THỨ SÁU, NGÀY 10 THÁNG 05 NĂM 2024 09:11

Sai lầm trong giáo dục khiến con bướng bỉnh

14/10/2023 | 06:23
Nhiều cha mẹ cảm thấy bất lực khi con quá bướng bỉnh, lì lợm, không nghe lời cho dù đã dùng đủ các biện pháp từ nhẹ nhàng đến "thiết quân luật”. Tuy nhiên, họ không biết rằng một phần nguyên nhân khiến trẻ trở nên khó bảo chính từ những sai lầm trong cách giáo dục của mình.
Hãy thể hiện sự tôn trọng con để bé hợp tác hơn.

Hãy thể hiện sự tôn trọng con để bé hợp tác hơn.

Chị Mai Hoa có con trai Nam Anh 7 tuổi, cậu bé rất bướng bỉnh và thường không nghe lời mẹ, gây ra vô số phiền toái, khiến chị buồn và lo lắng. Vẫn biết la mắng con là điều không nên làm, thế nhưng chị vẫn không thể kiềm chế cơn nóng giận mỗi khi con ngỗ nghịch. Chị Hoa nhận ra rằng, sau nhiều lần bị mắng, con chị dần trở nên sợ sệt, lầm lì, mất đi sự hồn nhiên.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, la mắng trẻ sai cách khi chúng ngỗ nghịch là điều vô cùng có hại mà phụ huynh cần phải hạn chế, bởi về sau trẻ có thể hình thành nên hai tính cách tiêu cực.

Chiều hướng thứ nhất là rụt rè và nhút nhát: Sự đánh giá của cha mẹ đối với bản thân trẻ có ảnh hưởng rất lớn. Nếu cha mẹ dành cho con những khẳng định tích cực, khuyến khích sẽ khiến con tự tin hơn, nhưng nếu thường xuyên bị la mắng, trẻ sẽ trở nên nhút nhát, thậm chí phủ nhận bản thân, tự ti và nghĩ rằng mình kém cỏi. Ðồng thời, con lớn lên có xu hướng thu mình lại, không dám bày tỏ, thể hiện suy nghĩ của mình.

Chiều hướng thứ hai là cực kỳ nổi loạn: Cha mẹ chính là tấm gương của con cái, vì thế khi cha mẹ có thái độ giận dữ, quát mắng, trẻ cũng sẽ bắt chước theo một cách vô thức. Ðiều này tuy không ảnh hưởng ngay lập tức, nhưng chúng sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng khi con lớn lên. Khi trẻ thường xuyên thấy cha mẹ la mắng, chúng cũng sẽ vô thức học được rằng đây là hành vi đúng. Trẻ bị nhiễm hành động không tốt này khi lớn lên sẽ dễ cáu giận, thậm chí chuyện nhỏ cũng có thể khiến trẻ có hành động tiêu cực như đập phá, la hét. Nếu không sửa đổi kịp thời có thể để lại hậu quả khó lường.

Vậy khi con làm sai, cha mẹ phải cần có biện pháp giáo dục con đúng đắn như thế nào? Các bậc cha mẹ có thể tham khảo một số cách sau để tránh sai lầm khi giáo dục con:

Tha thứ và cho con cơ hội sửa sai: Cách xử lý tốt nhất khi con làm sai và chịu nhận lỗi đó chính là tha thứ. Ðồng thời, cha mẹ hãy chỉ ra những điều con làm chưa đúng và giúp con khắc phục kịp thời, không dùng cách la mắng nặng nề hoặc nhân nhượng cho những điều con làm sai. Trẻ phải biết mình sai mới có thể không lặp lại lỗi lầm đó, và cha mẹ là người giúp con nhận ra điều đó.

Hãy để con một lần tự gánh chịu hậu quả: Nếu con vẫn chưa chịu nhận ra sai lầm của mình, cha mẹ hãy để con một lần tự chịu trách nhiệm về việc làm con gây ra. Ví dụ, nếu con nghịch làm lãng phí thức ăn, thì cha mẹ cho con biết "con đã lãng phí rồi, không còn phần ăn cho con nữa". Ðừng nhân nhượng mà hãy để trẻ nhịn đói một lần trẻ mới biết quý trọng thức ăn. Cho con tự gánh chịu hậu quả của việc mình làm để con không mắc phải sai lầm tương tự.

Hướng dẫn con sửa sai: Cha mẹ cùng con ngồi xuống, bình tĩnh lắng nghe con và cùng con xử lý. Ðiều này không chỉ hướng dẫn cho trẻ cách giải quyết vấn đề tốt hơn mà còn gắn kết mối quan hệ giữa cha mẹ và con, để trẻ cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ.

Cố gắng lắng nghe: Nếu muốn con lắng nghe mình, trước tiên cha mẹ phải sẵn sàng lắng nghe trẻ. Trẻ có thể trở nên ngang tàng nếu cảm thấy mình không được lắng nghe. Vậy nên, bố mẹ hãy nghe ý kiến, băn khoăn của con và trò chuyện cởi mở để trẻ ngoan ngoãn hơn. Hãy cố gắng dạy trẻ đúng sai bằng lời nói và hành động bình tĩnh. Làm mẫu những hành vi mà bạn muốn thấy ở con mình. Ví dụ, nếu con bướng bỉnh không muốn ăn bữa trưa, bạn không nên ép con ăn mà hãy hỏi vì sao bé không muốn ăn. Khi biết được nguyên nhân, bạn có thể dễ dàng tìm cách cho bé ăn trong vui vẻ hơn.

