THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 12:50

Thái Bình tập trung nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

07/06/2019 | 15:52
 
Ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở LĐTBXH Thái Bình trao tặng bằng khen cho các tập thế, cá nhân đạt giải cao tại Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh năm 2018. Ảnh: Văn Đức
 
Từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
 
Theo Sở LĐTBXH tỉnh Thái Bình, thời gian qua, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh từng bước rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó xác định trường trọng điểm, nghề trọng điểm để tích cực đầu tư theo hướng công nghệ cao, đồng thời tinh gọn bộ máy, giảm bớt đầu mối quản lý, tiết kiệm tối đa ngân sách Nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như chất lượng đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong năm 2018, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, 3 trường (Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình, Trung cấp Xây dựng Thái Bình, Trung cấp Nghề thủ công mỹ nghệ Kiến Xương) hoàn thiện các thủ tục sáp nhập vào Trường Cao đẳng nghề Thái Bình để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tính đến cuối năm 2018, Thái Bình có 29 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 22 cơ sở công lập và 7 cơ sở ngoài công lập. 
 
Cùng với việc sáp nhập một số trường để nâng cao hiệu quả hoạt động, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã không ngừng đổi mới, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tăng cường đào tạo trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề cho đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tế; thường xuyên tổ chức Hội giảng nhà giáo GDNN các cấp và cử các giáo viên xuất sắc tham dự Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc. Toàn tỉnh hiện có 820 nhà giáo GDNN, trong đó, số có trình độ thạc sĩ chiếm 10,85%, đại học 67,4%, cao đẳng và cao đẳng nghề 6,59%; số nhà giáo có chứng chỉ kỹ năng nghề 158 người, chiếm tỷ lệ 19,27%. 
 
Với sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cùng việc đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, số lượng học sinh đăng ký tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Thái Bình những năm qua có chiều hướng gia tăng. Trong 3 năm gần đây, số lượng tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp đã tăng từ 1.100 lượt người (năm 2016) lên 1.600 lượt người (năm 2017) và 2.000 lượt người (năm 2018), góp phần quan trọng trong việc đào tạo nghề cho người lao động. Tính chung trong năm 2018, toàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho 34.700 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50% (tăng 2,5% so với năm 2017).
 
Trong quá trình đào tạo, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện cam kết giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên khi ra trường thông qua việc tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện để học sinh, sinh viên thực tập, thực hành nghề ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhờ đó, kết thúc quá trình thực tập, nhiều học sinh, sinh viên xuất sắc đã được doanh nghiệp nhận vào làm việc, góp phần nâng tỷ lệ học viên các trường nghề có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. 

 
Ngày hội “Tư vấn tuyển sinh, giới thiệu việc làm cho thanh niên tỉnh Thái Bình, năm 2019 thu hút đông đảo các tầng lớp thanh niên, học sinh tham gia. Ảnh: Tuấn Anh
 
Một số khó khăn và định hướng thời gian tới
 
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng đứng trước một thị trường lao động năng động và thay đổi nhanh chóng trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Thái Bình hiện vẫn chưa thay đổi theo kịp với yêu cầu; hoạt động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Số cơ sở giáo dục nghề nghiệp phân bố không đều, một số trường chất lượng giáo dục còn thấp, quy mô đào tạo nhỏ, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa bảo đảm cho việc dạy và học; tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia học trình độ cao đẳng và trung cấp còn thấp so với tổng số học sinh, sinh viên được tuyển sinh đào tạo, chủ yếu là tuyển sinh trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng chiếm tỷ lệ trên 70%, trình độ cao đẳng mới chỉ chiếm khoảng 9%...
 
 Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi công tác giáo dục nghề nghiệp ở Thái Bình phải có bước đột phá về chất lượng dạy và học, phát triển quy mô tương ứng với các điều kiện bảo đảm chất lượng, cơ cấu hợp lý giữa các cấp trình độ đào tạo, xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng người học, phát triển ngành nghề trọng điểm quốc gia tiếp cận với khu vực và quốc tế.
 
Trước mắt, tỉnh cần hoàn thiện và phê duyệt Đề án “Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2025”; phấn đấu từ nay đến năm 2025, sẽ hoàn thành việc sáp nhập một số trường trung cấp vào Trường Cao đẳng nghề Thái Bình, thực hiện sáp nhập Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật vào Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình; mở rộng đầu tư cũng như bảo đảm cơ chế tự chủ của một số trường; đầu tư kinh phí để nâng cao chất lượng đào tạo cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố…

Minh Anh/TC GĐ&TE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.