 
Hiện nay, Nhà nước đã có nhiều chính sách trợ giúp bao gồm cả trợ cấp xã hội, trợ giúp về y tế, giáo dục và các trợ giúp cần thiết cho trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ em khuyết tật nặng... Mặc dù còn hạn chế về số lượng đối tượng được thụ hưởng, mức trợ cấp, trợ giúp còn thấp so với mức sống trung bình của dân cư, nhưng trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 222/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015, Nghị quyết số 91/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Việc thực hiện Nghị quyết sẽ là trợ lực rất lớn để giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tỉnh được phát triển ổn định.
 
Theo Nghị quyết, tỉnh Quảng Ninh đã mở rộng chế độ chính sách cho 9 nhóm đối tượng trẻ em có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh so với chính sách hiện hành chung của Nhà nước như: Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng; trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo; trẻ em xâm hại tình dục, trẻ em bị tai nạn thương tích, trẻ em câm điếc… Tùy từng trường hợp theo quy định, các em sẽ được hỗ trợ học phí, chi phí học tập, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh chi phí cao, hỗ trợ hằng tháng hoặc hỗ trợ đột xuất. 
 
Triển khai thực hiện Nghị quyết nêu trên, năm 2019 toàn tỉnh đã hỗ trợ 19.223 lượt trẻ em với tổng số tiền gần 23,5 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ dinh dưỡng nâng cao thể trạng sức khỏe cho 22 trẻ em; hỗ trợ cấp phát thẻ BHYT cho 144 trẻ em nhiễm HIV, trẻ không nguồn nuôi dưỡng; hỗ trợ học phí cho 6.356 trẻ; hỗ trợ chi phí học tập cho 10.861 trẻ (mức 100.000 đồng/tháng); hỗ trợ chi phí khám bệnh cho 02 trẻ; hỗ trợ 31 trẻ bị tai nạn thương tích nặng hoặc tử vong (mức 6 triệu đồng/trẻ bị tử vong, 5 triệu đồng/trẻ bị TNTT nặng); hỗ trợ 05 trẻ em bị xâm hại tình dục (mức 5 triệu đồng/trẻ); hỗ trợ hằng tháng cho 1.802 trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng.
 
Đây là các chính sách nổi bật và khác biệt của Quảng Ninh so với các địa phương khác trong cả nước, chứng tỏ lãnh đạo tỉnh cũng như các cấp, các ngành, địa phương luôn đặc biệt quan tâm, chăm sóc những trẻ em có HCĐB – đối tượng yếu thế trong xã hội rất cần sự chung tay, giúp đỡ của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
 

Ngày 15/10/2019, các nhà hảo tâm cùng các salon tóc trên địa bàn TP. Hạ Long trao tặng và khai trương phòng học cắt tóc, đào tạo nghề tạo mẫu tóc cho trẻ em tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh.
 
Chăm sóc trẻ em có HCĐB tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có HCĐB

Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có HCĐB tỉnh hiện nuôi dưỡng 131 trẻ; trong đó, 31 trẻ khiếm thính thuộc đối tượng tự nguyện; 100 trẻ thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.Với mức chuẩn trợ giúp xã hội của Nhà nước tại cơ sở là 270.000 đồng/tháng, tỉnh Quảng Ninh đã nâng mức chuẩn lên 500.000 đồng/tháng. Năm 2018, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt mô hình “Lớp học chuyên biệt cho trẻ khiếm thính có thu phí tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh” hiện nay có 31 trẻ em khiếm thính đang theo học tại cơ sở theo hình thức bán trú hoặc nội trú. 
 
Ngoài việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, Cơ sở còn quan tâm giáo dục, hướng nghiệp, đào tạo nghề cho trẻ. Trong năm 2019, Cơ sở đã tổ chức 02 lớp học nghề (01 lớp làm tóc cho 30 trẻ khiếm thính; 01 lớp làm móc chìa khóa bằng đất sét). Phối hợp với Công ty Du thuyền Bảo Ngọc vẽ và giới thiệu, bán sản phẩm nón lá của Việt Nam cho khách du lịch nước ngoài trên các du thuyền của Công ty; định hướng nghề cho 04 trẻ học xong THPT đi học nghề nấu ăn tại Trung tâm dạy nghề nhân đạo KOTO, kết nối và giới thiệu việc làm cho 02 trẻ học xong đại học và nghề đi làm. Cơ sở đã vận động trực tiếp và gián tiếp thông qua các chương trình hỗ trợ trẻ với tổng trị giá và tiền mặt trên 5 tỷ đồng. 
 
Nhờ sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành, địa phương nhiều trẻ em có HCĐB trên địa bàn tỉnh đã ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, đồng thời thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các em. Hiện, tỷ lệ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp đạt 98%, ước đạt 100% đến năm 2020.
 
Qua những chính sách, chương trình, hành động tích cực và nhân văn trên, có thể thấy, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trên toàn quốc trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em có HCĐB. Thứ nhất, Quảng Ninh đã đưa ra được các chính sách riêng để bảo vệ và chăm sóc trẻ em có HCĐB. Thứ hai, Quảng Ninh không chỉ chăm lo tốt cho đối tượng trẻ em thuộc diện hưởng chính sách của Nhà nước mà những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn chưa thuộc diện hưởng chính sách hiện hành của Nhà nước cũng được đặc biệt quan tâm, để giúp các em nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, đảm bảo không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Trung Nguyễn/GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.