THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 10:54

Ra mắt cuốn sách "Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ" của Ngô Quý Sơn

16/11/2022 | 17:37
Đây là cuốn sách đầu tiên viết về trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ vào đầu thế kỷ XX, khi xã hội truyền thống của người Việt bắt đầu có sự chuyển biến dưới tác động của chính sách cai trị của thực dân Pháp. Cuốn sách là nguồn tư liệu “gốc”, chân thực và sống động về trò chơi của trẻ em, mà phần lớn các trò chơi đó đến nay không còn; nhiều trò chơi bị mất từ lâu.

"Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ" của Ngô Quý Sơn được biên soạn bằng tiếng Pháp, có lẽ chủ yếu cho người Pháp và người Việt biết tiếng Pháp đọc, tuy nhiên cuốn sách cho đến nay vẫn là một tài liệu nghiên cứu văn hóa quý giá. Bản tiếng Việt do Phùng Hồng Minh dịch.

Với những miêu tả chi tiết cùng những tranh minh họa sống động, cuốn sách đưa độc giả đến với thế giới giải trí vô tư của trẻ em, để rồi qua đó, tiếp cận với những tập tục và truyền thống sinh hoạt của người An Nam xưa theo một cách thức tự nhiên và lôi cuốn.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, tính cộng đồng trẻ em làng xã không còn và rất nhiều trò chơi trong cuốn sách cũng mất đi tính phổ biến. Ngoài tính chất khảo cứu về mặt xã hội học, dân tộc học, “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” cũng là một cuốn sách bổ ích giúp độc giả ngày nay tìm lại những trò chơi đã bị lãng quên.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng, nếu đối chiếu với thực tế, thì các trò chơi này ít nhất còn tồn tại đến những năm 1970, tuy nhiên việc thực hành các trò chơi này giảm dần ở tùy địa phương khác nhau. Ví dụ các trò phổ biến đến những năm 1970, như Chồng nụ chồng hoa, đánh khăng, đánh đáo, bịt mắt bắt dê, đánh chắt… thì thay đổi dần vài mẹo thuật, cũng như thay đổi đôi chút các câu đồng dao hát kèm so với năm mươi năm trước.

Tro choi cua tre em o Bac Ky 2

Cuốn sách chủ yếu khảo tả các trò chơi phổ biến ở Bắc Bộ, cấu trúc đầu và cuối của một trò chơi, mà không đi sâu nghiên cứu lịch sử của nó, một việc có lẽ không thể làm được, vì trò chơi đã diễn ra tự nhiên qua đời này đời kia, không ai ghi chép thống nhất điều gì cả.

Ngô Quý Sơn đưa ra một hệ thống về trò chơi của trẻ em Bắc Bộ như sau: Các trò chơi liên quan đến cơ thể, Các trò chơi dùng que, Các trò chơi dùng sỏi, Đánh đáo, Chơi diều, Các trò chơi may rủi và tìm kiếm, Các trò giải trí khác, Các trò ma thuật, Các trò dùng lời nói, Những trò ức hiếp diễu nhại, và cuối cùng là các bài đồng dao.  Trong hệ thống này, chúng ta thấy có những trò chơi dễ, không cần học hỏi gì cả, không cần phương tiện, nhưng khá nhiều trò chơi cần thực tập, cần sự trợ giúp của người lớn (ví dụ chơi diều, soạn bài đồng dao nào đó có ý nghĩa), lại có thể nhìn nhận trò chơi với lứa tuổi, ví dụ chơi quay, chơi sáo diều cần có thể lực và lớn một chút.

Trẻ em Việt Nam, trong các làng xã Bắc Bộ, là một cộng đồng thu hẹp, các làng đều tương đối giống nhau về cấu trúc xã hội và sản xuất nông nghiệp, nhưng khá khác nhau về tập tục. Trẻ em ít khi đi ra khỏi làng mình, chúng được gia đình và làng xã bao bọc. Một số ít học nghề, một số ít học chữ, còn lại đều chẳng học gì, mà sớm tham gia sản xuất nông nghiệp cùng gia đình, và cuối cùng trở thành nông dân như cha ông.

