THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 11:46

Tham vấn Dự thảo nghị định quy định về chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới

13/07/2020 | 16:17

Thứ trưởng Bộ LDTBXH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội thảo

Thay đổi căn bản từ bảo vệ lao động nữ sang bảo đảm, thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới

Ngày 20 tháng 11 năm 2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Bộ luật Lao động 2019 với nhiều sửa đổi, bổ sung lớn liên quan đến lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới theo hướng hiện đại, phù hợp hơn với bối cảnh mới của quan hệ lao động trong kinh tế thị trường, thực thi các cam kết quốc tế liên quan của Việt Nam đối với vấn đề này, đồng thời cũng là sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận từ bảo vệ lao động nữ sang bảo đảm, thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung này tập trung tại chương X “Những quy định riêng đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới (từ Điều 135 đến Điều 142). Đồng thời, tại một số chương khác cũng có những điểm sửa đổi mới liên quan đến lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới tại Điều 3, Điều 8, Điều 35 và Điều 169 (quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc (Điều 3), quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Điều 35), quy định về tuổi nghỉ hưu (Điều 169). Vấn đề tuổi nghỉ hưu với lao động nữ được đưa ra thảo luận hàng chục năm trước, nhưng năm 2019 vừa qua đã được Quốc hội thông qua. Các biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hòa cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình.v.v…

Các quy định mới này nhằm khắc phục những bất cập của Nghị định số 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động 2012 về chính sách đối với lao động nữ như: các quy định về cơ chế, nguồn lực thực thi (chính sách ưu đãi về thuế, việc xây dựng nhà trẻ, nhà mẫu giáo, tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động cho lao động nữ,…) hay có quy định chi tiết về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc… Trong thời gian này, nội dung này nhận được nhiều ý kiến thảo luận khác nhau về khái niệm, nội hàm quy định.

Anh-1b---5124.jpg

Quang cảnh Hội thảo.


Cần cụ thể hóa những chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết: Chính phủ giao Bộ LĐTBXH chủ trì, xây dựng Nghị định quy định về chính sách đối với lao động nữ và đảm bảo bình đẳng giới để trình Chính phủ trong tháng 9 sắp tới. Bộ LĐTBXH đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định. Ban soạn thảo của Bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp, thảo luận về các nội dung hồ sơ dự thảo Nghị định, cũng như tiến hành việc rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 85/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong thời gian qua, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức liên quan tiến hành tổng kết đánh giá thi hành Nghị định 85/2015/NĐ-CP, thành lập và họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định, tiến hành xây dựng đề cương, dự thảo Nghị định, Tờ trình Chính phủ… Hiện nay, dự thảo Nghị định đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và gửi văn bản xin ý kiến của Bộ, ngành và các địa phương.

Tuần trước, Hội thảo tham vấn tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được tổ chức đã được tổ chức thành công với nhiều ý kiến của các đại biểu, các bên liên quan từ các bên liên quan như Hội Liên hiệp phụ nữ, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Hôm nay, Bộ LĐTBXH phối hợp với một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn với các cơ quan trung ương và các tổ chức liên quan. Sau Hội thảo này, Bộ LĐTBXH sẽ còn tiếp tục tổ chức Hội thảo thứ 3 tại Quy Nhơn, Bình Định vào ngày 16/7.

“Nghị định này cần phải cụ thể hóa đầy đủ những chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động 2019, thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, nhằm tạo cơ hội tốt hơn cho phụ nữ, để họ có quyền đưa ra các quyết định”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nói.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe giới thiệu và thảo luận, đóng góp ý kiến vào những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định gồm có phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc và các quy định riêng đối với lao động nữ, bảo đảm bình đẳng giới. Đây cũng là vấn đề được nhiều tổ chức trong và ngoài nước rất quan tâm, đặc biệt Nhóm các Đại sứ và Trưởng đại diện cơ quan của Liên hợp quốc về Điều phối chính sách Giới đã gửi một số thông tin, đề xuất tới Bộ LĐTBXH, trong đó tập trung vào việc phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Bộ LĐTBXH sẽ tổng hợp ý kiến của đại biểu tại 3 hội thảo ở 3 miền và tiếp thu tối đa các góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị định có chất lượng, bảo đảm tốt nhất quyền lợi của người lao động, của cộng đồng doanh nghiệp, phù hợp trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Châu Anh/ Ảnh: Anh Tuấn TTXVN

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...