THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 06:04

Thích ứng để phát triển với ChatGPT

28/02/2023 | 11:19
Sự ra đời của ChatGPT trong thời gian gần đây đã và đang thách thức hệ thống giáo dục trên toàn thế giới. Điều này đòi hỏi sự thích ứng của cả người dạy và học nhằm phát huy những thế mạnh của công nghệ, đồng thời tạo ra cơ hội trong giáo dục.
ChatGPT mang lại lợi ích và thách thức cho người sử dụng.

ChatGPT mang lại lợi ích và thách thức cho người sử dụng.

 

Bước tiến của những công cụ tìm kiếm

Trên thế giới, Google - công cụ tìm kiếm hữu hiệu, góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân trên khắp thế giới đã ra đời hơn 24 năm. Ở thời điểm ra mắt, Google đã nhận không ít những ý kiến trái chiều, nhất là các bậc cha mẹ bày tỏ sự lo ngại khi trẻ em quá ỷ lại vào công cụ tìm kiếm này sẽ khiến não bộ lười vận động và bị ảnh hưởng từ những thông tin xấu, độc... Tuy nhiên, Google đã nhanh chóng khẳng định là một công cụ tìm kiếm giúp trẻ em, học sinh tìm hiểu kiến thức trong mọi lĩnh vực.

Sau Google, sự ra đời của các nền tảng trực tuyến có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) khác như Facebook, Twitter, Instagram, Tiktok... và gần đây nhất là ChatGPT, một lần nữa lại đặt các nhà quản lý, giáo dục, các bậc cha mẹ vào việc dạy con trẻ ứng xử sao cho phù hợp để công cụ này mang lại lợi ích, hạn chế rủi ro.

Theo các chuyên gia lĩnh vực công nghệ thông tin, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo trong mọi ngành nghề và cuộc sống là điều đã được dự báo từ trước, nên sự ra đời của ChatGPT - công cụ được mệnh danh là trí tuệ nhân tạo thông minh nhất thế giới (ở thời điểm hiện tại) là điều tất yếu. Khác với các ứng dụng thông thường, ChatGPT có thể trả lời bất cứ câu hỏi nào mà người dùng nêu ra, thậm chí có thể viết một bài văn, bài luận về bất cứ chủ đề gì được yêu cầu. ChatGPT cũng có thể tự sửa lỗi trong các cuộc thảo luận và phát triển các câu trả lời chính xác hơn. Chính sự thông minh vượt trội này đã dấy lên những lo ngại về “tính trung thực” sau khi nhiều học sinh, sinh viên dùng ChatGPT để làm bài thi. Một khảo sát từ nhà cung cấp khóa học trực tuyến Study.com với 1.000 sinh viên đại học trên 18 tuổi ở Mỹ cho thấy, có tới 89% số người được hỏi thừa nhận đã sử dụng ChatGPT khi hoàn thành bài tập về nhà. Đáng chú ý, một sinh viên ở Nga lên Twitter thừa nhận đã dùng sự trợ giúp của ChatGPT để viết xong luận văn tốt nghiệp (Trường Đại học Nhân văn Quốc gia) chỉ sau 23 giờ và đạt được điểm số tối thiểu đã gây nhiều tranh cãi cho những người làm công tác giáo dục.

Các chuyên gia tại Tọa đàm về sản phẩm ChatGPT do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Các chuyên gia tại Tọa đàm về sản phẩm ChatGPT do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Ngăn chặn hay thích ứng với Chat GPT?

Trong khi giới học sinh, sinh viên tỏ ra vô cùng hào hứng với công cụ này thì các nhà quản lý giáo dục lại bày tỏ lo ngại rằng sự ra đời của ChatGPT có thể dẫn đến việc học sinh, sinh viên lười suy nghĩ, thiếu tính sáng tạo cũng như chất lượng thông tin ChatGPT cung cấp người dùng. Hiện nhiều trường đại học trên thế giới đã cấm sinh viên sử dụng ChatGPT để làm bài tập ở nhà. Một số trường đại học khác cũng có kế hoạch giảm các bài kiểm tra làm tại nhà và tăng bài nói và viết tại lớp, thay đổi định dạng các bài thi để sinh viên không thể dùng trí tuệ nhân tạo khi làm bài. Nhiều ý kiến khác cho rằng, cần sử dụng chính các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo để xác định học sinh, sinh viên có nhờ ChatGPT “làm bài tập” hay không...

Bên cạnh những ý kiến phản đối, cũng có không ít ý kiến cho rằng, thay vì lo lắng tới tác động tiêu cực, các tổ chức giáo dục nên tìm ra các giải pháp để thích nghi và tận dụng sức mạnh của ứng dụng này. Trong đó, yếu tố cần phải đào tạo hiện nay là tư duy thích ứng để khi tiếp cận với những công nghệ mới, mỗi người sẽ có những đối sách phù hợp.

