CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 06:04

Tại sao con tôi ăn hoài không lớn?

24/05/2018 | 16:53
 
Triệu chứng và nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ
 

Trẻ ăn nhiều mà vẫn còi do bị mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Ảnh: Internet
 
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ là những biểu hiện bất thường ở đường tiêu hóa với các triệu chứng như: trẻ bị chướng bụng, đầy hơi, không chịu ăn hoặc ăn vào lại nôn ra, đi ngoài phân sống, phân có màu và mùi bất thường, trẻ đi ngoài hơn 3 lần/ngày, phân lỏng… Thậm chí, trẻ bị táo bón, nôn oẹ cũng được gọi là rối loạn tiêu hóa. Từ 4 - 36 tháng là độ tuổi trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa nhiều nhất. 
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ bị rối loạn tiêu hóa: Trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm, chế độ ăn chưa phù hợp và không đảm bảo vệ sinh từ khâu lựa chọn thực phẩm cho đến khâu chế biến; trẻ ăn dặm quá sớm từ 3 tháng trở đi do mẹ thiếu sữa, trong khi các bác sĩ khuyên các bà mẹ nên cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu; trẻ tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều hơn (bò, lê la), trẻ phải uống thuốc kháng sinh… Trong đó, trẻ bước vào độ tuổi ăn dặm là nguyên nhân chủ yếu nhất, vì khi còn trong bụng mẹ, trẻ được sống trong môi trường vô trùng, được bảo vệ cẩn thận. Khi bắt đầu ăn dặm, ngoài nguồn thức ăn chính ở dạng lỏng là sữa mẹ hoặc sữa công thức, trẻ được cho ăn bổ sung thêm nhiều dưỡng chất. Ở giai đoạn này, hệ vi sinh của trẻ chưa hoàn chỉnh nên dễ dẫn đến tình trạng suy giảm chức năng tiêu hóa, thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn (phân sống, rối loạn hấp thu dinh dưỡng…) tạo cơ hội cho một số loại vi khuẩn gây bệnh nguy hiểm (tả, lỵ…) phát triển. Đây là nguyên nhân dẫn đến bệnh rối loạn tiêu hóa mà rất nhiều trẻ em mắc phải. 
 
Khi tình trạng rối loạn tiêu hóa tiếp diễn hết ngày này qua ngày khác thì chẳng bao lâu trẻ sẽ bị suy sụp, rất khó trở lại trạng thái khỏe mạnh lúc đầu. Ngoài ra, khi trẻ đã suy dinh dưỡng sẽ lại càng dễ bị rối loạn tiêu hóa hơn, trẻ càng biếng ăn hơn. Từ đó, tình trạng suy dinh dưỡng sẽ ngày càng trầm trọng, là nguyên nhân của không ít nỗi buồn phiền cho các gia đình.
 
Hướng điều trị
 
Có nhiều bà mẹ băn khoăn tại sao rất cẩn thận trong việc chăm sóc con, cho con ăn đúng độ tuổi và chế độ dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng, nhưng con mình vẫn bị rối loạn tiêu hóa, dẫn đến bị suy dinh dưỡng? Bác sĩ Lê Thị Hải - Giám đốc Trung tâm Khám - Tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) nhận định: Như đã giải thích một phần ở trên, có thể do hệ miễn dịch của trẻ bị suy giảm. Khi ra đời, hệ miễn dịch của trẻ còn rất non yếu, các vi khuẩn dễ dàng thâm nhập. Đối với trẻ ở độ tuổi này, hệ vi sinh đóng một vai trò rất quan trọng ở đường tiêu hóa, đặc biệt là ở đại tràng. Trong môi trường hoạt động của đại tràng, các vi khuẩn có ích, có khả năng lấn áp, đè bẹp và tiêu diệt rất nhiều loại vi trùng gây bệnh. Khi cân bằng hệ vi sinh đường ruột bị phá vỡ, cần bổ sung men vi sinh từ bên ngoài, nhằm thiết lập lại sự cân bằng hệ vi sinh, cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy và tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng cho cơ thể.
 
Bác sĩ Lê Thị Hải cho biết thêm: Men vi sinh là một số loại vi khuẩn có ích đối với cơ thể con người. Bình thường, những vi khuẩn này sống trong ruột, còn được gọi là vi khuẩn chí đường ruột (cân bằng vi khuẩn thường trú trong ruột cả về thành phần lẫn số lượng), có tác dụng cạnh tranh, không cho những vi khuẩn gây bệnh phát triển. Đồng thời, những vi khuẩn này có nhiệm vụ biến đổi chất xơ thực phẩm, thức ăn chưa tiêu hóa hết ở ruột non thành acid lactic, acetic, butyric, hàng loạt vitamin, acid amin, men, hormon và các chất dinh duỡng quan trọng khác. Nó cũng sinh ra các khí như NH3, CO2, H2S… Quá trình biến đổi đó gọi chung là quá trình lên men, mà nhờ nó, thức ăn được tiêu hóa hoàn toàn, trẻ sẽ không còn các triệu chứng liên quan đến rối loạn tiêu hóa nữa.
 

Trẻ cần được bổ sung các men vi sinh có ích cho hệ tiêu hóa, giúp hấp thu thức ăn tốt hơn và ăn ngon miệng. Ảnh: Internet
 
Cách phòng tránh
 
Để phòng tránh cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa, chuyên gia dinh dưỡng Lê Thị Hải lưu ý: 
 
- Cần có chế độ ăn phù hợp theo độ tuổi và ăn đúng chế độ ăn của trẻ để đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, hợp lý, phù hợp với mỗi thời kỳ phát triển của trẻ. 
 
- Khi bước vào giai đoạn ăn dặm, cần tập cho trẻ quen dần với thực phẩm mới.
 
- Đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo vệ sinh trong khi chế biến thức ăn cho trẻ.
 
- Đảm bảo tiêm phòng đầy đủ cho trẻ, để trẻ không mắc các bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn đường tiêu hóa.
 
- Ngoài ra, khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, nên kết hợp bổ sung các men vi sinh cho hệ tiêu hóa của trẻ theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng hoặc chỉ dẫn của bác sĩ, giúp trẻ tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn, ham ăn, chóng đói và ăn ngon miệng.
 
 Khi cân bằng hệ vi sinh đường ruột bị phá vỡ, cần bổ sung men vi sinh từ bên ngoài nhằm thiết lập lại sự cân bằng hệ vi sinh, cải thiện tình trạng rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy và tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng cho cơ thể.
 
 

Minh Anh/GĐTE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.