CHỦ NHẬT, NGÀY 05 THÁNG 05 NĂM 2024 05:13

Thúc đẩy thực hiện các tiêu chuẩn LĐTE trong bối cảnh các cam kết quốc tế về thương mại

13/03/2019 | 11:32

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc sự kiện. 


Tỷ lệ LĐTE tại Việt Nam thấp hơn tỷ lệ trung bình của toàn thế giới

Điều tra quốc gia về LĐTE năm 2012 cho thấy: tỷ lệ LĐTE tại Việt Nam thấp hơn tỷ lệ trung bình của toàn thế giới và khá gần với tỷ lệ của khu vực. LĐTE tồn tại nhiều trong khu vực kinh tế phi chính thức. Hiện vẫn tồn tại thực tế là do LĐTE có giá rẻ và nhiều trẻ em sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động nên người sử dụng lao động đã tận dụng lợi thế này để tăng cường LĐTE. Ngoài ra, việc sử dụng LĐTE trong các chuỗi cung ứng cũng là một vấn đề nguy cơ cần được quan tâm để phòng ngừa.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà, từ kết quả Điều tra LĐTE năm 2012, để giảm thiểu LĐTE Việt Nam đã ban hành hệ thống pháp luật, chính sách nhằm đảm bảo hiện thực hóa quyền của trẻ em. Bộ luật Lao động cũng có các quy định về độ tuổi lao động tối thiểu, thời giờ và điều kiện làm việc đối với người chưa thành niên. Luật Trẻ em có các quy định cụ thể về nghiêm cấm bóc lột trẻ em. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE giai đoạn 2016 - 2020. Điều này có ý nghĩa thiết thực khi toàn cầu đang cam kết triển khai việc phòng ngừa LĐTE và Việt Nam đang có những bước chuẩn bị để trở thành quốc gia tiên phong trong Liên minh 8.7 nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đã cam kết, trong đó có mục tiêu phát triển bền vững về xoá bỏ cưỡng bức lao động, chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại, mua bán người và xóa bỏ các hình thức LĐTE nặng nhọc, nguy hiểm.

Ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam cho biết, khi Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với việc tham gia nhiều cam kết quốc tế về thương mại như CPTPP hay Hiệp định Thương mại tự do EVFTA, việc tăng cường và nâng cao nhận thức của các bên trong việc phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và đối với chính cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Thực tế trên thế giới cho thấy, hàng hóa được sản xuất với sự tham gia của LĐTE, dù được phát hiện ở bất cứ công đoạn nào cũng sẽ gây thiệt hại cả về kinh tế và uy tín cho doanh nghiệp đó và thậm chí là cho ngành hàng đó trong nhiều năm.
 
 
Ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam
 
152 triệu trẻ em là nạn nhân của LĐTE trên khắp thế giới, gần một nửa trong số đó (73 triệu) đang tham gia LĐTE nguy hiểm. LĐTE vẫn tập trung chủ yếu trong ngành nông nghiệp (chiếm 70,9%). Gần một phần năm LĐTE làm việc trong ngành dịch vụ (chiếm 17,1%) trong khi 11,9% LĐTE làm việc trong ngành công nghiệp (theo ước tính của ILO). 

Tiến tới xóa bỏ LĐTE

Việc phải lao động sớm để lại nhiều hậu quả không nhỏ, gây ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý của các em, đồng thời cản trở việc tiếp cận giáo dục; từ đó tác động tiêu cực tới tương lai của chính trẻ em cũng như tới việc thực hiện các quyền cơ bản của các em, làm ảnh hưởng tới nguồn nhân lực tương lai của đất nước. 

Tại Đối thoại chính sách, các đại biểu từ các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp, các chuyên gia của tổ chức ILO và Thái Lan, Gha-na, Pa-na-ma đã cùng thể hiện sự quan tâm và chung tay trong công tác phòng ngừa và xóa bỏ LĐTE tại Việt Nam với những nội dung thảo luận về: Cam kết và hành động của Chính phủ Việt Nam đối với vấn đề LĐTE; những thành công và thách thức về LĐTE trong các chuỗi cung ứng; Tọa đàm về hành động của doanh nghiệp để ngăn chặn và giải quyết vấn đề LĐTE; Xây dựng Liên minh quốc gia 8.7…

Các đại biểu thống nhất rằng, để giải quyết vấn đề LĐTE, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cần có sự tham gia thường xuyên, liên tục, bền vững, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng. 

Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình, chính sách về phòng ngừa LĐTE, triển khai Dự án với sự hỗ trợ của Bộ Lao động Hoa Kỳ và ILO, trong đó có việc triển khai Điều tra lao động trẻ em lần 2 để có kết quả cụ thể, chính xác hơn, làm căn cứ để xây dựng các chính sách, chương trình trong giai đoạn 2020 – 2026. Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Bộ LĐTBXH, Thứ trưởng Bộ Nguyễn Thị Hà gửi lời cảm ơn tới ILO, Bộ Lao động Hoa Kỳ đã đồng hành, nỗ lực phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam nói riêng, góp phần giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ lao động trẻ em trên thế giới. 
 


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. 
 
Các Công ước của ILO về Độ tuổi tối thiểu (số 138) và những Hình thức LĐTE tồi tệ nhất (số 182) đã thiết lập những ranh giới giữa “có thể chấp nhận” và “không thể chấp nhận”
- Tuổi lao động tối thiểu là 15 tuổi cho công việc không nguy hiểm (trong một số trường hợp ngoại lệ là 14 tuổi). 
- Và 18 tuổi cho công việc nguy hiểm hoặc ác hình thức LĐTE tồi tệ nhất: Nô lệ và các hành vi tương tự như tuyển mộ trẻ em làm binh lính, khai thác tình dục thương mại, các hoạt động bất hợp báp. 
 

Minh Châu/GĐTE - Ảnh: Anh Tuấn TTX

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.