THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 05 NĂM 2024 12:41

Sinh nở tại nhà, không cắt rốn cho trẻ sơ sinh: Nguy hiểm tính mạng cả mẹ và con

25/03/2018 | 15:59
Thông tin chia sẻ của một bà mẹ ở Hưng Yên tự sinh con tại nhà mà không có sự hỗ trợ của cán bộ y tế vừa được lan truyền nhanh trên mạng xã hội. Đáng nói, có nhiều ý kiến thể hiện sự ủng hộ, đồng tình cho việc làm này khiến Bộ Y tế đã phải ngay lập tức đưa ra khuyến cáo về những tai biến bất ngờ có thể xảy ra trong quá trình sinh con tại nhà, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của sản phụ và trẻ sơ sinh.                             
 

Được sinh tại bệnh viện, trẻ sơ sinh có điều kiện chăm sóc tốt. (ảnh minh họa)
 
Thông tin được đăng tải trên mạng xã hội facebook của một người có nickname là A.M. “Mẹ cháu ăn chay, tự sinh con ở nhà, tự đỡ đẻ, không chích ngừa, không cắt rốn, da kề da liên tục sau 4h sinh và bạn ấy đã tự tìm ti mẹ sau 30 phút. Ngày thứ 6 bạn ấy đã rụng rốn và bà tắm bé nói là rốn rất đẹp. Thế này có đạt thai sản thuận tự nhiên không ạ?”.
 
Cùng với những dòng cảm xúc của mình là hình ảnh cháu bé sơ sinh không cắt dây rốn. Nhau thai được để trong một cái chậu. Đây là phương pháp sinh nở mới xuất hiện vài năm gần đây tại các nước phương Tây và có tên là phương pháp liên sinh. Mặc dù chưa xác định được là bà mẹ và cháu bé sơ sinh cụ thể nào nhưng thông tin này đã được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội với nhiều ý kiến trái chiều khác nhau. Một số cá nhân đồng tình, ủng hộ với lý do, dẫn chứng được đưa ra để biện hộ là phương pháp sinh con tại nhà này đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, em bé gắn kết với nhau thai càng lâu thì càng có lợi và gắn kết chặt chẽ giữa mẹ và con. Trong khi rất nhiều người khác lại bất ngờ và giật mình trước việc làm nguy hiểm này bởi ai cũng biết, sinh nở là việc hệ trọng của người phụ nữ, bắt buộc phải được thực hiện tại cơ sở y tế chuyên khoa và có sự trợ giúp của cả ê kíp gồm bác sỹ và các y tá.
 
Tiếp nhận thông tin này, các BS sản khoa đã thể hiện sự ngạc nhiên, phản đối và lên tiếng cảnh báo về những nguy hiểm tiềm ẩn của phương pháp sinh nở thiếu cơ sở khoa học. BS Mai Trọng Hưng – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khẳng định: trường hợp thai phụ ở Hưng Yên sinh con thành công tại nhà không có nghĩa đó là phương pháp tốt, mà đúng hơn là sự may mắn. Tôi chưa đọc được báo cáo nào liên quan đến chuyên môn hoặc hội thảo nào khuyến khích sinh con ở nhà hay phương pháp khác mà thiếu sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Tổ chức Y tế thế giới không khuyến khích việc làm này. Trước đây, tỷ lệ chu sinh (tử vong) của mẹ và con cao nên mới có câu nói rằng “chửa cửa mả”.
 
Nguyên nhân là do trong quá trình sinh con, các vấn đề về nước ối, dây nhau… có thể có diễn biến bất thường dẫn đến những tai biến y khoa mà sản phụ phải đối mặt như: sa dây rốn tự nhiên, tắc mạch ối, ối vỡ sau khi cạn có thể bóp chặt em bé, bé sẽ không thở được, nhiễm trùng… Bên cạnh đó, sau sinh sản phụ có thể bị băng huyết, mất máu rất nhiều. Với những tai biến trên, chỉ có tại cơ sở y tế mới có thể cấp cứu kịp thời, xử trí nhanh chóng và có các trang bị thiết bị hỗ trợ để giữ an toàn cho tính mạng bà mẹ và trẻ sơ sinh. Còn sinh nở tại nhà, không có trang thiết bị, đội ngũ bác sỹ, y tá bên cạnh để hỗ trợ thì trở tay không kịp, nếu đưa đến BV cũng đã muộn. Ngoài ra, việc không cắt dây rốn, giữ lại nhau thai một thời gian sau khi sinh để dây rốn tự dụng dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng máu, rất nguy hiểm do các loại vi khuẩn lây truyền từ nhau thai qua dây rốn (trong dây rốn có các mạch máu).
 
Vụ việc đáng tiếc ngay sau đó tại tỉnh Lào Cai là minh chứng cho những khuyến cáo của chuyên gia y tế về biến chứng nguy hiểm của việc sinh nở tại nhà. Một sản phụ tại Lào Cai đã tự ý sinh con tại nhà với sự trợ giúp của mẹ chồng. Tuy nhiên, do không có kiến thức y khoa, kỹ năng đỡ đẻ, sản phụ chuyển dạ khó, mẹ chồng đã lấy dao rạch tầng sinh môn cho con dâu để cháu bé chào đời sớm hơn nhưng không thành công. Lúc này, gia đình mới vội vàng đưa sản phụ đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi đỡ đẻ thành công, các bác sĩ phát hiện vùng đỉnh đầu cháu bé có nhiều vết xây xát da, đặc biệt có một vết thương dài 7cm, rộng 4cm. Nhờ được sự trợ giúp kịp thời của các bác sỹ mà hai mẹ con mới giữ được tính mạng. Vì vậy, khi có bầu và sinh nở, sản phụ cần theo dõi, thực hiện theo đúng chỉ định của bác sỹ sản khoa tại cơ sở y tế chuyên khoa.

Theo PV/baophunuthudo.vn

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

6 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.