THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 08:04

Tầm quan trọng của chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng giai đoạn 1000 ngày đầu đời

27/11/2020 | 08:52
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, suy dinh dưỡng trong giai đoạn phát triển quan trọng của con người – trước và trong quá trình mang thai và trong hai năm đầu đời của trẻ đã “lập trình” cho khả năng của mỗi cá nhân trong việc điều tiết tăng trưởng và ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Do đó, suy dinh dưỡng đầu đời có thể dẫn đến những tổn thương không thể phục hồi được với sức phát triển của não, hệ miễn dịch và tăng trưởng thể lực. Trẻ có não kém phát triển ở những năm đầu đời sẽ có nguy cơ về các bệnh của hệ thần kinh sau này, kết quả học tập kém hơn, bỏ học sớm hơn, kỹ năng làm việc kém, chăm sóc con cái kém, và góp phần tạo nên sự chuyển giao nghèo đói từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trẻ cũng có thể bị suy dinh dưỡng trong những năm đầu đời do bệnh tật, do thiếu sữa mẹ hoặc các thực phẩm bổ sung giàu dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ, khiến trẻ có nguy cơ tử vong cao từ những bệnh thường gặp như viêm phổi, tiêu chảy hay sốt rét.
 
Bà mẹ thiếu dinh dưỡng ở đầu thai kỳ thì trẻ sơ sinh có trọng lượng bình thường lúc sinh nhưng có nguy cơ béo phì và bệnh mạch vành khi lớn lên. Bà mẹ thiếu dinh dưỡng cuối thai kỳ thì trẻ sơ sinh có nguy cơ sinh ra nhẹ cân, khi lớn lên có nguy cơ béo phì và đái tháo đường type 2. Trẻ thiếu dinh dưỡng ở giai đoạn sớm sau khi sinh thì sẽ giảm tăng trưởng tạm thời, nếu trẻ bắt kịp tăng trưởng thì sẽ có nguy cơ tăng huyết áp và đái tháo đường type 2 khi trưởng thành. Dinh dưỡng kết hợp với các yếu tố môi trường khác (thể dục, thuốc, nhiệt độ, áp lực…) ảnh hưởng đến 80% tình trạng sức khỏe trọn đời, yếu tố di truyền chỉ ảnh hưởng tối đa 20%.
Kiểm tra sức khỏe và khám dinh dưỡng cho trẻ nhỏ giai đoạn 1000 ngày đầu đời rất quan trọng. 
 
Những ảnh hưởng do suy dinh dưỡng tạo nên một gánh nặng to lớn về kinh tế cho các quốc gia, tiêu phí hàng tỷ đô la do việc giảm năng suất lao động và các chi phí y tế không tránh được. Trẻ bị suy giảm phát triển về thể lực và trí lực do suy dinh dưỡng khi lớn lên đi làm thường có mức thu nhập bình quân thấp hơn. Một số nghiên cứu cho thấy, mức thu nhập trung bình bị giảm sút đến 20% do thấp còi so với tiềm năng có thể đạt được. Ảnh hưởng của suy dinh dưỡng ở các nước đang phát triển dẫn đến GDP hàng năm bị mất đi 2 – 3%. Trên toàn cầu, mất mát trực tiếp về kinh tế do suy dinh dưỡng ước tính lên đến 20 - 30 tỷ đô la/năm, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế thế giới. Ngược lại, những đứa trẻ được nuôi dưỡng tốt thì có kết quả học tập tốt hơn và khi lớn lên sẽ có thu nhập cao hơn. Bằng chứng gần đây cho thấy, các can thiệp về dinh dưỡng có thể cải thiện được thu nhập ở người trưởng thành lên tới 46%. 
 
Từ những dẫn chứng nêu trên, có thể thấy, giải quyết tình trạng thiếu dinh dưỡng đặc biệt trong 1000 ngày vàng là ưu tiên hàng đầu nhằm giảm gánh nặng bệnh tật toàn cầu và tăng trưởng phát triển kinh tế cho các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp. Chiến lược dinh dưỡng trong 1000 ngày vàng cần tập trung vào các can thiệp được chứng minh là có hiệu quả, khả thi, có thể triển khai trên diện rộng và có chi phí hiệu quả cao, đó là: Cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ có thai, bao gồm bổ sung sắt/ axit folic (đa vi chất); Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ; Cải thiện thực hành bổ sung; Cải thiện tình trạng vi chất của trẻ (đặc biệt là vitamin A và kẽm); Nước sạch, vệ sinh cá nhân và điều kiện vệ sinh…
 
Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”
 
Ngày 25/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam” với mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em dưới 2 tuổi, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam. 
 
Cụ thể, về cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ có thai và trẻ em, đến năm 2025, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 20%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 11%, riêng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dưới 15%; tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 gram) dưới 8%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai dưới 23%, riêng ở vùng miền núi dưới 25,5%; Đến năm 2030: tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 19%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 10,5%; tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2.500 gram) dưới 7%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai xuống dưới 20%, riêng ở vùng miền núi dưới 23,5%.
Các bà mẹ nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu đời để đảm bảo dinh dưỡng và phát triển toàn diện. 

 Về nâng cao tỷ lệ thực hành chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời cho người chăm sóc trẻ, đến năm 2025, 80% bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm và 25% bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; 60% bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn; 70% bà mẹ cho trẻ từ 6-24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách; Đến năm 2030, 85% bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm và 30% bà mẹ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; 70% bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi trẻ được 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn; 80% bà mẹ cho trẻ từ 6-24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách.

Hiện tại, Chương trình đã và đang được triển khai trên khắp cả nước.

Suy dinh dưỡng có thể giảm nhờ các can thiệp đơn giản tác động vào những giai đoạn quan trọng của vòng đời – với bà mẹ khi mang thai và khi cho con bú, với trẻ trong giai đoạn sơ sinh và 2 năm đầu đời. Nếu được triển khai trên diện rộng và hiệu quả, các can thiệp quan trọng này có thể cải thiện được tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em, giảm bệnh tật và tử vong ở trẻ. 
 

Phương Anh/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...