THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 12:18

Tín ngưỡng trong tranh thờ cúng của đồng bào dân tộc thiểu số

17/11/2021 | 07:54
Trong các nghi lễ thờ cúng của đồng bào dân tộc thiểu số như Dao, Tày, Nùng, Cao Lan... Tranh thờ được ví như sự hiện thân của các vị thần trong những nghi lễ quan trọng, gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đạo Phật và đạo Lão, song vẫn mang rõ dấu ấn cội nguồn văn hóa và phong tục tập quán riêng của dân tộc mình.
Tranh thờ là một phần quan trọng trong Lễ Cấp sắc của người Dao.

Tranh thờ là một phần quan trọng trong Lễ Cấp sắc của người Dao.

Trong tín ngưỡng, quan niệm của rất nhiều các tộc người thiểu số khu vực phía Bắc, muốn thờ ai thì phải vẽ người đó trong không gian “thần thánh”, vị thần đó mới về. Ðiều này tạo nên sự đa dạng và độc đáo của các dòng tranh thờ, đặc biệt là các bộ tranh của người Dao và Cao Lan.

Thông điệp trong tranh thờ của người Cao Lan

Trong hệ thống tín ngưỡng của dân tộc Cao Lan, tranh thờ có vai trò rất lớn trong đời sống tâm linh. Ngoài những bức tranh thờ chung của cộng đồng dân tộc, mỗi dòng họ còn có một số bức tranh thờ thần riêng, chúng được lưu truyền từ đời này sang đời khác và do những thầy cúng hoặc trưởng tộc nắm giữ.

Tranh thờ của người Cao Lan phản ánh khá đầy đủ những dạng thức tâm linh của 4 cõi như thượng, trung, hạ và âm phủ. Nội dung đều hướng con người đến cái thiện, cái công bằng, nhớ ơn tổ tiên, tổ nghề, răn đe cái ác cùng thói hư tật xấu.

Ðiển hình như tranh “Thánh sư” với lối bố cục hai tầng, mô tả vị Sư tổ ở tầng trên và những người thầy đang giảng bài ở tầng dưới, xung quang có các môn đệ hầu cận. Người Cao Lan quan niệm, công việc ở trên đời đều phải có thầy dạy mới làm nên, do vậy tất cả những người biết chữ, biết cúng đều phải lập bàn thờ Thánh sư. Với người thầy dạy mình thì phải “sống tết chết giỗ”.

Không chỉ đề cao sự học, người Cao Lan còn khuyên răn con cháu phải sống theo luật định. Ðiều này được thể hiện rõ trong bộ tranh “Công pháp” gồm bốn bức, miêu tả các vị thần trông coi pháp luật nhằm răn dạy về lẽ sống và trật tự trong xã hội, đề cao thượng tôn pháp luật. Cùng với bộ “Công pháp” thì bức tranh “Thần Bưu tá” cũng vô cùng độc đáo, ý nghĩa. Bức tranh được bố cục theo hình zíc zắc ngụ ý miêu tả con đường từ dưới đất lên thiên đàng, các thần Bưu tá cưỡi ngựa, cưỡi rồng, hổ, phượng hoàng tiếp nhau đưa tấu sớ lên Ngọc Hoàng. Họ mong muốn những điều tấu sẽ được Ngọc Hoàng xem xét giải quyết để cuộc sống của họ được tốt đẹp hơn.

Ngoài ra, trong hệ thống tranh thờ của người Cao Lan còn có các bức tranh thờ Gia tiên, tranh thờ Phật Bà Quan Âm, thần núi, thần sông, thần sét… Một số bức lại thể hiện cuộc sống, sinh hoạt, lao động, chăn nuôi gia súc, gieo trồng như thần nông, địa trạch… mô tả cảnh trỉa lỗ, tra hạt trên nương hay các vị thần đang giảng giải cho dân chúng phải quý trọng đất đai và phải biết tận dụng nguồn tài nguyên này để tăng gia sản xuất, đầy lùi đói nghèo. Bộ tranh “Thần Nông và Ðịa trạch” luôn được người Cao Lan treo trên bức vách cạnh cửa ra vào chính của ngôi nhà với ý nghĩa âm dương hòa hợp, trời đất giao hòa.

Ngoài nghi lễ treo tranh theo quy định trong các đám ma chay, cưới xin, lễ lập minh (một nghi thức đánh dấu sự trưởng thành của người con trai) hay cúng giải hạn thì người Cao Lan còn treo tranh thờ trong dịp Tết Nguyên đán để cầu cho một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc và thịnh vượng.

Đời sống tâm linh trong tranh thờ của người Dao

Hệ thống tranh thờ của người Dao rất đa dạng, mỗi nghi lễ thờ cúng người Dao lại có một loại tranh riêng, nhưng phổ biến nhất là bộ tranh “Tam tượng” và “Ðại đường quân”. Ðây là 2 bộ tranh mà dòng họ nào cũng phải có, bởi nếu không có thì không thể tiến hành các nghi lễ cúng của dòng họ. Người Dao quan niệm rằng, tranh thờ chính là những vị thần linh bảo vệ bàn thờ tổ tiên và nội dung trong tranh thờ cúng chứa đựng nhiều giá trị giáo dục, tính nhân văn cao cả cho con người.

