THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 02:22

Sự thờ ơ với các hành vi quấy rối tình dục cần phải chấm dứt

15/05/2018 | 16:17
 
Những chia sẻ này nhận được nhiều sự ủng hộ của dư luận, cộng đồng. Tuy vậy, cũng có không ít phản hồi trái chiều với những câu chuyện này, trong đó có cả những lời gièm pha, đổ lỗi dành cho nạn nhân. 
 
Trước thực trạng đó, chiều 27/4, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) đã tổ chức tọa đàm #Metoo, and you?” - phong trào vì nạn nhân quấy rối tình dục ở Việt Nam. 

 
Hãy lên tiếng khi bị QRTD. Ảnh Internet
 
Văn hóa im lặng tạo điều kiện cho nhiều người trở thành thủ phạm mà không bị trừng phạt
 
PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, Giảng viên Trường ĐH Ngoại thương cho rằng, hầu hết nam giới đều có biểu hiện QRTD, nhưng họ thực hiện điều đó một cách “vô tư”, tưởng rằng mình chỉ đang đùa vui. Thậm chí, có một số người cho là mình đang thể hiện một sự tử tế với phụ nữ.
 
PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh lấy ví dụ: Khi tôi đến cơ quan và có người nhìn tôi nói: Em ơi, vòng 1 của em không thua gì tranh nọ tranh kia… Lúc đó, họ không có ý định gì với tôi. Người ta có vợ con tử tế, và tưởng câu nói đó làm tôi vui, nhưng thực sự tôi rất khó chịu. Có điều, tôi không làm sao phản ứng được, bởi người đó hơn tuổi tôi, tôi lại là người mới và hơn nữa, tất cả mọi người cho rằng đó chỉ là một lời đùa bình thường. Hoặc trong những hoàn cảnh có chút bia rượu, liên hoan, nam giới xông ra khoác vai, cầm tay nói “Hôm nay em trông xinh quá nhỉ” mà không hề nghĩ rằng mình khó chịu. Nếu lúc ấy mình quát: “Anh có bỏ tay ra không” thì sau đó, mình sẽ mang tiếng là người phụ nữ dở hơi, khó khăn, và rồi sẽ “không ai thèm ngó đến nữa”, bà Hoàng Ánh chia sẻ. 
 
Khi bị quấy rối, phụ nữ sẽ làm gì? Chắc hẳn rất ít người dám lên tiếng tố cáo, hay phản ứng lại dữ dội. Đa phần sẽ cảm thấy khó chịu, hoang mang, và theo bản năng, đi tìm những người đáng tin cậy để than thở, tâm sự. Những người tốt bụng sẽ khuyên: “Em ơi, những chuyện này nhiều lắm, nên cẩn thận thì hơn, con gái thì phải biết giữ lấy thân”. Nếu gặp những người không thiện chí lắm thì người ta nói rằng: “Ai bảo mày ăn mặc thế này thế kia, ai bảo mày đến gặp người ta khi chỉ có một mình, con gái mà dại thì ráng mà chịu đi…”. Sau đó, có thể sẽ nhiều lời bàn tán sau lưng: “Cứ tưởng báu lắm à, làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu. Đến lúc không đứa nào nó trêu nữa lại chả lăn ra mà khóc”. 
 
Dần dần, những câu chuyện QRTD bị rơi vào im lặng, những câu chuyện chưa từng được đưa ra ánh sáng, những kẻ quấy rối không bao giờ bị đưa ra công lý. Sự im lặng bao trùm ấy đã bảo vệ những kẻ lạm dụng tình dục. Văn hóa im lặng tạo điều kiện cho nhiều người trở thành thủ phạm mà không bị trừng phạt. 
 

Phong trào #Metoo đã phát triển rộng khắp trên toàn thế giới. Ảnh Internet
 
Cần có bộ quy tắc ứng xử rõ ràng
 
Theo bà Phumzile Mlambo-Ngcuka Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Tổng Giám đốc Điều hành UN Women: Các hành vi QRTD và các hình thức quấy rối khác tại nơi làm việc, trong gia đình và nơi công cộng là không thể chấp nhận được và không thể bị lờ đi. Sự dửng dưng, thờ ơ và việc mọi người nói "không có gì" đối với các hành vi quấy rối và tấn công tình dục cần phải chấm dứt. 
 
Ủng hộ phong trào #Metoo, bà Phumzile Mlambo-Ngcuka cho biết, đây chính là lúc cả phụ nữ và nam giới cần thay đổi phản ứng của họ đối với các hành vi tấn công tình dục và cùng đoàn kết hành động để các hành vi đó trở nên rõ ràng và không thể dung thứ. Bà nhấn mạnh: “Tất cả phụ nữ cần được trao quyền để lên tiếng, quyền và cơ thể của họ phải được tôn trọng, những hành vi được thiết lập và được coi là bình thường phải bị định tội. Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng miễn truy cứu trách nhiệm của thủ phạm thêm nữa!”. 
 
Tại Việt Nam, thời gian qua, phong trào #Metoo được chia rẻ rầm rộ trên mạng xã hội, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh hy vọng sẽ có thêm nhiều người nói ra câu chuyện của mình, để góp phần đẩy lùi nạn QRTD, trả lại môi trường làm việc, học tập trong lành cho tất cả mọi người, đặc biệt là nữ giới.
 
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty Luật Fanci, pháp luật Việt Nam hiện đang bỏ trống, chưa có quy định cụ thể về QRTD. Trong khi đó, QRTD đang làm giảm năng suất lao động, ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em, kéo xã hội tụt lùi. 
 
Cho nên, theo các đại biểu tại Tọa đàm, cần phải có một bộ quy tắc ứng xử rõ ràng như: Không động chạm thân thể, không được kể những câu chuyện mang ngụ ý nọ kia, không lợi dụng công việc để mời người ta vào những hoạt động mà người ta không thích. Nam giới cần được hiểu hành vi nào là quấy rối, hành vi nào là không. Bên cạnh đó, cần phải có một sự lắng nghe với những lời phàn nàn. Trách nhiệm của cơ quan cũng cần được đưa vào bộ quy tắc ứng xử này, vì cơ quan mới tạo ra môi trường làm việc, nội quy, quy định và các chế tài.
 
Tại buổi tọa đàm, bà Hoàng Thị Thu Huyền - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH) cho biết, định nghĩa về QRTD như thế nào lần đầu tiên được đề cập trong Bộ luật Lao động năm 2012. Tuy nhiến, đến thời điểm này, định nghĩa đó cần phải nhận diện rõ ràng hơn. Bộ LĐTBXH đã tiếp thu vấn đề về QRTD. Thời gian tới, Bộ sẽ bàn bạc với cơ quan liên quan để đưa vấn đề QRTD vào Bộ luật Lao động, góp phần xây dựng môi trường lao động trong sạch, an toàn cho người lao động, nhất là lao động nữ trong tất cả các ngành nghề.
 

 

Châu Anh/GĐTE

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành 'nghĩa địa cho trẻ em'

Tổng thư ký Liên hợp quốc: Dải Gaza đang trở thành "nghĩa địa cho trẻ em"

5 tháng trước

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 6/11 cho biết việc bảo vệ dân thường "phải là điều tối quan trọng" trong cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine, đồng...