CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 05 NĂM 2024 06:26

TP.HCM: Nhà nước và Nhân dân cùng chung tay thực hiện an sinh xã hội cho người nghèo trong đại dịch Covid-19

29/04/2020 | 10:32
 
Trước đó, “TP.HCM - Thành phố nghĩa tình” đã đi đầu trong cả nước về các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo, người khó khăn và hiện tại vẫn tiếp tục. “Rằng qua cơn hoạn nạn, thêm hiểu được lòng nhau”, không chỉ riêng chính quyền TP mà các mạnh thường quân giàu lòng nhân ái đã cùng nhau tương thân tương ái, san sẻ khó khăn cho nhau bằng nhiều hành động cụ thể trong thời điểm đại dịch này.


 Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Thị Dung đến thăm và trao quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch Covid -19 tại khu nhà trọ phường Tân Tạo A, quận Bình Tân.
 
Từ chính sách vĩ mô của TP cho người nghèo, người khó khăn trong đại dịch 
 
Đứng trước vấn nạn người thất nghiệp với muôn vàn khó khăn bởi dịch Covid-19 phải nghỉ làm, không nhận được lương bổng để có chi phí cho kế sinh nhai, UBND TP đã tiến hành triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc (không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp), bao gồm cả giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ làm việc trên địa bàn TP bằng “gói 1.800 tỷ đồng”. Theo đó, người lao động được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, với thời gian tối đa không quá 3 tháng, tính từ tháng 4 đến hết tháng 6.
 
Lãnh đạo TP cho biết, trong tình hình thu ngân sách Nhà nước sụt giảm so với cùng kỳ, để có “gói 1.800 tỷ đồng” thì UBND TP thực hiện chủ trương “lá lành đùm lá rách”, chỉ đạo điều chỉnh giảm hệ số tăng thu nhập theo cơ chế đặc thù đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý.


Cây ATM gạo của chủ nhân đầu tiên tại TP.HCM.
 
Không chỉ hỗ trợ các lao động mất việc, ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết, TP dành “gói 1.800 tỉ đồng” cho an sinh xã hội trong đại dịch Covid-19 gồm các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có công, nhóm bảo trợ xã hội, nhóm đối tượng bị mất việc, ngừng việc.Theo ông Tấn, Sở đã trình UBND TP.HCM, cố gắng đến 30/4 sẽ trao tiền hỗ trợ cho người dân.
Theo tính toán sơ bộ, hiện TP.HCM có khoảng 600.000 công nhân, người lao động bị mất việc; 15.000 hộ chính sách người có công; 9.000 hộ nghèo, cận nghèo; 17.200 người bán vé số dạo; 32.000 giáo viên mầm non - người chăm sóc trẻ ở các nhóm trẻ ngoài công lập đang mất việc…
Trước mắt, TP.HCM cũng đã phân bổ 9 tỉ đồng (qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện) cho khoảng 12.000 người bán vé số dạo (750.000 đồng/ người) cùng với nhiều nhu yếu phẩm do các mạnh thường quân hỗ trợ. Bên cạnh đó, đại diện Hội Chữ thập đỏ TP.HCM cũng cho biết, thực hiện chính sách trợ giúp nhân đạo cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ ngày 4/2 - 19/4, các cấp Hội đã vận động hỗ trợ 10.000 suất quà (tiền mặt và quà) đến giáo viên, người bán vé số, nhặt ve chai, người già neo đơn, người khuyết tật và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, trao tặng vật tư chăm sóc sức khỏe, với tổng kinh phí đạt hơn 6 tỉ đồng…


Một góc siêu thị hạnh phúc 0 đồng tại chùa Vĩnh Nghiêm.

Nhiều mạnh thường quân dang tay vì người nghèo
 
Có thể nói, trong những ngày giãn cách xã hội vừa qua, nhiều mạnh thường quân với tính cách “anh Hai Nam bộ” đã xuất hiện khắp nơi để chìa bàn tay “cứu đói” đến với nhiều mảnh đời khó khăn. Nghĩa cử của họ như những cơn mưa rào mát mẻ giữa cuộc sống tưởng đã khô cằn vì những tham sân si của đời sống thường nhật.
 
