THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 05:40

Sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi – Vấn đề cần được quan tâm

03/11/2020 | 17:33

Người cao tuổi là nguồn lực quý báu của quốc gia

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội cho biết, Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn của quá trình già hóa dân số. Theo số liệu của cuộc Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tính đến năm 2019, cả nước có gần 12,22 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm  khoảng 12,7%  dân số. Trong đó, tỉ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên tăng nhanh nhất (chiếm 7,7%) với gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,75% tổng số NCT).

TS.Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội phát biểu tại Hội thảo

Thực tế có rất nhiều người còn sức khỏe, nhất là từ tuổi 60 đến 75, họ vẫn muốn tiếp tục cống hiến, vẫn muốn được tạo điều kiện nhưng chưa được đáp ứng. Vì vậy, NCT không chỉ là vấn đề cần giải quyết mà còn là cơ hội, nguồn lực cho sự phát triển, cần quan tâm tạo cơ chế, chính sách để thu hút, khai thác một cách hiệu quả.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tổ chức và triển khai thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT, thì vấn đề quan trọng là cần tạo điều kiện cho lao động trong khả năng, để vừa tạo ra thu nhập cho bản thân, vừa góp phần giảm tác động bất lợi đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội do sự biến động của cơ cấu dân số gây ra. Vì vậy, khi bước vào giai đoạn già hóa dân số thì việc sử dụng người lao động cao tuổi là rất cần thiết.



TS. Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề CTXH Việt Nam phát biểu

Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề CTXH Việt Nam cho biết: Kết quả nghiên cứu vào tháng 6-8 năm 2020 tại 3 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An và Hải Dương cho thấy, khoảng 40-45% NCT tham gia hoạt động kinh tế, trong đó có khoảng 3-4% là chủ các doanh nghiệp, các trang trại trồng trọt, chăn nuôi, đã và đang tạo ra hàng triệu chỗ làm việc cho người lao động ở khắp vùng miền trong cả nước. Bên cạnh đó, còn hàng vạn NCT tham gia hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Còn theo TS. Nguyễn Lê Minh, chuyên gia cao cấp về lao động – việc làm, cả nước hiện có gần 400.000 NCT làm kinh tế giỏi. NCT là một nguồn lực quý báu của quốc gia, có lợi thế về kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm nghề nghiệp, có nhiều mối quan hệ trong xã hội. Đặc biệt với đội ngũ trí thức là NCT, với trình độ học vấn và chuyên mộn đã tích lũy nhiều năm, họ vẫn muốn tiếp tục làm việc và cống hiến cho sự phát triển của đất nước. “Sẽ là một thiếu sót – nếu không nói là một thiệt thòi và lãng phí rất lớn – nếu chúng ta để NCT đứng bên lề của quá trình khởi nghiệp quốc gia” – TS Nguyễn Lê Minh khẳng định.

TS. Nguyễn Lê Minh, chuyên gia cao cấp về lao động – việc làm tham luận về vấn đề khởi nghiệp của người cao tuổi

Một số thách thức trong tạo sinh kế, việc làm cho NCT và kiến nghị về chính sách

Chia sẻ tại Diễn đàn, ThS.Trương Thị Ly – Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Công đoàn cho biết: Việc đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân nói chung và NCT nói riêng vẫn còn nhiều thách thức như: Rào cản về quan niệm việc làm với NCT; số lượng NCT ngày càng tăng nhanh, trình độ NCT có nhiều hạn chế; sự suy giảm về sức khỏe và gia tăng bệnh tật, già hóa NCT; nữ hóa dân số cao tuổi và chính sách việc làm với NCT…, làm cho nhiều NCT không tiếp cận được với các chương trình đảm bảo sinh kế có chất lượng.

Tại Việt Nam, tuy Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm đảm bảo chất lượng sống của NCT nhưng một trong những vấn đề chính mà NCT đang gặp phải là an ninh tài chính. Năm 2016, có 5,72%  NCT sống ở mức nghèo đói nghiêm trọng, tức là dưới một nửa thu nhập chuẩn nghèo và 35,91% NCT sống ở mức nghèo. Chính vì thế, có những lao động cao tuổi tiếp tục làm việc xuất phát từ nhu cầu tăng thêm thu nhập phục vụ cho cuộc sống.

Toàn cảnh Diễn đàn

Để tạo sinh kế và khởi nghiệp cho NCT một cách hiệu quả, chủ động thích ứng với già hóa dân số, các chuyên gia tại Diễn đàn đã kiến nghị nhiều giải pháp quan trọng. Theo TS. Nguyễn Hải Hữu, chính sách hỗ trợ sinh kế là tiền đề quan trọng giúp NCT tự bảo đảm thu nhập, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của con cháu và bảo đảm thực hiện quyền sống độc lập cũng như các quyền khác của NCT. Do vậy, Nhà nước cần có định hướng và lộ trình xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ sinh kế cho NCT phù hợp với bối cảnh kinh tế- xã hội của đất nước và tình hình thực tế của NCT, trong đó có các chính sách cụ thể như: Chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản; chính sách miễn giảm phí học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với tình thực tế của địa phương nơi NCT cư trú; chính sách miễn giảm phí tham gia các khóa học về khuyến nông- khuyên lâm- khuyến ngư để nâng cao nhận thức- kỹ năng sản xuất kinh doanh phù hợp với tình thực tế của địa phương nơi NCT cư trú; chính sách miễn giảm phí chuyển giao công nghệ, khuyến khích hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất- kinh doanh; chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thông qua việc quảng bá, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩn xanh – sạch - an toàn; chính sách bảo hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trong trường hợp họ gặp rủi ro, đặc biệt là rủi ro do thiên tai, dịch bệnh thông qua chính sách trợ cấp bù đắp thiệt hại; chính sách ưu tiên trong giao đất sản xuất nông nghiệp ở những địa điểm thuận lợi, dễ tiếp cận…

TS. Nguyễn Ngọc Toản – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội

TS. Nguyễn Ngọc Toản – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho rằng: Để NCT được tham gia thị trường lao động, cần tính đến các yếu tố về văn hóa, xã hội. Do vậy, cần có hệ thống chính sách trợ giúp NCT, hướng tới hỗ trợ trực tiếp, cung cấp việc làm cho NCT. Cùng với đó, cần đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội về việc làm cho NCT; rà soát, nghiên cứu các vấn đề an sinh xã hội đối với NCT; hỗ trợ chính sách như vay vốn, đào tạo, kỹ năng mềm; hỗ trợ NCT tìm kiếm việc làm cũng như hoàn thiện pháp luật có liên quan.

Thùy Hương/Tạp chí Gia đình và Trẻ em

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...