Nhận thức rõ cơ hội cũng như thách thức của ChatGPT và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, nhiều cơ quan, đơn vị đã tổ chức những buổi tọa đàm, hội thảo nhằm tìm ra giải pháp sử dụng và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giáo dục. Theo các chuyên gia, trước mắt cần dạy cho người học hiểu mặt tích cực và hạn chế, cũng như việc sử dụng ChatGPT một cách có trách nhiệm.

Nhấn mạnh vai trò của giáo viên trong việc ý thức được mình là người dẫn dắt học sinh chứ không chỉ truyền thụ kiến thức như trước đây, các chuyên gia cũng phân tích và chỉ rõ, ChatGPT chỉ là công cụ tổng hợp lại các dữ liệu, kiến thức có sẵn của thế giới, nó không hề có sự sáng tạo, gợi mở mới hay tài liệu mới nên không thể thay thế giáo viên hay người học. “Chính con người nói chung và học sinh, giáo viên nói riêng mới là chủ thể sử dụng và chi phối ChatGPT” - bà Lê Tuệ Minh, Chủ tịch hội đồng trường Edison nhận xét.

Theo PGS, TS. Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội), việc cấm sinh viên sử dụng ChatGPT là một quan điểm bảo thủ, bởi công nghệ giúp việc giảng dạy tốt hơn, hiểu sinh viên hơn.

Ông Phùng Việt Thắng, Phó Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam cho rằng, lợi ích của ChatGPT phụ thuộc vào năng lực tận dụng của người sử dụng. Vấn đề đặt ra là người dạy, người học cần tìm ra cách tận dụng “vị trợ lý” này một cách hiệu quả.

Nhìn nhận ChatGPT như một cơ hội cho người học, TS. Nguyễn Thành Nam (nhà sáng lập FUNiX) cho rằng, mục tiêu cuối cùng của giáo dục là tự học, lâu nay, người học thường ngại hỏi, không dám hỏi, trong khi đó, ChatGPT cho phép người học hỏi không giới hạn...

Ở góc độ quản lý, PGS. TS. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, công nghệ này sẽ tác động một cách căn bản và toàn diện tới mọi mặt trong ngành Giáo dục, từ chương trình giáo dục cho tới vai trò người thầy, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu, cách tiếp cận với tri thức của người học. “Chúng ta không quá hào hứng nhưng cũng không quá lo ngại hay hoảng sợ. Cách tốt nhất để hiểu nó, chính là dùng nó để trải nghiệm và tiếp tục làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT mang lại... Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu vấn đề một cách thấu đáo để có điều chỉnh kịp thời và hiệu quả trong thời gian tới", ông Sơn nêu quan điểm.

Theo đánh giá chung của các chuyên gia trong nước và quốc tế, để nhìn rõ bản chất của ChatGPT và trí tuệ nhân tạo cần đứng ở nhiều góc độ từ đó có chính sách quản lý, hỗ trợ và phát huy những tính năng, lợi thế cũng như hạn chế những mặt trái, tác động tiêu cực của công cụ này mang lại.

Xuân Quang
Khởi động Cuộc thi 'Trường học không ma tuý'

Khởi động Cuộc thi "Trường học không ma tuý"

5 tháng trước

Ngày 4/11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an cho biết đang phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức cuộc thi "Trường học không ma tuý" dành cho...
Tạm dừng công tác nữ giáo viên miệt thị học sinh trong lớp

Tạm dừng công tác nữ giáo viên miệt thị học sinh trong lớp

1 năm trước

Nữ giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An) bị tạm dừng công tác chủ nhiệm do bị tố có lời lẽ xúc phạm, miệt thị học sinh liên quan đến quy trình thu tài trợ giáo dục.
Triển lãm những thiết kế đồ họa đoạt giải của sinh viên Trường ĐH Duy Tân

Triển lãm những thiết kế đồ họa đoạt giải của sinh viên Trường ĐH Duy Tân

1 năm trước

Chiều 26/2, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với Trường ĐH Duy Tân tổ chức Triển lãm trưng bày các thiết kế đồ hoạ của sinh viên đã giành được nhiều giải thưởng tại các...
Gần 5.000 học sinh Đà Nẵng tham gia chương trình Tư vấn mùa thi

Gần 5.000 học sinh Đà Nẵng tham gia chương trình Tư vấn mùa thi

1 năm trước

Sáng 26/2 tại Đà Nẵng, 5.000 học sinh khối 12 của thành phố đã tham gia chương trình Tư vấn mùa thi năm 2023. Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Báo Thanh Niên và các đơn...
Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới linh hoạt, phù hợp với từng địa phương

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới linh hoạt, phù hợp với từng địa phương

1 năm trước

Hiện ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở năm thứ ba. Sáu khối lớp đang thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa gồm: Lớp...