Trong làng, trẻ em chơi với nhau hằng ngày theo từng ngõ xóm, vào dịp lễ tết hội làng, chúng có thể tham gia những trò chơi chung. Tuy vậy, các trò chơi của trẻ em, hầu như ở Bắc Bộ, đều tương đối thống nhất, mặc dù chẳng có sự học hỏi tham khảo nào. Dường như trò chơi tồn tại cùng cuộc đời của chúng, có sẵn trong làng xã theo những trò nhất định, không quá nhiều, cũng không quá ít, và tăng dần độ khó theo tuổi tác. Thông thường, độ tuổi chơi của trẻ em nông thôn cũng chỉ từ lên bốn đến mười một, sau đó chúng phải tham gia công việc gia đình, chăn trâu, cắt cỏ, mót lúa, bắt cua, bế em, rửa bát…

Xã hội trẻ em là lĩnh vực ít khi được xem xét trong bộ môn Dân tộc học, bởi vậy cuốn sách của Ngô Quý Sơn có thể coi là tác phẩm tiên phong và đặc biệt đáng quý ở hai điểm dưới đây.

Thứ nhất, đây là một công trình đầy đủ, sáng rõ và trung thực. Các trò chơi, bài vè, các ngạn ngữ, v.v. được mô tả tỉ mỉ, được chỉ rõ địa danh và cung cấp nhiều phiên bản khác nhau.

Thứ hai, cuốn sách là một công trình mang lại nguồn tư liệu đáng quý, liên quan đến một chủ đề hiếm khi được khai thác, lại còn về một dân tộc lớn, điều này giúp ta hiểu rõ hơn không chỉ tổng thể dân tộc đó mà cả các dân tộc khác.

Vì không có vai trò quan trọng dưới góc độ giới tính, tôn giáo, xã hội, nên trẻ em có thể cho phép bản thân nhạo báng, vui đùa, giễu nhại những tập tục được người lớn sùng kính và nhất mực tuân thủ: chính điều nay giúp trẻ em giữ lại trong các trò chơi và các bài vè của mình dấu vết nhiều phong tục, nhiều lối nói ít nhiều biến dạng nhưng thường rất cổ, thậm chí đã bị lãng quên.

Các bài vè miệng như ru em, đồng dao, bắt nạt hay giễu nhại mới đặc biệt mang lại một kho thông tin dồi dào. Điển hình là bài đồng dao Chi chi chành chành nổi tiếng, được cho là nói về cuộc chạy trốn của vua Hàm Nghi vào tháng 7 năm 1885, hay có nơi tin rằng nó còn là lời tiên tri xưa dự đoán tương lai xứ An Nam khi triều Lê sụp đổ.

Cuốn sách cung cấp những tư liệu quý, cụ thể về các trò chơi của trẻ em Bắc Bộ thời cuối phong kiến, chuyển sang xã hội hiện đại, thời mà Ngô Quý Sơn có thể nghiên cứu được những sinh hoạt đó.

Phương Thu
Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...
Sức hút của truyện tranh đối với trẻ em

Sức hút của truyện tranh đối với trẻ em

1 năm trước

Truyện tranh hay truyện chữ - mỗi thể loại đều có cái hay, cái dở, cái hạn chế và vấn đề là chúng ta phải điều chỉnh như thế nào cho phù hợp với trẻ.
5 cách tiết kiệm thức ăn thừa khi nhà có trẻ em

5 cách tiết kiệm thức ăn thừa khi nhà có trẻ em

1 năm trước

Trẻ em thường có xu hướng kén ăn và bỏ bữa. Các bà mẹ có thể áp dụng những cách sau để không lãng phí thức ăn thừa.
Gia Lai tuyên dương thiếu nhi dân tộc và thiếu nhi nghèo vượt khó học giỏi năm 2022

Gia Lai tuyên dương thiếu nhi dân tộc và thiếu nhi nghèo vượt khó học giỏi năm 2022

1 năm trước

81 thiếu nhi dân tộc thiểu số và thiếu nhi nghèo vượt khó học giỏi tiêu biểu năm 2022 trong toàn tỉnh Gia Lai đã vinh dự được tuyên dương nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Bảo mẫu đánh bé gái tử vong ở Sài Gòn bị bắt

Bảo mẫu đánh bé gái tử vong ở Sài Gòn bị bắt

1 năm trước

Nguyễn Ngọc Phượng, 31 tuổi, thừa nhận vì bé gái 17 tháng tuổi hay quấy khóc, chậm được trả tiền công chăm sóc, nên bực tức đánh nạn nhân nhiều lần.