THỨ SÁU, NGÀY 17 THÁNG 05 NĂM 2024 06:50

Thắng tích Hồ Tây và nền công nghiệp không khói

29/10/2020 | 10:34
Du lịch Việt Nam vẫn bị các chuyên gia đánh giá là… “không đồng” và cả một vùng thắng tích Tây Hồ với những danh thắng tâm linh, những làng nghề nổi danh đã dệt nên những trang sử vẻ vang, những huyền thoại diệu kỳ và cả những cảm xúc lay động lòng người trong các câu ca dao, tục ngữ không là ngoại lệ. Làm thế nào để chúng ta khơi dậy những tiềm năng du lịch nơi đây và biến “nền công nghiệp không khói” trở thành điểm thu hút du khách với những khám phá lý thú và mang đến những giá trị kinh tế thiết thực?
 
Xây dựng không gian du lịch
 
Từ trước tới nay du lịch Việt Nam vẫn mang tính tự phát, một số tuyến du lịch được thiết lập chỉ dừng ở việc bán vé và ai thích thì đăng ký, nếu không có thể tự đi nên con số khách nước ngoài vào VN du lịch rất lớn mà thực thu từ du lịch của Việt Nam lại rất thấp, nếu không nói là không có thu, bởi vậy, du lịch VN mới bị ví von là nền du lịch “Không đồng”. Tại Hồ Tây, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội cũng nằm trong tình trạng này. 
 
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, một kênh quảng bá hữu ích và không tốn kém, giới trẻ nô nức kéo về vùng trời nước mênh mang thơ mộng này để thực hiện những bộ hình đẹp, rất nhiều những đơn vị tư nhân đã nhanh tay khai thác lợi thế: đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí, không gian tham quan, chụp ảnh: vừa bán vé, vừa kết hợp làm dịch vụ và quảng bá thương hiệu. Trong khi đó, du lịch của chúng ta vẫn là… “không đồng”.


Chùa Trấn Quốc được mệnh danh là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới, đã có 1.500 năm tuổi.
 
Nên chăng, chúng ta cần kết hợp giữa các thành phần kinh tế, mô hình kinh tế và tận dụng các kênh quảng bá để đẩy “nền công nghiệp không khói” này trở thành một trong những “trọng điểm kinh tế”? Bên cạnh việc thúc đẩy các cá nhân, đơn vị tư nhân đầu tư khai thác thì Nhà nước phải đầu tư có hệ thống và thiết lập không gian du lịch trong một quy hoạch kiến trúc khoa học - phù hợp.
 
Với quần thể tâm linh, làm sao chúng ta vừa bảo tồn - bảo tàng - gìn giữ và phát huy những vốn cổ lâu đời lại vừa sửa sang, phát triển hài hòa, tiện lợi và phù hợp với đời sống hiện tại. Thiết lập các khu vực dịch vụ vệ tinh trong quần thể kiến trúc chung của không gian thắng cảnh theo trật tự và được khai thác triệt để, đúng mức dưới sự quản lý của Nhà nước hoặc các cấp chính quyền để không xảy ra tình trạng tranh giành, chen lấn, mất mỹ quan, mất trật tự. Thiết lập bia công đức, bia giới thiệu về thánh tích hoặc hình ảnh mô phỏng các câu chuyện cổ được nhân dân tôn kính trong khuôn viên thắng cảnh cũng là một trong những gợi ý để thu hút du khách và tận dụng các kênh quảng bá. Việc thực hiện nên có đội ngũ cố vấn là các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về lịch sử, văn hóa, tâm linh, kinh tế để làm sao đạt được hiệu quả cả về mặt thẩm mỹ - tâm linh và hiệu quả du lịch, kinh tế.
 
Với các làng nghề ven hồ, có nhiều làng nghề chỉ còn trong ca dao, tục ngữ hoặc đã bị mai một đi, hoặc tồn tại, sinh hoạt theo kiểu cá nhân, hộ kinh doanh và mạnh ai nấy sống, chúng ta nên đầu tư xây dựng không gian triển lãm gắn với điểm sản xuất, giới thiệu quy trình, giới thiệu sản phẩm và bán sản phẩm. Đồng thời tạo cơ chế để thu hút các nhà đầu tư, các nghệ nhân, các thế hệ tiếp nối trong những quy định nghiêm ngặt nhưng có lợi ích về mọi mặt.


Cổng làng Trích Sài, làng nghề dệt lĩnh nổi tiếng từ ngàn năm về trước.
 
Thúc đẩy kinh tế phải đầu tư hiệu quả
 
Lâu nay, nền kinh tế Việt Nam vẫn quẩn quanh trong mớ bòng bong bởi những hao hụt trong các dự án đầu tư của Nhà nước, trong khi đó, kêu gọi đầu tư tư nhân hiệu quả nhưng lại chịu những thiệt hại nặng nề bởi khâu « rải đường » và gây ra những phát sinh sau đó. Do vậy, giải quyết vấn đề này chỉ có thể là Nhà nước đứng về mặt chủ trương và công khai rõ ràng các quy định sau khi đưa ra bản quy hoạch tổng thể chung cho khu vực phát triển du lịch - kinh tế.
 
Muốn hết tình trạng “không đồng” và “bỏ túi” được với “nền công nghiệp không khói”, chúng ta không thể chỉ hô hào, kêu gọi không? Phải có phương án đầu tư hiệu quả và khơi dậy, duy trì, phát triển những tinh hoa truyền thống gắn với bản sắc dân tộc. Bởi nói về mặt hiện đại thì chúng ta thua xa các nước, trong khi đó, với xu hướng chung của sự phát triển, bản sắc độc đáo và nghệ thuật thủ công truyền thống mới là điểm đặc biệt thu hút các tầng lớp xã hội, đặc biệt là các “thượng đế” muốn tìm đến sự độc đáo và lạ lẫm.


Làng Quảng An - nơi có nghề ướp chè thủ công truyền thống nức tiếng gần xa.
 
Các ngôi chùa, ngôi đình, ngôi đền cũng đều gắn bó mật thiết với nhân dân về mặt văn hóa tâm linh, đời sống tinh thần và đời sống kinh tế. Do vậy, bên cạnh việc giới thiệu về nơi thờ tự, lịch sử hình thành và gìn giữ các điểm du lịch tâm linh, chúng ta nên tìm hiểu để thấy và giới thiệu cho du khách những mối liên hệ với đời sống nhân dân qua từng giai đoạn lịch sử, đặc biệt là gắn với đời sống tinh thần, đời sống kinh tế, để qua đó giới thiệu về các điểm danh thắng liên quan hoặc các ngành nghề, làng nghề có liên hệ một cách khéo léo, tinh tế, tránh tình trạng cò kéo hoặc quá lố dẫn tới mất thiện cảm.
 
Để tận dụng các kênh thông tin, quận Hồ Tây nên lập trang web riêng với các đầu mục nhằm quảng bá về từng khu di tích, các làng nghề, văn hóa, ẩm thực, điểm đến… Việc đưa tin kịp thời, đầy đủ, kèm hình ảnh minh họa sống động là một cách quảng bá hữu hiệu, phù hợp với xu thế và đỡ tốn kém nhất.
 

Thục Nhi/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...