THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 03:50

Tăng cường các giải pháp giáo dục học sinh khuyết tật

05/10/2020 | 14:18

Trẻ khuyết tật là đối tượng cần được quan tâm chăm sóc


Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh khuyết tật năm 2019, Bộ đã nghiên cứu, đề xuất đưa vào Luật Giáo dục sửa đổi những nội dung liên quan về giáo dục người khuyết tật (NKT). Luật Giáo dục sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019. Cùng với đó, Bộ đã ban hành Thông tư quy định chuẩn quốc gia về chữ nổi Braille cho NKT; Quyết định ban hành Kế thực hiện Đề án Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018-2025; Phối hợp với Bộ LĐTBXH xây dựng và ban hành Thông tư quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện; Chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện hướng dẫn nhiệm vụ năm học về công tác giáo dục học sinh khuyết tật của các cấp học.

Ngoài ra, Bộ chú trọng quy hoạch hệ thống mạng lưới cơ sở hỗ trợ giáo dục NKT. Trong năm 2019, đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia, thúc đẩy thành lập và hoạt động hiệu quả Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, Phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập trong các cơ sở giáo dục tại các địa phương. Xây dựng chương trình, tài liệu giáo dục học sinh khuyết tật như: Hệ thống ngôn ngữ kí hiệu và Hệ thống chữ nổi Braille cho NKT; Tài liệu hướng dẫn giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật cấp mầm non, tài liệu hướng dẫn đánh giá học sinh khuyết tật cấp tiểu học; xây dựng bộ tài liệu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục NKT…

Song song với đó, Bộ tổ chức tập huấn cho 700 cán bộ quản lý và 1.800 giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cốt cán cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố về quản lý và kỹ năng giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật. Tập huấn nâng cao năng lực về phát hiện sớm, can thiệp sớm nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và một số kĩ năng về phát hiện sớm và hỗ trợ trẻ khuyết tật học hòa nhập. Tổ chức Hội nghị định hướng phát triển Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia với sự tham gia của đại diện từ các bộ, ngành, các tổ chức của và vì NKT, các tổ chức NGO quan tâm đến giáo dục đặc biệt. Phối hợp với Hội Người mù Việt Nam mở các lớp xóa mù chữ, phục hồi chức năng, học tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, học nghề… giúp đỡ trẻ em mù ở lứa tuổi học đường được đến trường và tạo điều kiện tốt nhất để các em được tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục. Tổ chức bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ giáo dục đặc biệt cho 500 giáo viên tại các trường đại học và các địa phương…

Công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh khuyết tật cũng được chú trọng. Trong năm học 2019-2020, Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ giáo dục khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh: Quảng Bình, Bạc Liêu, Quảng Nam, Ninh Thuận… Nhìn chung, các địa phương đã thực hiện tốt ở một số lĩnh vực của công tác giáo dục trẻ khuyết tật như: Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo quan tâm đầu tư và chỉ đạo sát sao công tác giáo dục trẻ khuyết tật; vận dụng đúng và linh hoạt các chính sách giáo dục đối với NKT; một số đơn vị tích cực thực hiện các văn bản đảm bảo chính sách cho NKT. Tuy nhiên, một số địa phương còn do dự muốn giữ nguyên Trường chuyên biệt hoặc chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đối với sự phát triển chung của giáo dục hòa nhập địa phương nên ảnh hưởng rất nhiều đến việc chuyển đổi và xây dựng Trung tâm. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách về giáo dục đối với NKT ở một số địa phương còn gặp khó khăn, chưa thực hiện được.

Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm 2019, tình hình thực hiện nhiệm vụ giáo dục NKT được quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục NKT. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một số khó khăn như: Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành hệ thống văn bản về chính sách đối với NKT khá đầy đủ, song trong thực tế triển khai ở các địa p hương đang gặp nhiều khó khăn do việc chi trả các chế độ cho học sinh khuyết tật cần có Giấy chứng nhận khuyết tật nhưng hiện nay còn rất nhiều học sinh khuyết tật đang đi học chưa có Giấy chứng nhận khuyết tật dẫn đến bản thân học sinh đó không được nhận các chế độ chính sách về bảo trợ xã hội và chính sách hỗ trợ giáo dục. Nguyên nhân chủ yếu là do gia đình không muốn xã hội biết con mình khuyết tật nên không đưa con đi xác nhận khuyết tật. Ở địa phương nào UBND xã, phường quan tâm thì tổ chức cấp Giấy chứng nhận khuyết tật nhanh, đầy đủ, còn ở địa phương nào chính quyền không quan tâm thì trì hoãn, không thực hiện đầy đủ việc cấp Giấy xác nhận khuyết tật. Bên cạnh đó, tình hình thực hiện chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý tham gia giáo dục NKT theo Nghị định 28 thì đối với nhà giáo trực tiếp giáo dục NKT theo phương thức hòa nhập việc chi trả phụ cấp ưu đãi ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn. Sự phối hợp với các bộ, ngành khác trong công tác giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn chưa chặt chẽ.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc tập trung thực hiện các giải pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác hỗ trợ NKT; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về công tác hỗ trợ NKT cho đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ học sinh khuyết tật. Bộ LĐTBXH xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành và các tổ chức chính trị xã hội trên cơ sở xác định trách nhiệm của mỗi đơn vị trong việc thực hiện công tác hỗ trợ NKT; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện đầy đủ việc cấp Giấy chứng nhận khuyết tật cho học sinh khuyết tật theo đúng quy định.

Tuấn Anh/GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.