THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 05 NĂM 2024 02:46

Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả GDNN

08/11/2019 | 15:27
 
Giáo dục nghề nghiệp có bước đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ
 
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, tính đến tháng 6/2019, cả nước có 1.917 cơ sở GDNN, giảm 37 cơ sở so với năm 2018. Hệ thống GDNN đã và đang thực hiện đổi mới khá mạnh mẽ, đồng bộ, nhất là trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Công tác tuyên truyền về GDNN được chú trọng, nhận thức của người học, người dân và xã hội về GDNN đã có những chuyển biến nhất định; kết quả tuyển sinh trong 2 năm 2017, 2018 bắt đầu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, đạt hơn 2,2 triệu người/năm, đạt 100,2% đến 100,5%. Các điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN được cải thiện, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đổi mới GDNN. Chất lượng và hiệu quả GDNN có bước chuyển biến tích cực; kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở GDNN đã được nâng lên; trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở GDNN tỷ lệ này đạt gần 100%. Bắt đầu hình thành mô hình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế thông qua các chương trình đào tạo chuyển giao; đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và cho thị trường lao động ngoài nước.


Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Văn Lý
 
Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng ngành, nghề đào tạo đạt tỷ lệ cao và có thu nhập ổn định đã tác động tốt đến tâm lý của người học và xã hội, góp phần làm thay đổi quan điểm và cách nhìn nhận của xã hội về học nghề, lập nghiệp. Việc tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp bước đầu đi vào chiều sâu, hoạt động hiệu quả; cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt trong thực tiễn.
 
Thực hiện Đề án Phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020, từ năm 2014, cả nước đã có 45 trường được lựa chọn để tập trung ưu tiên đầu tư đồng bộ thành trường chất lượng cao vào năm 2020. Hiện nay, trước bối cảnh thống nhất hệ thống GDNN, Bộ LĐTBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Quyết định số 761/QĐ-TTg, dự kiến lựa chọn 86 trường để tập trung ưu tiên đầu tư đồng bộ trở thành trường chất lượng cao. Ngoài ra, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức lựa chọn, phê duyệt ngành, nghề trọng điểm và trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025.
 
Xác định gắn kết với doanh nghiệp là một trong 3 đột phá để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN, từ năm 2016, nhiều hoạt động gắn kết với doanh nghiệp đã được triển khai như khuyến khích các cơ sở GDNN và doanh nghiệp liên kết để tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, trong đó doanh nghiệp có thể đảm nhận giảng dạy đến 40% thời lượng của chương trình đào tạo. Đã có nhiều doanh nghiệp thành lập cơ sở đào tạo. Đẩy mạnh ký kết hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, thực hiện xây dựng các mô hình thí điểm phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp...


 Cần tiếp phát triển hệ thống GDNN với nhiều phương thức và trình độ đào tạo, nhất là đào tạo thực hành. Ảnh: Văn Đức
 
Thách thức và định hướng thời gian tới
 
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, công tác GDNN thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng về GDNN ở một số địa phương chưa đầy đủ, thậm chí còn coi nhẹ; một bộ phận xã hội vẫn chưa nhận thức đúng về vai trò quan trọng của GDNN trong đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; tâm lý coi trọng bằng cấp vẫn còn nặng nề; việc định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT không đạt mục tiêu đề ra.
 
Mạng lưới cơ sở GDNN còn bất cập về phân bố giữa các vùng miền, ngành nghề, trình độ đào tạo; Việc sáp nhập cơ sở GDNN ở một số địa phương còn mang tính hành chính, cơ học, chưa có nguyên tắc sáp nhập cụ thể, chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN sau sắp xếp; Đào tạo phần nào chưa đáp ứng nhu cầu xã hội; Việc gắn kết với doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; Chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp chỉ được sử dụng, tuyển dụng lao động phải qua đào tạo nghề nghiệp ở tất cả các lĩnh vực lao động theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp; Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về trách nhiệm xã hội trong việc tham gia hoạt động GDNN.; Công tác quản lý và kiểm soát chất lượng GDNN còn hạn chế; Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia ban hành còn chậm; Việc tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề chưa triển khai được rộng rãi.; Việc huy động các nguồn lực đầu tư cho GDNN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; Ngân sách Nhà nước đầu tư cho GDNN những năm gần đây tuy có tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tương xứng với mục tiêu nhiệm vụ đề ra...
 
Từ những hạn chế nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: Phát triển GDNN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, của doanh nghiệp và người dân. Mục tiêu chung về phát triển giáo dục nghề nghiệp cần hướng tới trong thời gian tới là tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo và hiệu quả của GDNN; phát triển hệ thống GDNN với nhiều phương thức và trình độ đào tạo, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế...
 

Đức Dương/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.