Có thể kể đến ấn tượng đầu tiên là cây ATM gạo ở quận Tân Phú của doanh nhân Hoàng Tuấn Anh, ông chủ trẻ của thương hiệu khóa PHGLock. Cây ATM gạo này được thiết kế theo công nghệ thông minh, mỗi người lấy 1 lần được 1,5kg, có người điều khiển phần mềm phía trong để tránh gian lận. Người Sài Gòn đến xếp hàng theo các vết sơn, cách nhau 2m để tránh lây lan dịch bệnh. Người già yếu, phụ nữ có thai được đi “cửa ưu tiên” đỡ phải xếp hàng. Thời gian đầu, mỗi ngày có đến hàng ngàn người đến lấy; hiện nay, cha đẻ cây ATM gạo nghĩa tình này cho phát triển thêm ra ở khu dân cư nghèo xã Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) rồi quận Nhà Bè, quận Thủ Đức. Tiếp bước anh Hoàng Tuấn Anh, một số cây ATM gạo của các chủ nhân khác như ông Võ Quốc Bình tiếp tục ra đời ở đường Hoàng Diệu - Thủ Đức; Công ty Bất động sản và Giáo dục Phúc Long tặng 2 máy ATM gạo cho huyện Nhà Bè… Người nghèo TP.HCM có thể chưa có cuộc sống đầy đủ về mọi mặt nhưng không còn sợ đói nữa! Một số cây ATM gạo giờ còn có nguy cơ bị…ế, như cây ATM gạo ở Thủ Đức của chủ nhân Võ Quốc Bình mỗi ngày chỉ phát được 300-500kg trong khi anh cho biết còn dự trữ đến…12 tấn trong kho! Ông chủ này còn khuyến mãi thêm cho bà con lấy gạo 2 khẩu trang vải và ít nhu yếu phẩm như hột gà, mì gói… Chưa kể, thấy việc làm hữu ích, nhiều mạnh thường quân đã chở gạo đến các cây ATM gạo để “góp lửa” với các chủ nhân. Bà con nghèo TP nhìn chung không tham, lấy đủ ăn thì thôi, đúng bản tính người Nam bộ “làm đủ ăn”, không tham sân si nhiều. Nhiều người nói vui “sợ nguồn cung gạo sắp tới ở các cây ATM gạo sẽ nhiều hơn cầu quá!”


Người dân có hoàn cảnh khó khăn đến nhận gạo tại chùa Giác Ngộ.
 
Không chỉ có ATM gạo, TP còn có nhiều điểm để giúp đỡ người khó khăn trong dịch bệnh. Chùa Giác Ngộ - một điểm son về từ thiện - phối hợp với Quỹ Đạo Phật ngày nay cũng tổ chức trao tặng gạo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn với chủ đề “Tiếp sức bà con khó khăn vượt qua đại dịch Covid-19”, mỗi người nhận 2kg gạo và nhu yếu phẩm do các Phật tử đóng góp.
 
Rồi Siêu thị hạnh phúc 0 đồng (có hơn 15 mặt hàng nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu) được chính thức đưa vào hoạt động tại chùa Vĩnh Nghiêm. Chương trình do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Giáo hội Phật giáo TP.HCM, nhóm từ thiện chia sẻ Sharing và các nhà hảo tâm, tình nguyện viên thực hiện nhằm chia sẻ với người nghèo TP vượt qua khó khăn. Theo Ban tổ chức, mỗi ngày siêu thị sẽ trao tặng 300 phiếu mua sắm tương đương 1 phần quà trị giá 100.000 đồng (trong tổng cộng khoảng 45.000 phần quà) cho người có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, người già neo đơn theo danh sách của Ủy ban MTTQ 24 quận – huyện. Riêng tại các quận - huyện ngoài khu vực trung tâm TP, Ban tổ chức sẽ tổ chức chuyến xe hạnh phúc vận chuyển hàng hóa đến các thị trấn, phường - xã trao cho người dân và người già…
 

Can Khương/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

7 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.