THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 01:19

Sai lầm thường gặp khi dùng kem chống nắng

30/05/2020 | 07:57

Bác sĩ Trịnh Minh Trang, Khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết kem chống nắng cần được sử dụng hàng ngày, dùng đủ và đúng cách, đặc biệt vào mùa hè, để ngăn tác hại của ánh nắng lên da.

"Ánh nắng là một trong những tác nhân gây lão hóa da. Ánh nắng làm tổn thương tế bào trên các lớp da, gây khô da, tăng sắc tố, bỏng da, làm hư hại lớp đệm là sợi collagen. Tia tử ngoại UV có thể làm tổn thương ADN, dần dần sinh ung thư da", bác sĩ Trang nói.

Bác sĩ Trang nhận định nhiều người mắc sai lầm khi sử dụng kem chống nắng. Ví dụ, không ít người bôi kem chống nắng quá ít. Về nguyên tắc, kem chống nắng phải dùng "đủ thời gian ban ngày", tức từ khi có ánh sáng ban ngày đến lúc trời tối. Lý do, kể cả ban ngày chưa có nắng vẫn có tia UVA, làn da vẫn bị ảnh hưởng.

"Thoa kem chống nắng một lần trong ngày không đủ để bảo vệ da", bác sĩ Trang nói. Thông thường, mỗi ngày bôi kem chống nắng ít nhất hai lần, nếu được thì 3-4 lần.

Số lần thoa nhiều hay ít có thể linh hoạt theo tình huống, tuy nhiên đảm bảo trên mặt luôn có một lớp kem chống nắng. Nếu mặt giữ được lớp kem chống nắng lâu thì có thể giảm tần suất bôi. Trường hợp ra mồ hôi nhiều, sau mỗi hai giờ phải thoa kem lại. Làm sạch mặt (tẩy trang, rửa) trước khi bôi lại kem.
 



Phải dùng kem chống nắng liên tục trong thời gian ban ngày chứ không phải chỉ khi ra nắng. Ảnh: Health


Sai lầm thứ hai là chọn chỉ số chống nắng chưa phù hợp với làn da và môi trường tiếp xúc. Khi ra ngoài trời, tiếp xúc ánh nắng cường độ cao, nên chọn chỉ số SPF cao. Ví dụ, đi biển mùa hè dùng kem chống nắng chỉ số SPF 50+ , làm việc trong môi trường không bị nắng chiếu trực tiếp cần SPF thấp hơn.

Chỉ số SPF và thời gian đỏ da tối thiểu cho phép, giúp bạn ước lượng thời gian da được bảo vệ bởi kem chống nắng.

Ví dụ, bạn đứng ngoài trời 10 phút thì xuất hiện đỏ da, tức thời gian đỏ da tối thiểu 10 phút. Dùng kem chống nắng chỉ số SPF 30+, thời gian da được kem chống nắng bảo vệ tính theo công thức: 10 × 30 là 300 phút (tương đương 5 giờ).

Như vậy, chỉ số chống nắng càng cao thì thời gian da được bảo vệ càng lâu. Tuy nhiên, không có chỉ số chống nắng nào có thể bảo vệ da 100%. Do vậy, bạn cần che chắn vùng da được bôi kem chống nắng. Ngoài ra, kem chống nắng tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng cũng dễ bị biến đổi làm giảm tác dụng.

Bôi kem chống nắng kết hợp các sản phẩm khác như dưỡng da, dưỡng ẩm, kem nền... không đúng quy trình sẽ giảm tác dụng.

Bác sĩ Trang cho biết, hai tác dụng của kem chống nắng là chống nắng cơ chế vật lý, giống như một lớp vật liệu che phủ da; và cơ chế hóa học, tức tạo ra tương tác hóa học để thay đổi sự hấp thu, chuyển hóa các tia bức xạ đến da. Bôi kem chống nắng ngay sau khi dùng các sản phẩm chăm sóc da khác sẽ làm loãng kem hoặc thay đổi tính chất vật lý, hóa học, do đó giảm tác dụng.

Bác sĩ khuyên nên bôi trực tiếp kem chống nắng lên da mặt. Nếu trước đó bôi dưỡng ẩm, phải để kem dưỡng ẩm có thời gian hấp thu vào trong da mới bôi kem chống nắng lên. Thông thường thời gian bôi các sản phẩm dưỡng da cách nhau ít nhất 15 -20 phút.

Nên lựa chọn loại kem phù hợp vùng da, loại da (da nhờn, da khô, da nhạy cảm...). Bôi trước khi ra nắng ít nhất 20 phút. Mọi vùng da đều cần được bảo vệ, nhất là vùng tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Da mặt thường được ưu tiên chăm sóc nhất. Nếu có điều kiện, bôi kem chống nắng cho cả vùng tay chân, thân mình.

Theo Thúy Quỳnh/Vnexpress.net

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.