THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 01:43

Tăng cường hiệu quả điều phối hỗ trợ người khuyết tật

21/07/2020 | 22:08

Tại Hà Nội, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), đã phối hợp tổ chức hội thảo “Tăng cường hiệu quả điều phối và hợp tác quốc tế trong công tác người khuyết tật”.

Ông Nguyễn Văn Hồi, Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về Người Khuyết tật Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phát biểu tại Hội thảo. 

Ông Nguyễn Văn Hồi, Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia về Người Khuyết tật Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội cho biết, nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến các chính sách hỗ trợ đối với người khuyết tật. Quốc hội đã ban hành Luật về người khuyết tật, chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, dạy nghề, việc làm, hỗ trợ bảo trợ xã hội, an sinh xã hội, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật…

Hiện nay Ngân sách Nhà nước đã bao phủ đến các nhóm người khuyết tật nặng, giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng cho khoảng 1,1 triệu người khuyết tật với kinh phí khoảng 15.000 tỷ đồng/năm; hỗ trợ 20.000 người khuyết tật tiếp cận để học nghề và việc làm; hỗ trợ 1,2 triệu học sinh khuyết tật đến trường; tỷ lệ người khuyết tật được tiếp cận bảo hiểm y tế lên tới 95%.

Tuy nhiên, do hạn chế về ngân sách, nguồn lực cán bộ, nhận thức hạn chế của chính các cán bộ làm công tác hỗ trợ cho người khuyết tật mà đến nay, vẫn có một bộ phận người khuyết tật bị hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ này. Mặt khác, hiện nay đang có nhiều chính sách, đề án hỗ trợ cho người khuyết tật đang được triển khai, nhưng lại có sự chồng chéo, trùng lặp, chưa phối hợp thống nhất và chưa thực sự vươn tới một bộ phận người khuyết tật.

Do đó, Cục trưởng Cục bảo trợ Xã hội Nguyễn Văn Hồi mong muốn các tổ chức tích cực trao đổi, thảo luận về việc tăng cường cải cách hành chính, giúp người khuyết tật tiếp cận nguồn lực hỗ trợ từ nhiều tổ chức; tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ phối hợp giữa các tổ chức của người khuyết tật với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ông Lê Duy Tiến, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Khoa học, công nghệ và Môi trường Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Theo ông Lê Duy Tiến, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Khoa học, công nghệ và Môi trường Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, để hỗ trợ hơn nữa với người khuyết tật, chúng ta cần chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan để thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về người khuyết tật. Tăng cường hiệu lực hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện chính sách pháp luật về người khuyết tật, đẩy mạnh công tác xã hội hóa các nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ cho người khuyết tật.

Liên hiệp Hội Việt Nam định hướng tích cực hỗ trợ và ưu tiên hoạt động này, thúc đẩy nghiên cứu, có giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ sức khỏe và tạo việc làm cho người khuyết tật. Đồng thời kiến nghị Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật tăng cường tham vấn các tổ chức làm việc về NKT (ngoài cơ chế Ủy ban) trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình kế hoạch.

Phối hợp tổng rà soát, đánh giá chính sách, chương trình về công tác NKT, kiến nghị sửa đổi Luật NKT và các văn bản có liên quan, tổ chức tham vấn cộng đồng về các chính sách, chương trình mới, nghiên cứu triển khai thí điểm các phương thức xã hội hóa trong công tác NKT.

Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT nhằm tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và các tầng lớp nhân dân về công tác NKT. Tăng cường kiểm tra hoạt động trợ giúp NKT tại một số bộ, ngành, địa phương…

Trong các đề xuất, kiến nghị, UBQGNKTVN đã đề nghị TW MTTQVN chỉ đạo Quỹ vì người nghèo các cấp hỗ trợ người khuyết tật có giấy xác nhận khuyết tật được mua thẻ BHYT.

Bà Dương Thị Nga - Trưởng ban Hợp tác Quốc tế Liên hiệp Hội Việt Nam đã đánh giá cao hoạt động của một số tổ chức có dự án liên quan đến người khuyết tật.  "Những con chim đầu đàn" được nêu tên như: DRD, MACDI, CCIHP, SRD, IDEA, PHAD, Nghị lực sống, REACH, CRDR, Viethealh.  

Bà Nga mong muốn, với thế mạnh của Liên hiệp Hội Việt Nam bao gồm rất nhiều tổ chức Hội chuyên môn phổ biến trên khắp 63 tỉnh thành cùng hơn 500 tổ chức tự lực cánh sinh hoạt động trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả người khuyết tật có thể là nơi sẵn sàng chia sẻ các thông tin và điều phối hoạt động của các tổ chức, gồm cả các tổ chức hỗ trợ người khuyết tật.

Liên hiệp Hội Việt Nam kiến nghị 3 vấn đề: Tăng cường tham vấn các tổ chức làm việc về người khuyết tật (ngoài cơ chế Ủy ban) trong xây dựng chính sách, pháp luật và các chương trình, kế hoạch; Phát huy vai trò của Cục Bảo trợ Xã hội  trong đề xuất, điều phối, giám sát và đánh giá việc thực hiện công tác người khuyết tật; Cho phép thử nghiệm các phương thức xã hội hóa phù hợp, phát huy nguồn lực trong nước, huy động nguồn lực quốc tế cho công tác người khuyết tật.

Bà Đào Thu Hương, cán bộ về quyền của người khuyết tật của UNDP đã chia sẻ tại Hội thảo những hoạt động của tổ chức thời gian dài qua, bao gồm các hỗ trợ nạn nhân bom mìn; hỗ trợ trao truyền cho người khuyết tật; trao quyền về văn hóa xã hội, xóa bỏ kỳ thị người khuyết tật; trao quyền kinh tế cho các tổ chức.

Kết luận Hội thảo, Cục Bảo trợ xã hội ghi nhận những thành quả hiện có của các tổ chức xã hội trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức quốc tế. Cục Bảo trợ xã hội mong muốn Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ trở thành đầu mối tiếp nhận những ý kiến của các tổ chức trực thuộc để góp ý chính sách, cải thiện và đưa chính sách vào cuộc sống.

Việt Cường / TC Gia đình & Trẻ em

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...