CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 11:04

Tất vì vì một mục tiêu chung - Việt Nam không có nghèo đói

11/12/2020 | 16:30

Cùng dự hội nghị có: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020; Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, cùng lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, cơ quan T.Ư; đầu cầu trực tuyến các địa phương cả nước; đại diện một số tổ chức quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020

Tích hợp chính sách, giảm nghèo bền vững

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn xác định giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển. Mục tiêu, nhiệm vụ này được thể hiện đậm nét trong các văn kiện của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, các chiến lược, kế hoạch, đề án, chương trình của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu khai mạc hội nghị.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, qua những năm gần đây, công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước. Nhiều huyện nghèo, xã khó khăn đã được đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống sản xuất của người dân.

Phó Thủ tướng cho biết, hàng triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin và các dịch vụ văn hoá. Đặc biệt có sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của một bộ phận người dân, trong đó có người nghèo. Không ít các điển hình, đơn vị và cá nhân tự nguyện xin thoát nghèo.

"Kết quả giảm nghèo ở Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, công tác giảm nghèo vẫn còn những tồn tại hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỉ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo mới ở một số địa bàn còn cao. Khoảng cách giàu, nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư vẫn có nguy cơ gia tăng. Công tác rà soát, tích hợp chính sách giảm nghèo vẫn chưa được thực hiện đồng bộ.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói giảm nghèo trước 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu giảm nghèo hiệu quả. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam: 58,1%; năm 2015: 9,88%; năm 2019: 3,75%; năm 2020, dự kiến còn: 2,75%. Chỉ tính riêng 2016-2019: giảm 58,12% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu giai đoạn với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo.

Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện công tác giảm nghèo. Nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là hơn 93.000 tỷ đồng.

Chính phủ và các địa phương đã ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ toàn diện cho người nghèo. Việt Nam là một trong số 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; ngoài chiều chỉ số về thu nhập, chuẩn nghèo có có 10 chỉ số để xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận 5 dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.

Thu nhập bình quân của người nghèo tăng 2,3 lần giai đoạn 2016-2020

Các chương trình giảm nghèo đã nâng cao thu nhập và cải thiện cả đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, người dân trên địa bàn nghèo, vùng ĐBKK. Thu nhập bình quân của người nghèo tăng 2,3 lần giai đoạn 2016-2020. Hỗ trợ hơn 13 nghìn dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả với trên 2,2 triệu hộ hưởng lợi; tổng kinh phí thực hiện là 8 nghìn tỷ đồng. Hơn 2,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được dạy nghề, tạo việc làm. Hỗ trợ cho 5.500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị.

Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, liên kết vùng nghèo được ưu tiên từng bước đầu tư, đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân và làm thay đổi bộ mặt địa bàn nghèo, ĐBKK; nhiều địa bàn nghèo đã nỗ lực thoát nghèo, thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Tổng số khoảng 18 nghìn công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư, đã đưa vào sử dụng trên 15 nghìn công trình; khoảng 7 nghìn công trình được duy tu bảo dưỡng. Tổng nguồn vốn đầu tư trên 32 nghìn tỷ đồng.

Đến nay, theo tổng hợp từ các địa phương, có 32 huyện nghèo, 103 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn. Đối với các xã, thôn ĐBKK vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, 550 xã hoàn thành Chương trình 135 và 1.286 thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.

Phong trào thi đua: Cả nước chung tay vì người nghèo – Không ai bị bỏ lại phía sau" do Thủ tướng Chính phủ phát động đã được triển khai sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực.

Các cấp, các ngành, người dân và đặc biệt là người nghèo đã nỗ lực, thi đua thực hiện Phong trào; phong trào thoát nghèo đã được nhiều người nghèo thực hiện trên phạm vi cả nước, nhiều tấm gương sáng nổi bật, điển hình trong cộng đồng như cụ bà Đỗ Thị Mơ (84 tuổi) xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa; 44 hộ nghèo người Dao ở xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh; 470 hộ nghèo ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An; 51 hộ ở vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái; 25 hộ tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình và nhiều tấm gương sáng, điển hình thoát nghèo khác trên cả nước.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm người nghèo tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế của đất nước. Thành quả về giảm nghèo là kết quả của quá trình nỗ lực, kiên trì của cả hệ thống chính trị; bạn bè quốc tế đánh giá đây là một trong những thành công nổi bật nhất, ý nghĩa nhân văn nhất của Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, người nghèo được thụ hưởng thành quả của tăng trưởng kinh tế một cách rõ nét.

