THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 06:48

Quảng Ninh thực hiện tốt Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng

25/08/2020 | 10:07



Cán bộ TTCTXH tỉnh Quảng Ninh trị liệu tâm lý cho trẻ tự kỷ, RNTT tại tại cộng đồng.


Tích cực trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người RNTT tại cộng đồng

Ngay từ những ngày đầu thực hiện Đề án 1215, TTCTXH Quảng Ninh đã cử cán bộ trực tiếp xuống địa phương, gặp gỡ gia đình, tiếp cận các đối tượng (chủ yếu là đối tượng bị trầm cảm) gặp khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng để tư vấn, can thiệp trị liệu; đồng thời hướng dẫn các gia đình cách chăm sóc, trị liệu cho đối tượng và thay đổi môi trường sống sao cho phù hợp để cải thiện vấn đề sức khỏe tâm thần cho đối tượng.

Để quản lý các đối tượng là người tâm thần, RNTT, cán bộ, nhân viên công tác xã hội của TT đã phối hợp cùng cán bộ địa phương 13 xã/phường/thị trấn của TP. Uông Bí, TP. Móng Cái, TX. Quảng Yên, huyện Hải Hà tổ chức rà soát, lập hồ sơ quản lý và thực hiện các hoạt động can thiệp hỗ trợ cho 70 đối tượng dựa trên nhu cầu và nguyện vọng của đối tượng và gia đình. Kết thúc tiến trình trợ giúp, đã đóng ca được cho 66 đối tượng.

Trong hai năm 2017 - 2018, được sự hỗ trợ của Cục Bảo trợ xã hội, TTCTXH Quảng Ninh đã phối hợp với Viện Dân số và Phát triển tổ chức triển khai thí điểm Dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người lớn dựa vào cộng đồng trên địa bàn phường Hồng Hải, Hà Tu của TP. Hạ Long và xã Đông Xá, xã Hạ Long của huyện Vân Đồn.

Để sàng lọc và trị liệu cho người trầm cảm tại cộng đồng, TTCTXH tỉnh phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH TX. Đông Triều, TP. Uông Bí, TX. Quảng Yên và huyện Vân Đồn triển khai thực hiện sàng lọc bằng công cụ PHQ 9 đối với 160 đối tượng, trong đó số đối tượng bị trầm cảm và có nhu cầu được trị liệu là 80 người. Sau khi được can thiệp, trị liệu, cán bộ TT tiến hành đánh giá kết quả trị liệu, 80/80 đối tượng đều giảm số điểm trầm cảm (đồng nghĩa với giảm mức độ trầm cảm), trong đó số người trầm cảm nhẹ là 42 người, sau khi trị liệu thì có 31 người đã thoát khỏi trầm cảm, 11 người vẫn có số điểm ở mức độ trầm cảm nhẹ; Số người trầm cảm nặng khi sàng lọc có 28 người, sau khi được trị liệu đã có 20 người giảm xuống mức nhẹ, 8 người vẫn có điểm số ở mức độ nặng; Số người trầm cảm đặc biệt nặng khi sàng lọc có 10 người, sau khi trị liệu đã có 4 người giảm xuống mức độ nặng, 6 người vẫn còn điểm số ở mức độ đặc biệt nặng.

Để sàng lọc, tập huấn và trị liệu cho trẻ tự kỷ, RNTT tại cộng đồng, TTCTXH đã tiến hành sàng lọc 110 trẻ em trên địa bàn TX. Đông Triều, TP. Uông Bí, TX. Quảng Yên, TP. Cẩm Phả và huyện Vân Đồn, tập huấn cho người chăm sóc và trị liệu trực tiếp đối với 50 trẻ và gia đình. Sau khi được can thiệp, trị liệu, cán bộ TT tiến hành đánh giá kết quả trị liệu trên trẻ ở 7 lĩnh vực phát triển, kết quả 50/50 trẻ đã có mức phát triển hơn so với tại thời điểm đánh giá, tiến đến gần hơn so với tuổi thực, trong đó có 34/50 trẻ đạt mức phát triển bằng so với tuổi thực của trẻ.

Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức

Để truyền thông, nâng cao nhận thức người dân về các hoạt động trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người RNTT dựa vào cộng đồng, TTCTXH đã đẩy mạnh tuyên truyền, đăng tải tin bài, phóng sự, video clip trên các báo đài trung ương và địa phương, trên website của Sở LĐ-TB&XH tỉnh và TTCTXH tỉnh.

TTCTXH đã in ấn và phát hành đến cộng đồng 19.000 tờ rơi tuyên truyền về Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ; 25.600 cuốn tài liệu hướng dẫn nhận biết, chăm sóc, phòng tránh bệnh tự kỷ ở trẻ em. Duy trì hoạt động 06 pano tuyên truyền trên các trục đường quốc lộ chính.

Tại cộng đồng, TTCTXH Quảng Ninh đã tổ chức 33 hội nghị tư vấn, trợ giúp lồng ghép với truyền thông cho người dân về Đề án 1215 cho hơn 2.000 đối tượng, trong đó đặc biệt chú trọng các đối tượng yếu thế. TT cũng phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ban giám hiệu các trường học tổ chức truyền thông cho khoảng 8.000 học sinh tại 40 trường THCS, THPT thuộc TP. Hạ Long, TP. Móng Cái và huyện Hải Hà về chăm sóc sức khỏe tâm thần và phòng chống hội chứng tự kỷ, RNTT.

Thông qua các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, TTCTXH đã nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người RNTT dựa vào cộng đồng. Đồng thời, tạo cơ hội cho các đối tượng yếu thế trong xã hội được biết, hiểu và tiếp cận với các dịch vụ công tác xã hội.  
 



Hoạt động trị liệu tâm lý cho trẻ tự kỷ, RNTT tại TTCTXH tỉnh Quảng Ninh


Tư vấn, chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ, người RNTT tại TTCTXH

Từ năm 2013 đến nay, TTCTXH triển khai mô hình tâm lý trị liệu cho trẻ em RNTT, tự kỷ với số trẻ được tiếp nhận khám sàng lọc miễn phí là 631 trẻ, trị liệu miễn phí cho 357 trẻ quay trở lại hòa nhập cộng đồng.

Cùng với hoạt động trị liệu cho trẻ tại TT, từ năm 2014, TTCTXH đã thành lập Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ với mục tiêu nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng về hội chứng tự kỷ, các vấn đề về RNTT ở trẻ, đồng thời cung cấp các kiến thức, kỹ năng cho người chăm sóc để có thể can thiệp, trị liệu cho trẻ tại gia đình, tạo môi trường thích hợp để các gia đình có trẻ tự kỷ giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ nhằm giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Từ khi thành lập cho đến nay, Câu lạc bộ đã thu hút được hơn 200 hội viên là các bậc phụ huynh có trẻ tự kỷ, RNTT, giáo viên mầm non, những người quan tâm đến lĩnh vực trẻ tự kỷ, RNTT... của tỉnh Quảng Ninh.

Để thực hiện tốt hơn công tác trợ giúp các đối tượng gặp phải vấn đề sức khỏe tâm trí, TTCTXH đã triển khai nhiều hình thức tư vấn phù hợp như tư vấn miễn phí 24/24 thông qua Tổng đài 18001769 giúp các đối tượng và người chăm sóc đối tượng được tư vấn hỗ trợ kịp thời các kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, chăm sóc và can thiệp trị liệu. Từ năm 2013 đến nay, đã có trên 1.000 cuộc gọi đến để được tư vấn các vấn đề liên quan đến việc phát hiện, phòng ngừa và can thiệp cho các đối tượng trầm cảm, RNTT và tự kỷ tại cộng đồng.

Mặt khác, từ năm 2013, TTCTXH đã thành lập Hội đồng tư vấn công tác xã hội với các thành viên là những cán bộ có kiến thức, kinh nghiệm tại các cơ quan, đơn vị liên quan đến lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tâm thần để tham gia và hỗ trợ cho công tác tư vấn đối với các đối tượng gặp phải vấn đề sức khỏe tâm thần khi sử dụng các dịch vụ công tác xã hội của TT.

Bài: Thanh Huyền, Ảnh: TTCTXH tỉnh Quảng Ninh cung cấp

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.