THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 05 NĂM 2024 12:41

Thầy tôi!

18/11/2020 | 20:42
Cứ mỗi lần nghe những ca từ này, tôi lại liên tưởng đến người thầy giáo già năm xưa của mình với niềm thương nhớ dâng trong lòng. Thầy là Vũ Văn Sáu quê ở Phù Cừ, Hưng Yên. Giờ đây, thầy đã đi xa, nhưng hình ảnh của thầy và những câu chuyện được dân làng kể lại vẫn vẹn nguyên trong kí ức…
 
 Từ một miền quê lam lũ nghèo khó, với khao khát được đứng trên bục giảng để dạy chữ cho những đứa trẻ quê, thầy đã nỗ lực học tập và đỗ vào Trường Sư phạm Tiểu học. Ra trường, thầy đã dành trọn tâm huyết cho nghề “gõ đầu trẻ”. Ngày đêm không quản ngại vất vả, thầy đến từng nhà, dạy từng trò, làm thay đổi nhận thức của người dân về việc học. Thầy muốn truyền cho lớp trẻ ý chí quyết tâm học để thay đổi cuộc sống, học để phục vụ quê hương, đất nước. 
 
 
Từ ngày có thầy giáo trẻ nhiệt huyết, phong trào học của làng quê nghèo có nhiều khởi sắc. Bà con tin cậy, học trò ngày càng ham học. Nhưng đó cũng là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mĩ diễn ra vô cùng ác liệt ở cả hai miền Nam - Bắc. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tất cả vì miền Nam ruột thịt, hàng vạn nhà giáo, sinh viên, thanh niên miền Bắc đã tình nguyện “Nam tiến” với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Thầy của tôi cũng trong đoàn quân đó. Tuổi thanh xuân đẹp nhất của đời người, thầy đã dành trọn cho nơi chiến trường máu lửa, góp phần nhỏ bé vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến tranh kết thúc, những người con “Bắc tiến” may mắn trở về quê hương trong niềm vui và hạnh phúc của người thân. Hành trang ra trận của thầy tôi là sức khỏe, là nhiệt huyết, là ý chí chiến đấu, thì nay trở về là một cơ thể không lành lặn. Bom đạn ác liệt đã cướp đi một nửa chân phải và cụt hai ngón cuối của bàn tay trái của thầy, cùng những mảnh đạn còn găm trên thân thể chưa lấy ra được. Phải chống nạng, bước đi tập tễnh, sức khỏe giảm sút, nhưng với bản lĩnh và nghị lực kiên cường và với tình yêu con trẻ, mong muốn được đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của quê hương, thầy lại tiếp tục công việc dạy học.
 
Là người có tính kiên nhẫn, cẩn thận và tận tâm, thầy thường được phân công đón lớp đầu cấp “Vỡ lòng” và theo lên lớp Một. Ngày ấy, thầy nổi tiếng về viết chữ đẹp và có tài rèn chữ cho học trò. Nét chữ cũng như tính cách con người thầy: chỉnh chu, cẩn trọng, mực thước nhưng vẫn toát lên cái thanh cao, bay bổng của tâm hồn. Những thế hệ đã được thầy dạy thì gần như không có ai chữ xấu. Cha mẹ nào cũng muốn con mình được thầy rèn, không chỉ chữ viết mà còn cả tính cách. Thầy nghiêm khắc mà bao dung, giàu lòng vị tha và rất mực yêu thương học trò. Tôi may mắn được học lớp thầy. 
 
Thầy dạy chúng tôi bằng tất cả sự tận tâm tận lực của mình. Tuy còn nhỏ nhưng tôi đã cảm nhận được điều đó. Tôi vẫn nhớ như in dáng thầy lom khom, bước chân tập tễnh trên bục giảng trong mỗi buổi học. Đôi bàn tay không còn lành lặn mà tỉ mỉ, kiên nhẫn uốn nắn từng nét chữ đầu tiên còn run rẩy, nghuệch ngoạc của trò. Thầy thật gần gũi và thân thương!
 
Kết thúc năm học “Vỡ lòng”, chúng tôi lại được thầy theo lên lớp Một. Thầy vẫn cần mẫn và dày công với từng học trò và chúng tôi đã đọc thông viết thạo, biết làm những phép tính đơn giản. Không có áp lực gì, nên mỗi ngày lại thích đến trường hơn, yêu quý thầy hơn. Thầy không chỉ dạy chữ viết mà còn dạy học trò những bài học làm người. Thầy dạy chúng tôi tính cẩn thận, chăm chỉ, biết làm những việc nhà, biết yêu thương giúp đỡ người khác, không làm việc xấu, việc ác… 
 
