THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 06:18

Tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác

26/07/2022 | 06:33
Tính từ đầu năm 2022 đến nay cả nước đã ghi nhận những trường hợp mắc sốt xuất huyết và tử vong cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và có nguy cơ lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố. Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Công điện 665/CĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Toàn văn Công điện như sau:

Hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có nhiều diễn biến phức tạp tại các quốc gia trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành. Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy). Tính từ đầu năm 2022 đến nay cả nước đã ghi nhận những trường hợp mắc và tử vong cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và có nguy cơ lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là tại các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung. Cùng với sự gia tăng của dịch bệnh sốt xuất huyết, một số bệnh khác như cúm mùa, tay chân miệng cũng đang vào thời điểm tăng theo mùa.

Để chủ động kiểm soát, phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó tập trung tăng cường phòng, chống dịch sốt xuất huyết, không để xảy ra dịch chồng dịch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn. Thành lập các tổ phòng chống dịch cộng đồng để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; chủ động dự phòng, bố trí đủ phương tiện, vật tư, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là sốt xuất huyết; xử phạt các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của pháp luật;

b) Giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

2. Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh sốt xuất huyết và các bệnh dịch khác; chỉ đạo địa phương bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền phòng, chống dịch bệnh.

Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM. Ảnh: BVCC

Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM. Ảnh: BVCC

3. Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch để người dân chủ động, tích cực thực hiện phòng, chống dịch, đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng tại trường học, cộng đồng, rửa tay bằng xà phòng và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm khác theo hướng dẫn của ngành Y tế.

5. Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết, bảo đảm đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.

6. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thành viên phối hợp với các cấp chính quyền chủ động, tích cực vận động người dân tham gia các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống dịch sốt xuất huyết và phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tuấn Minh
“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.
“Việt Nam ước mong': Triển lãm tranh của trẻ em yếu thế tại TP.HCM

“Việt Nam ước mong": Triển lãm tranh của trẻ em yếu thế tại TP.HCM

1 năm trước

400 tác phẩm hội họa do các trẻ em kém may mắn là trẻ khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em bị ung thư hay trẻ tự kỷ tự tay vẽ được trưng bày tại Triển lãm “Việt Nam ước mong" ở...
Tăng cường truyền thông và tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi

Tăng cường truyền thông và tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi

1 năm trước

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường truyền thông và tiêm vaccine Covid-19. Theo đó, để tăng cường hơn nữa việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5...
Ký kết Kế hoạch liên ngành phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030

Ký kết Kế hoạch liên ngành phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030

1 năm trước

Ngày 25/7, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng một số bộ và đơn vị ký kết Kế hoạch liên ngành phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030 nhằm tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp...
Cách phòng trị cúm A cho trẻ không cần đến viện

Cách phòng trị cúm A cho trẻ không cần đến viện

1 năm trước

Trẻ bị cúm có thể dùng thuốc hạ sốt, bổ sung nước điện giải, tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh mũi họng, hạn chế tiếp xúc với các trẻ khác hoặc người có cơ địa suy giảm miễn...