THỨ HAI, NGÀY 06 THÁNG 05 NĂM 2024 06:50

Thầy giáo xin điện thoại cũ về "nâng cấp" tặng học sinh nghèo học online

29/10/2021 | 07:15
Trong bối cảnh đại dịch, nhiều học sinh nghèo không có thiết bị học trực tuyến, thầy giáo Nguyễn Ngọc Dũng đã quyết định bỏ tiền túi và kêu gọi mọi người hỗ trợ điện thoại, laptop cũ, hỏng để mang về sửa chữa rồi tặng cho các em. Việc làm ý nghĩa của thầy Dũng đã giúp nhiều học sinh khó khăn không bị gián đoạn việc học trực tuyến.

“Chắp cánh ước mơ” cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn

Bé Nguyễn Thị Khánh Ngọc (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) gia cảnh khó khăn, mẹ không có tiền mua điện thoại thông minh phục vụ việc học của con, nhưng rất may, cô bé đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Chiếc iPad được tặng cho bé Khánh Ngọc nằm trong chương trình "Tiếp sức em thơ, giúp em học online". Đây là chương trình do thầy giáo Nguyễn Ngọc Dũng – giảng viên thỉnh giảng Đại học Phương Đông (cùng trú trên địa bàn), khởi xướng nhằm vận động kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ, trao tặng điện thoại thông minh, iPad cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, học sinh THCS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Phù Đổng.

Thầy Dũng bọc điện thoại cẩn thận trước khi mang tới trường tặng học sinh nghèo. Ảnh: Trường Hùng

Thầy Dũng bọc điện thoại cẩn thận trước khi mang tới trường tặng học sinh nghèo. Ảnh: Trường Hùng

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ, đối với nhiều người điện thoại cũ chỉ là đồ bỏ đi, nhưng chỉ cần chịu khó sửa chữa, nâng cấp thì nó lại là những món đồ rất có ý nghĩa đối với những học sinh nghèo.

Chia sẻ về việc làm nhân văn này, thầy Dũng kể: Con tôi năm nay học lớp 3. Sau khi tôi dự cuộc họp phụ huynh online với nhà trường về nhiệm vụ năm học mới, tôi thấy ban giám hiệu nhà trường phản ánh là còn có những em học sinh không có thiết bị học trực tuyến. Tôi cứ trăn trở mãi. Tôi nghĩ dịch bệnh đã khiến các con phải chịu quá nhiều thiệt thòi vì phải học online, nhưng nay đến cả việc học ấy nhiều con cũng không có khả năng theo được vì thiếu thiết bị. Tôi thật sự muốn làm một việc gì đó giúp các con.  

Ngay ngày hôm sau, thầy Dũng lên trang facebook cá nhân đăng status muốn xin anh em, bạn bè những chiếc điện thoại, laptop cũ để sửa chữa, nâng cấp tặng những học sinh có hoàn cảnh khó khăn với mong muốn "Tiếp sức em thơ, giúp em học online" cho học sinh nơi mình sinh sống.

Thấy việc làm ý nghĩa của thầy Dũng, nhiều người đã nhắn tin, gọi điện muốn tặng thầy những thiết bị mà mình không dùng đến. “Ban đầu, tôi đặt mục tiêu là tìm đủ 20 chiếc máy để tặng cho 20 học sinh không có thiết bị học tập ở các cấp học trên địa bàn xã trước ngày khai giảng. Tôi xin cả máy tính, máy tính bảng, điện thoại, nhưng chủ yếu là xin điện thoại cũ vì nguồn cung dồi dào hơn. Hơn nữa, dù điện thoại màn hình bé nhưng tính cơ động cao. Những em ở trọ hoặc hay di chuyển theo bố mẹ mà điều kiện nhà cửa chưa có thì việc cung cấp 1 sim điện thoại dễ hơn cấp dây cáp Internet, mua tặng gói cước cũng linh hoạt hơn”, thầy Dũng nói.

Thầy Dũng và anh Tiến thức đêm sửa chữa, cài đặt điện thoại cũ.

Thầy Dũng và anh Tiến thức đêm sửa chữa, cài đặt điện thoại cũ.

Đồng hành với thầy Dũng còn có anh Nguyễn Văn Tiến (Bí thư Chi đoàn thôn Phù Đổng 2, xã Phù Đổng huyện Gia Lâm, Hà Nội). Anh Tiến kể lại: “Thời điểm đó mình đang trực chốt phòng chống dịch nên anh em bàn nhau tranh thủ sửa chữa, cài đặt điện thoại mọi người gửi về để hỗ trợ các em học sinh khó khăn. Lâu nay, mình vẫn làm công việc sửa chữa điện thoại nên khi nghe kế hoạch của anh Dũng, mình ủng hộ và tham gia ngay”.

Chia sẻ về quá trình sửa chữa điện thoại, laptop thầy Dũng nói rằng mình cũng gặp phải một số khó khăn do đa số là máy cũ, máy hỏng, thiếu linh kiện. Nhiều máy gửi đến bị rơi vỡ màn hình nên thầy Dũng phải mua màn hình thay mới. Để có tiền sửa chữa điện thoại cũ, thầy Dũng đã phải bỏ ra một số tiền mà theo thầy là “Tuy không nhiều nhưng có khi cũng bằng cả tháng lương của tôi. Cũng may, nhiều bạn bè thấy tôi làm việc này đã ủng hộ tiền hoặc hiện vật. Tôi cố gắng sửa được 20 cái đủ để trao tặng cho số học sinh thiếu thiết bị mà xã đã cung cấp số liệu trước đó. Nhưng khi Chính phủ triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em”, tôi quyết định sẽ kéo dài việc làm của mình để có cơ hội giúp đỡ thêm nhiều học trò nghèo.

