CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 12:56

Thúc đẩy giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ em

08/06/2020 | 14:44
 
Đề xuất đưa khám, điều trị SDD cấp tính vào Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi)
 
Tại hội thảo “Góp ý Quy định về điều trị suy dinh dưỡng nặng đối với trẻ em trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)”, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho biết, hội thảo nhằm đánh giá rõ tình trạng SDD và SDD nặng cấp tính trẻ em ở Việt Nam; tác hại của bệnh SDD trẻ em đến tương lai của đất nước và đề xuất những giải pháp điều trị tích cực nhằm hạn chế bệnh SDD nặng cấp tính trẻ em, đồng thời, hướng đến hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), trong đó quy định rõ việc “Sử dụng thuốc trong khám bệnh, chữa bệnh và sản phẩm chuyên biệt điều trị SDD nặng cấp tính cho trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi” (Điều 84).


Hội thảo “Góp ý Quy định về điều trị suy dinh dưỡng nặng đối với trẻ em trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
 
Suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến trí tuệ, thể chất, khả năng học tập của trẻ
 
Theo bà Đỗ Hồng Phương, chuyên gia chính sách dinh dưỡng - UNICEF Việt Nam, SDD là một bệnh được liệt kê trong Danh mục phân loại bệnh tật quốc tế (ICD-10 và ICD-11) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phần các bệnh về chuyển hóa, dinh dưỡng và nội tiết. SDD là bệnh có thể ngăn ngừa và điều trị được. SDD dẫn đến 45% các ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi (tương đương hơn 3 triệu ca tử vong trẻ em mỗi năm trên toàn cầu). Thiệt hại do SDD thấp còi gây ra đối với quá trình phát triển của trẻ nhỏ là vĩnh viễn và không khắc phục được,  làm tăng nguy cơ tử vong và suy giảm khả năng phát triển cả về thể chất cũng như trí tuệ. Trẻ SDD khi trưởng thành dễ mắc các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, béo phì, khả năng học tập kém. SDD cũng liên quan đến giảm khả năng và năng suất lao động, làm giảm 10% thu nhập suốt đời, từ đó làm suy yếu nguồn nhân lực, làm tăng trưởng kinh tế toàn xã hội giảm ít nhất 8%.


Bà Đỗ Hồng Phương, chuyên gia chính sách dinh dưỡng - UNICEF Việt Nam chia sẻ về “Phòng chống suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em - Một ưu tiên toàn cầu”.
 
Việt Nam có thể thu được nhiều lợi ích từ một gói các can thiệp dinh dưỡng hiệu quả
 
Bà Đỗ Hồng Phương cho biết, Việt Nam có thể thu được nhiều lợi ích từ một gói các can thiệp dinh dưỡng cụ thể hiệu quả nhằm thúc đẩy cải thiện dinh dưỡng. Năm 2017, Ngân hàng Thế giới đã ước tính tỷ lệ hoàn vốn của độ bao phủ 90% từ gói can thiệp này tại 34 quốc gia, trong đó Việt Nam có tỷ lệ hoàn vốn cao nhất. Đối với mỗi đô la Mỹ mà Việt Nam đầu tư vào gói này, mức tăng trên thu nhập của người trưởng thành là 48 đô la Mỹ, trong khi đó, mức này của Malawi là 2 đô la Mỹ và Ethiopia 13 đô la Mỹ. Từ năm 2009, UNICEF hỗ trợ Việt Nam triển khai thành công mô hình can thiệp mẫu ở Kon Tum. Tới năm 2016, mô hình được mở rộng trên 22 tỉnh thành với nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế khác. Tuy nhiên, mới chỉ có 10% các trường hợp SDD nặng cấp tính trên toàn quốc hiện nay được điều trị. Hậu quả là, 90% các ca SDD cấp tính nặng không được điều trị.


Cho con bú là sự khởi đầu dinh dưỡng tốt nhất để trẻ sống sót và phát triển mạnh mẽ. Ảnh minh họa

 Cần thiết đưa điều trị suy dinh dưỡng nặng cấp tính vào bảo hiểm y tế

 
Theo các chuyên gia, hiện vẫn chưa có chính sách cũng như nguồn tài chính nào được xác định từ ngân sách trung ương hoặc địa phương cho Quản lý SDD cấp tính nặng tại Việt Nam. Việc mở rộng can thiệp này trên toàn quốc đòi hỏi phải có cơ chế chi trả cho việc quản lý và điều trị trẻ SDD cấp tính nặng, thay vì phụ thuộc vào hỗ trợ của các nhà tài trợ. 
 
Các chuyên gia khuyến nghị, cần bổ sung một quy định cụ thể về việc sử dụng thuốc và chế phẩm điều trị trong khám, chữa bệnh suy dinh dưỡng cấp tính trẻ em trong Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi).
 
 

Cường Việt/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...