THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 01:14

Sự cần thiết phải thay đổi các chính sách PCMD trong giai đoạn hiện nay

08/11/2019 | 15:40
 
Sau 16 năm thực hiện Pháp lệnh PCMD (năm 2003) và gần 20 năm thực hiện các Chương trình hành động PCMD các giai đoạn: 2001-2005, 2006-2010, 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020, tệ nạn mại dâm ở nước ta đã được kiềm chế về tốc độ và phạm vi; số tụ điểm mại dâm công cộng giảm mạnh, nhiều địa phương đã xóa bỏ hoàn toàn được tình trạng mại dâm đứng đường, chào mời khách nơi công cộng; giảm số cơ sở kinh doanh dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ, vũ trường, cơ sở karaoke...), giảm hoạt động mại dâm trá hình dưới mọi hình thức; ngăn chặn, giảm số đối tượng tham gia hoạt động mại dâm, đặc biệt là mại dâm trẻ em, người chưa thành niên. Các lĩnh vực công tác về phòng ngừa như tuyên truyền giáo dục, quản lý địa bàn, cơ sở kinh doanh dịch vụ; Can thiệp, giảm tác hại, hỗ trợ phụ nữ mại dâm tái hòa nhập cộng đồng và đấu tranh xử lý vi phạm đã được các bộ, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện, đạt được nhiều kết quả. Công tác xây dựng xã, phường lành mạnh, không có tệ nạn ma túy, mại dâm được triển khai một cách đồng bộ, có hiệu quả. Quá trình thực hiện luôn gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nên nhiều địa phương đã có chuyển biến mạnh mẽ, giữ vững địa bàn không phát sinh tệ nạn mại dâm, giảm đáng kể số xã, phường trọng điểm về tệ nạn ma túy, mại dâm. 
 
Tuy nhiên, kết quả công tác phòng, chống mại dâm chưa vững chắc, còn rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với công tác PCMD trong tình hình hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường và giao lưu, mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với khu vực và trên thế giới. Tệ nạn mại dâm, các tội phạm liên quan đến mại dâm như chứa mại dâm, môi giới mại dâm, mua dâm người chưa thành niên, đặc biệt là hành vi mua bán người vì mục đích mại dâm gây ra nhiều vấn đề phức tạp về kinh tế, xã hội, sức khỏe cộng đồng, gây bức xúc dư luận. 


Tập huấn hướng dẫn triển khai mô hình thí điểm giảm tác hại về. HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực giới trên cơ sở giới trong PCMD.
 
Các khó khăn, thách thức trên là do khuôn khổ pháp lý về PCMD của nước ta hiện nay đã bộc lộ những điểm không phù hợp với thực tiễn; Pháp lệnh PCMD sau 16 năm thi hành cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế và đòi hỏi phải sớm khắc phục với việc sửa đổi, bổ sung, đặc biệt cho phù hợp, đồng bộ và thống nhất hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013. Một số quy định của Pháp lệnh PCMD hiện hành tỏ ra không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh PCMD nói riêng và phòng chống tội phạm nói chung trong điều kiện mới, nhất là các quy định liên quan đến người bán dâm. Bên cạnh đó, Pháp lệnh PCMD được thông qua và ban hành trong bối cảnh Việt Nam mới bắt đầu đẩy mạnh việc thực hiện công cuộc đổi mới cũng như xúc tiến thực hiện hội nhập quốc tế và khu vực ASEAN, đồng thời chuẩn bị gia nhập nhiều hơn những điều ước quốc tế về quyền con người, trong khi hệ thống pháp luật quốc gia lại chưa có cơ sở pháp lý thật sự đầy đủ, thuận lợi cho việc thực hiện các nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết với tư cách là quốc gia thành viên trong những điều ước quốc tế đã tham gia như Công ước về xóa bỏ tất cả những hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW), Công ước về quyền trẻ em (CRC), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội (ICSCR), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước Liên hợp quốc về phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC), Nghị định thư về phòng chống buôn bán người, đặc biệt phụ nữ và trẻ em (TIPP).
 
Một bất cập khác hiện nay là Pháp lệnh PCMD cũng như các văn bản liên quan khác không quy định biện pháp cụ thể nào về đối xử bình đẳng đối với phụ nữ bán dâm liên quan đến việc được bảo vệ trong những vụ án hiếp dâm và cưỡng bức tình dục khác mà họ rất dễ bị tổn thương trong khi hoạt động mại dâm. Trên thực tế khi xử lý các vụ án liên quan đến mua bán người hoặc tổ chức mại dâm, nhiều người bán dâm là nạn nhân của nạn mua bán người, bóc lột tình dục song lại bị đối xử như đã vi phạm pháp luật và phải bị tước quyền tự do trong một thời gian nhất định tại các cơ sở chữa bệnh bắt buộc trước đây. Mặt khác, những người bị áp dụng biện pháp này còn bao gồm người bán dâm từ đủ 16 tuổi trở lên, đến dưới 18 tuổi mà theo quy định của Công ước về quyền trẻ em và Nghị định thư không bắt buộc về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em bổ sung Công ước về quyền trẻ em là không bị coi là đối tượng vi phạm pháp luật mà là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, cần có sự bảo vệ đặc biệt của xã hội, phải được đối xử như nạn nhân và không bị áp dụng bất cứ hình thức xử phạt nào.
 
 

Lấy phòng ngừa là chính trong xây dựng chính sách PCMD. Ảnh CTV
 
Từ các vấn đề trên, yêu cầu xây dựng Luật Phòng, chống mại dâm là hết sức cần thiết, làm cơ sở cho việc thực hiện các biện pháp, giải pháp về PCMD cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện tốt các chính sách về bảo trợ xã hội; đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đặc biệt trong các lĩnh vực liên quan như PCMD, phòng, chống mua bán người, phòng, chống ma túy và phòng, chống HIV/AIDS.
 
Luật cần xác định rõ những nguyên tắc cơ bản của việc PCMD. Việc ghi nhận các nguyên tắc cơ bản này là rất cần thiết vì đây là những tư tưởng chính trị - pháp lý quan trọng chỉ đạo toàn bộ hoạt động PCMD, đồng thời làm cơ sở cho việc quy định cụ thể các nội dung hoạt động PCMD trong toàn bộ dự thảo. 
 
Vì thế, dự thảo Luật cần ghi nhận một số nguyên tắc cơ bản dựa trên năm tiêu chí: 
 
Thứ nhất, lấy phòng ngừa là chính, kết hợp thông tin, giáo dục, truyền thông, tư vấn về PCMD với quản lý an ninh, trật tự và kiểm soát các hoạt động dễ bị lợi dụng để mại dâm. 
 
Thứ hai, mọi hành vi tội phạm liên quan đến mại dâm đều phải được ngăn chặn, phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời và chính xác theo quy định của pháp luật. 
 
Thứ ba, kết hợp sức mạnh của các cơ quan, tổ chức với sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong đấu tranh PCMD.
 
Thứ tư, PCMD phải tôn trọng các quyền, lợi ích hợp pháp và không bị kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bán dâm. 
 
Với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Nhà nước cũng như sự vào cuộc của các Bộ, ngành và địa phương, mục tiêu thời gian tới từng bước nâng cao hiệu quả công tác PCMD, quá trình xây dựng, đề xuất dự án Luật PCMD sẽ gấp rút được thực hiện để sớm trình lên Chính phủ, để báo cáo Quốc hội.
 
 

Phạm Ngọc Dũng (Phó Trưởng phòng Chính sách PCMD Cục Phòng chống tệ nạn xã hội)/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.