Cô Vương Thị Quyên (thứ hai từ phải sang) - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng - nhận điện thoại hỗ trợ cho học sinh nghèo từ thầy Dũng (áo trắng). Ảnh: Trường Hùng

Cô Vương Thị Quyên (thứ hai từ phải sang) - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng - nhận điện thoại hỗ trợ cho học sinh nghèo từ thầy Dũng (áo trắng). Ảnh: Trường Hùng

Để đảm bảo việc học hành của các em không bị gián đoạn vì máy móc hỏng hóc, sau mỗi chiếc điện thoại thầy Dũng đã ghi số điện thoại của mình lên đó. “Tôi làm thế là để nếu có sự cố thì phụ huynh học sinh có thể gọi ngay cho tôi để tôi đến sửa kịp thời”, thầy Dũng nói. Đồng thời, thầy cũng hỗ trợ đăng ký sim và thanh toán tiền mạng cho học sinh được nhận máy.

Dự định của thầy Dũng là sau khi sửa chữa được thêm một số điện thoại khác thầy sẽ gửi tới Thành đoàn Hà Nội để nhờ tổ chức này chuyển đến những em học sinh đang cần thiết bị học tập online.

Bản thân thầy Dũng cũng mong muốn việc làm của mình sẽ được lan tỏa, để nhiều nơi trên cả nước sẽ có những người tình nguyện thu gom và sửa chữa những thiết bị cũ hỏng tặng các em học sinh để không trẻ em nào bị gián đoạn việc học tập.

Thầy Đới Đăng Hân – Hiệu trưởng Trường Phù Đổng đã thay mặt nhà trường nhận 6 chiếc điện thoại do thầy Dũng trao tặng. Thầy Hân cho biết: “Việc làm của thầy Dũng cùng một số nhà hảo tâm đã giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể học trực tuyến như bao bạn bè khác. Đây là việc làm hết sức kịp thời và nhân văn”.

Khi được hỏi sẽ làm việc này đến khi nào thì thầy Dũng nói rằng mình sẽ tiếp tục làm đến khi nào các em có thể trở lại trường học bình thường. Khi cùng các thầy cô đến tận nhà trao tặng điện thoại cho một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thầy Dũng đã rất xúc động trước sự cảm kích mà gia đình của những học sinh ấy dành cho mình. Thầy chia sẻ: Ấn tượng với tôi là một em bé có người bố không được khỏe mạnh bình thường. Em được nhận điện thoại khi mẹ đang chở em trên chiếc xe đạp thồ, mẹ em òa khóc nức nở, cô giáo hiệu trưởng và tôi khi đó cũng không nói nên lời. Trước hoàn cảnh của em, chúng tôi đã hỗ trợ thêm tiền, gạo và nhu yếu phẩm để gia đình em đỡ phần nào nỗi lo toan giữa mùa dịch.

Làm thiện nguyện vì bản thân cũng từng gian khó

Dù gia đình còn rất khó khăn nhưng thầy Dũng luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện, lan toả những hành động đẹp đến mọi người. Suốt 6 năm qua, thầy Nguyễn Ngọc Dũng tham gia hoạt động tình nguyện trên một fanpage mang tên quê hương của mình - “Phù Đổng TV”. “Tôi làm quảng cáo cho các doanh nghiệp không thu phí, bù lại, doanh nghiệp hỗ trợ tôi công tác thiện nguyện cho người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trẻ em. Một số bạn bè và mạnh thường quân rất ủng hộ tôi làm việc này.

Con tôi từng mắc bệnh và rơi vào tình cảnh nguy hiểm, nằm ròng rã 6 tháng trời ở viện. Ở đó, tôi nhận được cơm, sữa, bỉm của rất nhiều người gửi tặng. Đến khi con chiến thắng bệnh tật, tôi bắt đầu công cuộc hỗ trợ cho trẻ em, bắt đầu từ chính Bệnh viện Nhi Trung ương, rồi Bệnh viện K... Đối tượng tôi hướng tới là trẻ em”, thầy Dũng trải lòng.

Cuộc đời trải qua nhiều biến cố nên thầy Dũng rất trân trọng những gì đang có và luôn muốn được san sẻ tình yêu thương, giúp đỡ được nhiều mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống.

Việt Cường
Chiêm ngưỡng 10 mẫu xe đẹp mắt nhất hiện nay

Chiêm ngưỡng 10 mẫu xe đẹp mắt nhất hiện nay

1 tháng trước

Trước kia, việc tìm xe 7 chỗ đẹp tại Việt Nam khá khó khăn. Tuy nhiên từ khi các dòng xe 7 chỗ nhập khẩu tràn về Việt Nam, người dùng có nhiều lựa chọn xe hơi 7 chỗ đẹp, tiện nghi và an...
Thiếu nhi Bình Phước “Cùng em học trực tuyến”

Thiếu nhi Bình Phước “Cùng em học trực tuyến”

2 năm trước

Chương trình “Cùng em học trực tuyến” của Hội đồng Đội Trung ương đã đến với học sinh khó khăn không có thiết bị học tập trực tuyến trên địa bàn tỉnh Bình Phước.