Khi trở thành bạn bè, cha mẹ và con sẽ làm mọi việc cùng nhau và thấu hiểu nhau hơn.

Khi trở thành bạn bè, cha mẹ và con sẽ làm mọi việc cùng nhau và thấu hiểu nhau hơn.

Không ép buộc con: Khi phụ huynh ép con bướng bỉnh không nghe lời làm một điều gì đó, bé thường có tâm lý chống đối và làm ngược lại những gì cha mẹ nói. Ðể tránh tâm lý chống đối này, bạn cần kết nối được với con. Hãy nghe con nói và để con tự kết thúc câu chuyện trước khi giúp con giải quyết vấn đề. Ví dụ như khi con vẫn ngồi xem tivi dù đã quá giờ đi ngủ, thay vì ép buộc bé tắt tivi, bạn hãy xem cùng con và thể hiện sự quan tâm đến những gì con đang xem. Hãy cùng con bàn luận về chương trình tivi để có được sự chú ý của con và dần hướng sự chú ý này sang việc đi ngủ.

Cho con lựa chọn: Trẻ bướng bỉnh thường có suy nghĩ riêng và không thích bố mẹ chỉ bảo mình phải làm gì. Vậy nên, hãy cho con quyền lựa chọn để bé không có cảm giác mình bị thúc ép làm một việc gì đó.

Luôn giữ bình tĩnh: Khi con bướng bỉnh và không nghe lời, bạn có thể thấy tức giận và dễ lớn tiếng với bé. Tuy nhiên, phản ứng này không làm cho con hiểu ý kiến của bạn mà chỉ khiến bé tỏ ra chống đối hơn. Hãy học hỏi từ những sai lầm trước đó. Nếu bạn cảm thấy mình đã phạm sai lầm trong lúc nóng nảy, hãy đợi cho con bình tĩnh lại, xin lỗi con và giải thích cách bạn sẽ xử lý tình huống trong tương lai. Bạn cần bình tĩnh để giải thích cho bé tại sao phải làm theo lời bố mẹ. Ðể luôn giữ tâm trạng bình tĩnh và cân bằng với con, bạn có thể cùng con nghe nhạc, chơi thể thao, hay làm những việc cả hai cùng thích.

Tôn trọng con: Con bướng bỉnh có thể không chấp nhận quyền hạn của ba mẹ nếu luôn ép buộc hay ra lệnh cho bé nên việc cho trẻ thấy bạn tôn trọng ý kiến của con là rất quan trọng. Miễn là con không làm điều gì nguy hiểm và được chú ý nhiều khi có hành vi tốt, bỏ qua hành vi xấu có thể là một cách hiệu quả để ngăn chặn hành vi đó. Bỏ qua hành vi xấu cũng có thể dạy cho trẻ những hậu quả từ hành động của chúng.

Bạn hãy thể hiện sự tôn trọng con bằng cách: Hợp tác với con chứ không yêu cầu con tuân theo chỉ thị của mình; Ðưa ra những quy tắc nhất quán với các con và không tùy tiện phá bỏ những quy tắc này; Ðể con tự làm những gì nằm trong khả năng; Không nói dối và cố gắng giữ lời hứa với con; Làm gương cho con. Nếu bố mẹ muốn con làm một việc gì, hãy làm trước để bé có thể quan sát và làm theo.

Thùy Dương
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
Bắc Giang thành lập Ban chỉ đạo phòng ngừa tội phạm, bạo lực học đường

Bắc Giang thành lập Ban chỉ đạo phòng ngừa tội phạm, bạo lực học đường

6 tháng trước

Sở GD&ĐT Bắc Giang vừa có văn bản gửi Phòng GD&ĐT cùng các đơn vị trực thuộc về việc chấn chỉnh tình trạng học sinh vi phạm pháp luật trên địa bàn. Sở GD&ĐT yêu cầu 100% các đơn...
Mọi trẻ em đều được tạo điều kiện để phát triển toàn diện

Mọi trẻ em đều được tạo điều kiện để phát triển toàn diện

6 tháng trước

Mất cân bằng giới tính khi sinh trở thành thách thức lớn trong phát triển dân số của Việt Nam những năm gần đây. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tác động tiêu cực đến hôn...
435 học sinh, sinh viên Trà Vinh vượt khó, hiếu học được nhận học bổng

435 học sinh, sinh viên Trà Vinh vượt khó, hiếu học được nhận học bổng

6 tháng trước

Ngày 11/10, Hội Khuyến học tỉnh Trà Vinh phối hợp Hội đồng quản lý Quỹ Từ Thiện - Trí tuệ và Trường Đại học Trà Vinh tổ chức trao học bổng năm học 2023-2024.