Đầu tư cho giảm nghèo là đầu tư cho phát triển bền vững

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, kết quả giảm nghèo còn một số tồn tại, hạn chế. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt. Tỷ lệ tái nghèo trong 4 năm (2016 - 2019) bình quân 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước tỷ lệ tái nghèo khoảng 12%/năm). Chênh lệch giàu nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 58,53% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2019).

Chuẩn nghèo thu nhập chỉ bằng 70% chuẩn mức sống tối thiểu tại thời điểm năm 2015, hiện nay chỉ còn bằng khoảng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm bằng chuẩn mức sống tối thiểu theo Nghị quyết 76 của Quốc hội đặt ra nên việc thoát nghèo không bền vững, người dân dễ tái nghèo.

Nguồn lực thực hiện Chương trình chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn: Mức vốn bố trí cho các công trình cơ sở hạ tầng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo và giảm nghèo về thông tin chưa đáp ứng nhu cầu của địa phương. Suất đầu tư trong Chương trình còn thấp, chưa tập trung hỗ trợ đủ mạnh để tác động làm chuyển biến thực sự đời sống người nghèo,người dân trên địa bàn nghèo, vùng lõi nghèo.

Một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả. Các địa phương chưa thực hiện cơ chế tạo việc làm công trong các công trình cơ sở hạ tầng theo nguyên tắc "xã có công trình, người dân có việc làm và tăng thêm thu nhập". Tỷ lệ các công trình giao cho cấp xã làm chủ đầu tư ở một số địa phương còn thấp, vai trò làm chủ đầu tư thực chất của xã còn nhiều hạn chế. Một số cơ chế, chính sách chưa phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng dân tộc thiểu số nên hiệu quả tác động chưa cao. Tại một số địa bàn (đặc biệt ở vùng miền núi DTTS), hoạt động hỗ trợ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài còn khó thực hiện.

Việc hướng dẫn và triển khai chương trình, chính sách còn chậm. Tình hình thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn; dịch bệnh, quá trình đô thị hóa và di dân tự do làm nảy sinh nhiều thách thức đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số, người di cư, người lao động.  Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo và phát huy tính chủ động của người nghèo còn hạn chế, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ ở khu vực địa bàn nghèo, ĐBKK.

Về định hướng thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: Các thành tựu tăng tưởng kinh tế được chuyển hóa thành nguồn lực để thực hiện các mục tiêu xã hội đã giúp cho đời sống của đại đa số người dân, đặc biệt là người nghèo được nâng cao và cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh. Đầu tư cho giảm nghèo là đầu tư cho phát triển; bảo đảm người nghèo được tham gia và thụ hưởng thành quả tăng trưởng kinh tế của đất nước, bảo đảm công bằng xã hội. Chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức các cấp, các ngành và  nhân dân nhằm tạo đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện mục tiêu giảm nghèo; thúc đẩy phong trào "thoát nghèo" sâu rộng trên phạm vi cả nước; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên của người dân, của người nghèo.



Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận tại Hội nghị

Giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa bậc nhất và mang nặng tình người nhất

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong tất cả những trách nhiệm của chúng ta, đối với nhân dân, giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa bậc nhất và mang nặng tình người nhất.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời cảm ơn tới các đồng chí đang ngày đêm làm việc để người dân nghèo có thể chữa bệnh, cải thiện thu nhập, để các em bé nghèo có thể tới trường, có cơ hội vươn lên trong cuộc sống.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau hơn 30 năm qua, Việt Nam là một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xoá đói, giảm nghèo, là câu chuyện thành công, truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu.

