THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 04:27

Thúc đẩy bình đẳng giới trong Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

08/08/2019 | 16:36

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà dự và chủ trì Hội thảo. 

 

Trước đó, Bộ LĐTBXH đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến với nhiều cấp chuyên gia, các tổ chức về dự thảo Bộ luật Lao động, có nhiều ý kiến của chuyên gia, người dân quan tâm đến nội dung Bộ luật có tác động đến đời sống của nhiều người, bao gồm cả vấn đề lao động nữ và vấn đề bình đẳng giới.

Một số nội dung bình đẳng giới của Bộ luật Lao động năm 2012 không còn phù hợp

Thực hiện Nghị quyết số 57/2018/QH14 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019). Trong thời gian qua, Ban soạn thảo – Tổ biên tập của Bộ cùng với các tổ chức và các bên liên quan đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên gia, hội thảo tham vấn về các chế định chuyên sâu, trong đó có nội dung về chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong dự thảo Bộ Luật, lấy ý kiến tác động của công đoàn, người lao động, giới chủ sử dụng lao động… Cho đến nay Dự thảo đang trong giai đoạn chỉnh lý, hoàn thiện để chuẩn bị trình Quốc hội. 

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Bình đẳng, không phân biệt đối xử là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Về cơ bản, Bộ luật Lao động năm 2012 đã bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới. Cụ thể, hầu hết các quy định của Bộ luật Lao động đều được áp dụng chung cho cả 2 giới nam và nữ. Bên cạnh đó, xuất phát từ những đặc điểm tự nhiên và xã hội đặc thù, Bộ luật Lao động 2012 đã dành hẳn một chương đưa ra những quy định riêng đối với lao động nữ. Những quy định này đảm bảo quyền và lợi ích của lao động nữ khi tham gia thị trường lao động.

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vận hành theo cơ chế thị trường và hội nhập khu vực và quốc tế, cũng như trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, việc thực hiện các quy định liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới của Bộ luật Lao động năm 2012 đã bộc lộ một số vấn đề có thể không còn phù hợp. Có những quy định bảo vệ lao động nữ, mặc dù mục đích hướng đến là tốt và không phân biệt đối xử, song trên thực tế có thể dẫn đến phân biệt đối xử như: cấm một số công việc không được sử dụng lao động nữ, quy định về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ thấp hơn lao động nam. Một số biện pháp bảo vệ lao động nữ nhưng đến nay còn mang định kiến giới như: chế độ trợ cấp chi phí gửi trẻ, quyền nghỉ việc để thực hiện các biện pháp tránh thai, chăm sóc con ốm… chỉ được quy định đối với lao động nữ mà không được quy định đối với lao động nam. 

Bà Phan Thanh Minh, Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) cho rằng, đây là Bộ luật duy nhất có đánh giá tác động về giới. Trong báo cáo đánh giá tác động giới và đánh giá tác động xã hội của Dự án Bộ luật sửa đổi đã chỉ ra một số nội dung không khả thi do thiếu quy định cụ thể phù hợp như vấn đề phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, chính sách đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ v.v… 
 
 
Các đại biểu dự Hội thảo.


Sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn và cam kết quốc tế

Khẳng định việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này là cơ hội để các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới cho phù hợp với thực tiễn của quốc gia và bắt kịp xu thế toàn cầu, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn các đại biểu dự Hội thảo cùng thảo luận các vấn đề thiết thực về việc thực hiện Bộ luật Lao động từ năm 2012 đến nay, cho phù hợp với thực tiễn và với các cam kết quốc tế của Việt Nam. 

Tại Hội thảo, các đại biểu là đại diện các đơn vị chức năng của Bộ LĐTBXH, Hội LHPNVN và tổ chức xã hội trình bày về quan điểm và định hướng bổ sung, sửa đổi tập trung thảo luận về các nội dung có liên quan, trên cơ sở việc sửa đổi, bổ sung các chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới phải phù hợp với các nguyên tắc hiến định tại Hiến pháp năm 2013, đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đảm bảo sự tương thích với các Công ước quốc tế mà nước ta đã tham gia như Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). 

Cách tiếp cận “bảo vệ lao động nữ” sang cách tiếp cận “thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo quyền” đối với cả hai giới, lao động nam và lao động nữ cũng được đề cập đến trong Hội thảo. Theo đó, cần quy định về các biện pháp nhằm bảo đảm thúc đẩy bình đẳng giới trên thực tế và quy định bảo vệ thai sản đối với cả lao động nam và lao động nữ, với các biện pháp, quy định cụ thể. 

Với mục tiêu tham vấn một số nội dung liên quan đến các chính sách đối với lao động nữ, góp phần tạo sự đồng thuận giữa các chuyên gia, từ đó tìm được sự đồng thuận của cử tri cả nước và sự đồng thuận của các đại biểu Quốc hội trên cơ sở ý kiến của nhiều tầng lớp người dân... Những ý kiến góp ý tích cực và trách nhiệm tại Hội thảo sẽ được tổng hợp vào nội dung dự thảo Bộ luật Lao động một cách có chất lượng nhất, vừa thể hiện ý chí của đại đa số nhân dân, vừa phù hợp trình độ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
 
Chia sẻ về vấn đề bình đẳng giới trong tuổi nghỉ hưu, ông Phạm Trường Giang (Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐTBXH) cho biết: Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu góp phần ứng phó thiếu hụt nhân lực trong tương lai không xa, thu hẹp dần khoảng cách giới; Nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội; tăng cơ hội việc làm và thăng tiến của phụ nữ, giúp nữ giới bình đẳng hơn trong việc làm; góp phần đảm bảo tính bền vững về mặt xã hội và tài chính của hệ thống an sinh xã hội. Thúc đẩy tăng tưởng kinh tế: đóng góp tăng trưởng hàng năm khoảng 0,218%/năm. 

Thảo Vân/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.