 
Thầy đã dạy chúng tôi bằng chính tấm gương đạo đức của mình. Đó là sự tận tụy với từng học sinh, tình yêu thương quan tâm giúp đỡ mọi người, đức hi sinh và lòng vị tha. Thầy đã cưu mang những trò có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nấu cơm cho ăn và dạy bảo hằng ngày. Ai cần giúp đỡ, thầy đều nhiệt tình bằng tất cả khả năng và điều kiện của mình. Thầy đã trở thành niềm tin cậy, điểm tựa tinh thần của nhiều người. Lên lớp, bao giờ thầy cũng chỉnh tề với những bộ quần áo phẳng phiu, sạch sẽ. Sức khỏe giảm sút, luôn đau ốm nhưng tư thế, tác phong của thầy vẫn khoan thai chững chạc; giảng bài vẫn say sưa, nhiệt huyết. Khi trái gió trở trời, thầy phải nín nhịn cả những cơn ho như xé phổi để không làm ảnh hưởng đến bài học. Thầy muốn thật hoàn hảo trong mắt học trò từ những cái nhỏ nhất. Thầy là một tấm gương cho học sinh noi theo, đồng nghiệp nể phục, phụ huynh tin tưởng, kính trọng. Có trò nào ở nhà hư, bố mẹ không bảo được đều nhờ thầy dạy dỗ. Và chỉ một thời gian ngắn là ngoan ngoãn, chăm chỉ đến lạ kì. Không cần phải nặng lời, chỉ bằng tình yêu thương, sự thấu hiểu, thầy đã cảm hóa được cả những trò ngang bướng nhất. Còn với những học trò nhiều lần mắc lỗi, thầy có một hình phạt không giống ai là bắt trồng và chăm sóc một cây xanh trong khuôn viên trường. Hằng ngày, phải tưới tắm cho cây xanh tốt, nếu để chết sẽ bị phạt gấp đôi. Thầy gọi đó là “hàng cây kỉ luật”. Tuổi học trò “nhất quỷ nhì ma” không tránh khỏi những lần mắc lỗi. Trong những năm thầy đứng lớp, một hàng cây xanh tốt nối dài trước cổng trường. Nhìn hàng cây, học trò lại nhớ những lần mắc lỗi của mình, nhớ đến người thầy nghiêm khắc với hình phạt độc đáo “hàng cây kỉ luật”.
Đã mấy chục năm qua đi, hình ảnh thầy luôn hiển hiện trong tâm trí tôi. Đó là một ông giáo già có vẻ mặt nghiêm nghị, khắc khổ. Người gầy yếu, tập tễnh từng bước khó nhọc, suốt đời đi bộ trên con đường làng để dạy chữ, dạy làm người cho bao thế hệ. Trên đầu thầy đội chiếc mũ cối của chiến trường năm xưa, cắp bên mình chiếc cặp da đã cũ sờn bốn góc cùng cái thước gỗ dài. Cái thước đó vừa để kẻ bảng, vừa để gõ những nhịp đều đều xuống bàn cho cả lớp đọc theo và cũng là để… trị những trò hư. Nhiều phụ huynh còn nài nỉ “xin thầy cứ đánh thật đau để cháu nên người”. Nhưng chưa cần đánh, trò đã sợ, đã nể. 
 
 
Suốt cả cuộc đời, thầy Vũ Văn Sáu không có một mái ấm riêng cho mình. Thầy không lập gia đình, không có vợ con mà dành trọn sức lực, tâm huyết của mình cho sự nghiệp trồng người. Cả đời làm thầy thanh cao, không có một tài sản vật chất gì đáng giá, chỉ có nhân cách đáng nể trọng. Bao nhiêu năm gắn bó với ngôi trường quê nghèo, thầy đã dạy nhiều lớp học trò trở thành người tử tế, sống nhân hậu, nghĩa tình. Thầy tôi đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, xứng đáng với lời khen của Bác lúc sinh thời: “Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng Huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. 
 
Thời gian trôi đi, mọi thứ có thể chìm vào quên lãng, nhưng hình ảnh thầy và “hàng cây kỉ luật” đã sống mãi trong tâm tưởng của bao thế hệ học trò. Mỗi dịp cuối năm về quê, tôi thường ra mộ thắp cho thầy nén tâm hương. Thời tiết đã vào đông, gió bấc thổi vi vút trên bầu trời hanh heo xám ngắt. Ngôi mộ của thầy nằm bình dị như bao ngôi mộ khác trong nghĩa trang làng. Vẫn miên man một loài dã cúc nở xòe năm cánh đơn trắng muốt. Loài hoa cứ vô tư nở, nở giữa khô cằn nắng gió, nở và không có ý định dành cho ai cả… Và, tôi đã nhận ra đó là sự giản dị vĩ đại của tự nhiên. Tôi càng thấy thiêng liêng và xúc động hơn về quê hương - nơi có Thầy tôi!

 

Phạm Thị Hường - THCS Phú Diễn, Hà Nội /GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...