Đảng và Nhà nước luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với xã hội, môi trường. Trong đó luôn chú trọng giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng nhắc tới nhiều chính sách giảm nghèo trụ cột giai đoạn 2016-2020. Nghị quyết 76 của Quốc hội về đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững tới năm 2020, Nghị quyết 100 phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó tập trung xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và phát động phong trào thi đua cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng nhắc lại tỉ lệ 21% ngân sách nhà nước đã dành cho phúc lợi xã hội. Đây là mức cao nhất của các nước trong khối ASEAN.

Dẫn các số liệu về giảm nghèo trong giai đoạn gần đây, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu của Thiên niên kỷ của Liên hợp Quốc về giảm nghèo.

Hướng tới năm 2045 Việt Nam không có nghèo đói
Nêu một số vấn đề cần quan tâm thời gian tới trong công tác giảm nghèo, Thủ tướng nhấn mạnh cần xây dựng nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo, phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045 với tinh thần xuyên suốt vì một Việt Nam không có đói nghèo. Đây là vấn đề, nhiệm vụ lớn của đất nước ta.

Cùng với đó, cần tiếp tục hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo theo hướng đa chiều, ưu tiên trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Xây dựng các chương trình, mô hình giảm nghèo và an sinh xã hội hiệu quả, ưu tiên nguồn lực nhà nước xây dựng các chương trình giảm nghèo, huy động nguồn lực xã hội, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ người nghèo.

Thủ tướng lưu ý tới hạ tầng kinh tế xã hội các vùng đặc biệt khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông, đầu tư giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, tạo điều kiện cho người nghèo được học nghề, tiếp cận việc làm, nâng cao dân trí.

Các địa phương cần tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo trong quá trình thực thi các chính sách giảm nghèo, xây dựng các mô hình giảm nghèo tại cộng đồng phù hợp với đặc thù của từng địa phương, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền.

Áp dụng công nghệ thông tin, đưa thông tin về nông thôn, miền núi, vùng khó khăn, giúp người dân nâng hiểu biết, tri thức, tiếp cận các dịch vụ trợ giúp.

Một nhiệm vụ khác được Thủ tướng nhấn mạnh đó là cần tạo điều kiện cho người dân năng động, chủ động hơn, được trao quyền tự quyết nhiều hơn. Truyền thông nên tôn vinh, nhân rộng những mô hình tiêu biểu, những tấm gương xuất sắc, qua đó động viên, khích lệ tinh thần, ý chí vươn lên của người nghèo.

“Giảm nghèo không chỉ bằng trí tuệ, mà phải bằng trái tim. Để thực hiện trách nhiệm với người nghèo, tôi đề nghị cả nước triển khai phong trào mới, mỗi xã, phường, thị trấn, mỗi thôn, bản xây dựng mô hình giảm nghèo tiêu biểu phù hợp với địa phương mình, với cách làm sáng tạo hơn nữa. Giảm nghèo bền vững cần đặc biệt quan tâm đến nguồn vốn con người. Các gia đình, địa phương có điều kiện kinh tế tốt hơn hỗ trợ các các địa phương, gia đình khó khăn hơn” - Thủ tướng nhấn mạnh.  

Báo cáo của Chính phủ về kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 cho biết: Về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 3,75%, bình quân trong 4 năm giảm 1,53%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của cả nước từ 1 - 1,5%/năm. Trong 4 năm, có 58% số hộ nghèo đã thoát nghèo. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn khoảng 2,75%. Như vậy sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm khoảng 1,43%/năm, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn 27,85%, bình quân trong 4 năm giảm 5,65%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao giảm bình quân 4%/năm; ước cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân các huyện nghèo còn khoảng 24%. Đến nay, đã có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và 14/30 huyện nghèo” hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Dự kiến đến cuối năm 2020 khoảng 32 huyện thoát khỏi huyện nghèo, đạt chỉ tiêu đề ra.
 

Việt Cường / TC Gia đình & Trẻ em

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...