Tranh thờ của người Dao mang sắc thái và giá trị thẩm mỹ rất riêng. Màu vẽ tranh thờ thường là màu nước với bố cục lạ, không giống với bất cứ bộ tranh thờ nào của các dân tộc khác. Các vị thần linh thường là chủ đề chính của các bức tranh, mỗi vị thần lại tuân theo một quy tắc xã hội, nhân vật nào có quyền năng lớn được vẽ to, chiếm vị trí trung tâm, và các thần ít quyền năng hơn thì được vẽ đơn giản và nhỏ hơn. Nét biểu cảm trong các vị thần chính, thần phụ, ma quỷ và con người được hoà quyện trong các lớp không gian thực ảo đến vô tận. Từ mặt đất đến bầu trời, từ núi sông tới biển cả, từ địa ngục tới tiên cảnh, như muốn thể hiện một thế giới huyền bí, hỗn mang từ thủa sơ khai của vũ trụ.

Thầy mo Triệu Như Khoa ở xã Yên Thành, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết, người nắm giữ kỹ thuật vẽ tranh thờ trong cộng đồng người Dao là những thầy Tào, thầy cúng chứ không phải ai cũng vẽ được. Khi vẽ, thường chọn ngày tốt khai bút. Một bộ tranh thờ được vẽ rất kỳ công, nên việc hoàn thành một bộ tranh thường mất khoảng vài tháng đến 1 năm. Khi bức tranh hoàn thành sẽ làm lễ khai quang (điểm nhãn) cho bộ tranh rồi mới được treo.

tin-nguong-trong-tranh-tho-cung-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-171128

Một trong những nghi lễ mà người Dao treo nhiều tranh thờ nhất là tại lễ Cấp sắc (nghi lễ quan trọng nhất trong một đời người) và lễ Bàn Vương (thờ cúng tổ tiên người Dao). Tại đây, người ta treo rất nhiều bộ tranh thờ của những dòng họ khác nhau. Những bộ tranh này có tuổi đời hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm tuổi như gia đình anh Bàn Văn Nghĩa, thôn Thanh Bình, xã Minh Thanh (Sơn Dương, Tuyên Quang). Ðây là bộ tranh thờ của người Dao Cóc mùn và được coi là "báu vật" của dòng họ.

Hoạ sĩ Nguyễn Ðức, người có nhiều năm nghiên cứu tranh thờ người Dao cho biết, việc vẽ tranh và sử dụng tranh thờ là một nét văn hóa tâm linh độc đáo, không pha lẫn trong đời sống tinh thần của người Dao. Nó chứa đựng những nét đẹp văn hóa, nhân văn, giáo dục và sự độc đáo đến kỳ lạ. Các cơ quan chức năng cần sớm có các chính sách hỗ trợ cũng như phương án thống kê, sưu tầm tranh thờ hiện có.

Giờ đây, dù cuộc sống của người Dao đã khác xưa rất nhiều, nhưng niềm tin về các vị thần vẫn hiện hữu và tiếp tục lưu truyền qua những bộ tranh thờ. Cũng vì thế, tục thờ tranh dân gian liên quan đến tín ngưỡng của người Dao luôn được bảo tồn từ đời này qua đời khác.

Cũng do tính thiêng liêng và mang nhiều giá trị văn hóa về tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ Cấp Sắc của người Dao Tiền đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Xuân Quang
Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

Mang hơi ấm đến với trẻ em vùng cao tại 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái

5 tháng trước

Nhằm động viên, chia sẻ và đồng hành cùng nhà trường và các em học sinh vùng khó khăn, các nhà hảo tâm đã tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” lần thứ 20 tại xã Phình Hồ...
Lô sữa 22.000 hộp tặng trẻ em khó khăn TP.HCM được thông quan

Lô sữa 22.000 hộp tặng trẻ em khó khăn TP.HCM được thông quan

2 năm trước

Ngày 15/11/2021, lô sữa cứu trợ hơn 22.000 hộp đã có kết quả kiểm nghiệm, được Mặt trận Tổ quốc thành phố hoàn tất thủ tục để thông quan.
Hỗ trợ học sinh Quảng Bình được học tập ở môi trường an toàn và chất lượng

Hỗ trợ học sinh Quảng Bình được học tập ở môi trường an toàn và chất lượng

2 năm trước

Mới đây, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình tổ chức hội nghị giới thiệu dự án “Môi trường học tập an toàn và chất lượng”. Bằng cách...
Cai nghiện 'ma túy' video game cho con

Cai nghiện "ma túy" video game cho con

2 năm trước

Trong bối cảnh giãn cách do đại dịch Covid-19, trẻ phải học trực tuyến, làm bạn với các thiết bị điện tử đã khiến tình trạng nghiện game trở nên đáng báo động. Phóng viên "Vì...