THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 10:14

Tăng cường phối hợp về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn

11/07/2019 | 09:17
Cùng tham dự Hội nghị, còn các đồng chí Thứ trưởng Bộ LĐTBXH: Lê Tấn Dũng, Lê Quân; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Nông Quốc Tuấn, Phan Văn Hùng, Hoàng Thị Hạnh cùng đại diện lãnh đạo các Tổng cục, cục, vụ trực thuộc hai cơ quan.
 
Sự cần thiết ban hành Đề án đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS&MN và vùng KT-XH đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 – 2025
 
Theo Ủy ban Dân tộc, hiện nay vùng DTTS&MN vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước. Trong tổng số 5.266 xã toàn vùng có tới 1.957 xã khu vực III và 20.139 thôn, bản ngoài xã khu vực III thuộc diện đặc biệt khó khăn; ngoài ra còn có 291 xã bãi ngang ven biển và hải đảo vào diện đầu tư đặc biệt khó khăn. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thấp kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
 
 
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng và gợi ý các giải pháp của Đề án
 
Đây cũng là vùng đã và đang là “lõi nghèo của cả nước”: Thu nhập bình quân đầu người của DTTS chỉ bằng khoảng 30% so với bình quân chung cả nước. Dân số DTTS chiếm 14,6% dân số cả nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 56,84% hộ nghèo của cả nước. Một số nhóm DTTS có tỷ lệ hộ nghèo đang ở mức rất cao lên đến 70 - 80%.
 
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do: Chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS&MN mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng còn nhiều đầu mối xây dựng quản lý, theo dõi chính sách; nguồn lực phân tán, dàn trải, chưa phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành nên hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp, đòi hỏi phải đổi mới chính sách đầu tư phát triển KT-XH cho vùng DTTS, MN và vùng KT-XH ĐBKK.
 
 
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị
 
Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là cần thiết. Đề án được phê duyệt và tổ chức thực hiện sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn phát triển nhanh, bền vững; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ hơn một số bức xúc của người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Góp phần củng cố quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố và nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước.
 
9 nhóm giải pháp đầu tư phát triển vùng DTTS và vùng đặc biệt khó khăn
 
Sau quá trình chuẩn bị công phu, tổ chức nhiều Hội thảo tham vấn, lấy ý kiến của các Bộ, ngành TW và các địa phương vùng DTTS&MN, đến nay Ủy ban Dân tộc đã hoàn chỉnh dự thảo đề án trình Chính phủ với mục tiêu tổng quát là khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách về mức thu nhập so với vùng phát triển; giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần; tỷ lệ giảm nghèo hàng năm giảm 3-4%; giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn; 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với năm 2019; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 50%, lao động đến tuổi có việc làm thu nhập ổn định trên 80%.
 
 
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân góp ý vào Đề án
 
Để đạt được các mục tiêu này, Đề án đã đề ra 9 nhóm giải pháp:
 
1. Nghiên cứu phân định lại vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế tình trạng dàn trải như hiện nay.
 
2. Toàn bộ chính sách cho vùng DTTS&MN dự kiến tích hợp thành 6 nhóm chính sách và quy định tại 6 Nghị định của Chính phủ nhằm khắc phục tình trạng chính sách nhiều đầu mối quản lý, đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Mỗi lĩnh vực đều có đề xuất nội dung chính sách dự kiến áp dụng giai đoạn 2021-2025 với nhiều nội dung đổi mới chính sách về sinh kế, khởi nghiệp, đầu tư hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số, nhất là củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số...
 
3. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật ở vùng dân tộc thiểu số.
 
4. Huy động mọi nguồn lực để thực hiện Đề án, trong đó tinh thần tự lực, tự cường vượt khó vươn lên của người dân giữ vai trò quan trọng, nguồn ngân sách nhà nước là quyết định.
 
5. Đổi mới nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025.
 
6. Xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng DTTS, MN và vùng KT-XH ĐBKK để phục vụ công tác quản lý.
 
7. Tiếp tục nghiên cứu Chương trình khoa học cấp quốc gia về dân tộc thiểu số và công tác dân tộc.
 
8. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.
 
9. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc, nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi Đề án.
 
Cần có những bước đi đột phá để phát triển vùng DTTS
 
Trao đổi và đóng góp ý kiến vào nội dung thuộc Đề án, các đại biểu của Bộ LĐTB&XH đánh giá cao mục tiêu đề án và cho rằng Đề án cần đề cập tới việc phải tạo ra được thị trường hàng hóa và thị trường lao động để tạo sự đột phá lớn, thúc đẩy phát triển vùng DTTS&MN, trong đó cần quan tâm đến vấn đề thu hút nguồn lực, thu hút đầu tư vào các vùng này; vấn đề đào tạo phải gắn với giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giao rừng, làm đường giao thông... sát với yêu cầu thực tiễn.
 
 
 
Các đại biểu Bộ LĐTBXH phát biểu tại Hội nghị
 
Các đại biểu cũng cho rằng, các chính sách thuộc đề án cần có sự khảo sát kỹ, phù hợp với trình độ tiếp nhận của người dân và đi vào lòng dân; nội dung Đề án cũng cần khẳng định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với việc đầu tư phát triển vùng DTTS, làm cơ sở cho sự đảm bảo về nguồn lực khi đi vào triển khai.
 
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Đây là Đề án trọng tâm đột phá, do đó nội dung Đề án này và nội dung của 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia (Chương trình Nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững) phải thực hiện song song, không thể trùng lắp nhau. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến phạm vi, đối tượng và các nhóm giải pháp nằm trong Đề án. 

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến đã tiếp thu, ghi nhận các ý kiến góp ý của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và của đại biểu tham dự Hội nghị để bổ sung vào Đề án. Đồng chí Đỗ Văn Chiến cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, ủng hộ và chia sẻ của Bộ LĐTB&XH trong quá trình xây dựng, tham mưu với Chính phủ để Đề án sớm được Quốc hội phê duyệt, đi vào triển khai thực hiện. 

Bài và ảnh: Thùy Hương/Tạp chí Gia đình và Trẻ em

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.