CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 03:48

Tăng cường hợp tác và học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong phòng, chống đuối nước

23/09/2020 | 11:29

Tại Hội nghị, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án phòng, chống đuối nước trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động đến các quốc gia trên toàn thế giới.
 



Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội nghị.


Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, tại Việt Nam, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em do tai nạn thương tích. Mỗi năm có hơn 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Chính vì vậy, công tác phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam luôn là vấn đề được Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành quan tâm. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020 với các mục tiêu giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em.

Từ năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH cùng Quỹ Từ thiện Bloomberg ký biên bản ghi nhớ triển khai chương trình 5 năm về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam, triển khai Dự án Hỗ trợ can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà vui mừng cho biết “Giai đoạn thí điểm 2018-2019 đã có gần 9.000 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi được dạy bơi an toàn và hơn 17.000 trẻ em được học các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 5.000 cha mẹ, người chăm sóc có con dưới 6 tuổi và các giáo viên mẫu giáo được tập huấn các kiến thức về phòng, chống đuối nước trẻ em. Dự án đã góp phần hỗ trợ Việt Nam triển khai đồng bộ hơn công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Tăng cường sự tham gia có hiệu quả của các ngành, đoàn thể, tổ chức quốc tế tạo nên mạng lưới liên ngành phòng, chống đuối nước. Hỗ trợ Việt Nam tiếp cận và thực hiện phù hợp 10 khuyến nghị về giải pháp, can thiệp phòng, chống đuối nước của Tổ chức Y tế thế giới; Tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế và chuẩn hóa kỹ thuật dạy bơi an toàn, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em; Hỗ trợ Việt Nam xây dựng và hoàn thiện chính sách, chương trình về phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước”.

Với các nỗ lực trên, tình hình tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước. Việt Nam rút ra được những kinh nghiệm và yêu cầu trong việc giải quyết vấn đề phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em, bảo đảm tính bền vững như sau:  

Thứ nhất, vấn đề phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em luôn là vấn đề cần quan tâm giải quyết của Chính phủ để bảo đảm quyền sống còn của trẻ em, thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em, các mục tiêu thuộc Chương trình nghị sự về phát triển bền vững.
Thứ hai, công tác phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em cần có được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo  các cấp, các ngành. Đồng thời, tăng cường vai trò trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong chủ động phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.

Thứ ba, phải hoàn thiện khung pháp lý cho việc thực hiện công tác này, cụ thể là quy định trong văn bản luật pháp, ban hành chính sách, chiến lược, chương trình kế hoạch của quốc gia.

Thứ tư, tăng cường phối hợp đa ngành giữa các cơ quan của Chính phủ, tăng cường hợp tác công - tư, hợp tác giữa các tổ chức trong và ngoài nước để đảm bảo tối đa hiệu quả sử dụng nguồn lực (nguồn lực của Chính phủ, nguồn lực của các tổ chức thế giới, nguồn lực của người dân…) giúp cho việc triển khai công tác phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước đạt được hiệu quả cao nhất và hướng tới các hoạt động bền vững, lâu dài.

Thứ năm, các can thiệp cần được dựa trên các kết quả bằng chứng khoa học, hiệu quả từ kinh nghiệm quốc tế và trong nước, tình hình thực tế tại địa phương, trong đó tập trung vào cung cấp kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa đuối nước cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, dạy bơi an toàn và dạy kĩ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, can thiệp, cải tạo nguy cơ gây đuối nước, khuyến cáo bằng công tác truyền thông để giám sát trông giữ trẻ em tốt hơn.

Thứ sáu, các can thiệp của dự án phòng, chống đuối nước trẻ em do Quỹ Bloomberg, GHAI và WHO hỗ trợ cần được phổ biến và nhân rộng trên toàn quốc, sử dụng nguồn lực của địa phương, cộng đồng để tiếp tục triển khai. Tăng cường hợp tác và học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong phòng, chống tai nạn thương tích đặc biệt là phòng, chống đuối nước cho trẻ em, từ đó áp dụng vào các hoạt động này tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Quốc hội luôn đánh giá cao sự hỗ trợ của Quỹ từ thiện Bloomberg đối với việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách, triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Đặc biệt hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chương trình quốc gia về Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030.
 



Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Việt Nam.


Nhân sự kiện này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ của Quỹ từ thiện Bloomberg, Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu đối với công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam. Thứ trưởng khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các đối tác quốc tế trong chương trình quan trọng với nhiều ý nghĩa nhân văn và hiệu quả nhằm cứu sống sinh mạng trẻ em do tai nạn thương tích và đuối nước.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Kelly Henning, Giám đốc Chương trình y tế công cộng, Quỹ từ thiện Bloomberg đánh giá cao quá trình triển khai Dự án Hỗ trợ can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam. “Chúng tôi ủng hộ việc vận động chính sách để xây dựng các chương trình phòng, chống tai nạn thương tích; tăng cường bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Một trong những bài học chúng tôi rút ra trong quá trình triển khai đó là, để Dự án có tính bền vững thì phải xác định được mục tiêu ngay từ đầu là vận động xây dựng chính sách” - bà Kelly Henning nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Anuradha Khanal, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu cũng đánh giá cao chương trình phòng, chống đuối nước mà Việt Nam đang thực hiện và cho rằng đây là một chương trình rất cần thiết, sáng tạo và mang tính cứu người. Tác động của các chương trình này đối với các gia đình ở Việt Nam là rất đáng kể.

Phương Anh/GĐ&TE

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...