THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 04:39

TP.HCM thực hiện nhiều giải pháp giảm tải cho các BV

17/12/2019 | 22:24

Đầu tiên phải kể đến là việc triển khai đề án về BV vệ tinh (được khởi động từ năm 2013) với việc mở thí điểm phòng khám nhi vệ tinh của BV Nhi Đồng 1 tại các BV quận Bình Tân, Tân Phú. Theo đề án, BV tuyến trên được lấy làm trung tâm hạt nhân, các BV tuyến dưới được chuyển giao kỹ thuật, điều trị được những ca bệnh khó, không phải chuyển lên tuyến trên, đỡ tốn thời gian, tiền bạc cho người bệnh. Cạnh đó, các BV vệ tinh nắm bắt kỹ thuật mới, cứu chữa nhiều ca bệnh khó, thu hút được nhiều bệnh nhân.

Sau 6 năm thực hiện, hầu hết các BV lớn trên địa bàn TP đều đã có những vệ tinh tuyến quận, trong đó có những BV vệ tinh được đánh giá cao về chất lượng khám chữa bệnh. Như Viện tim TP.HCM triển khai kỹ thuật phẫu thuật tim hở cho BV Thủ Đức, và hiện Thủ Đức trở thành một trong những BV mạnh về kỹ thuật mổ tim khu vực Đông Sài Gòn. BV Ung bướu mở khoa vệ tinh tại BV quận 2 với quy mô ban đầu 200 giường bệnh, đến nay BV quận 2 cũng là một điểm điều trị u bướu nổi tiếng đối với người dân TP và các tỉnh, thành… BV Chấn thương chỉnh hình triển khai 100 giường tại BV An Bình từ năm 2012, đến nay công suất sử dụng giường nội trú đạt 100% hay BV Nhi Đồng 1 triển khai 150 giường tại BV quận Bình Tân, BV Tân Phú 70 giường và phòng khám BV vệ tinh tại BV huyện Củ Chi, BV Quận 6….

Các BV tuyến trên trong thời gian qua đã chuyển giao 45 gói kỹ thuật cho các BV quận, huyện, đồng thời tất các các BV quận, huyện đều được thành lập khoa Sản và khoa Nhi, chiếm 20% tổng số giường bệnh/BV vì đây là 2 chuyên khoa đáp ứng mô hình bệnh tật phổ biến của mỗi địa phương.

Ngoài BV Thủ Đức và BV quận 2, hiện rất nhiều BV tuyến quận huyện trên địa bàn TP như BV quận 9, Tân Phú, huyện Củ Chi, Hóc Môn... cũng nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật cao để có thể thực hiện cấp cứu, điều trị tại chỗ cho bệnh nhân. Thống kê cho thấy, số lượng bệnh nhân tại các BV vệ tinh tăng cao sau mỗi năm, đi cùng với chất lượng khám chữa bệnh cũng ngày một hoàn thiện. Điều này cũng cho thấy sự tín nhiệm của người dân đối với BV vệ tinh cũng ngày một nâng cao.

Đến nay, nhiều BV tuyến quận đã trở thành những 'vệ tinh' tích cực của các BV tuyến trên với chất lượng khám chữa bệnh cao, kỹ thuật vượt trội, giảm tải rất nhiều cho các BV lớn. Trong số đó, có cả những BV quận đã được công nhận là BV loại 1.

TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm tải trong các BV. Ảnh: Gia Hưng

Bên cạnh đó, các BV trên địa bàn cũng không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình khám chữa bệnh để giảm tải. Đơn cử như tại BV Chợ Rẫy, nơi hằng ngày tiếp nhận từ 4.000 đến 6.000 lượt khám chữa bệnh ngoại trú, trong đó khu vực khám bệnh là nơi ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm, với sự thống nhất cao giữa tất cả các khoa, phòng. Trong đó, việc nhập thông tin đầu vào có tác dụng giúp bệnh nhân giảm đi lại; đồng thời xóa bỏ tình trạng bán số thứ tự khám bệnh vốn là vấn nạn nhức nhối trước đây. Ngoài ra, ứng dụng này cũng giúp công tác phân luồng bệnh nhân tái khám và bệnh nhân mới diễn ra nhanh chóng, giúp hoạt động khám chữa bệnh nhịp nhàng hơn. Việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hỗ trợ trực tiếp cho các bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh, giúp bệnh nhân có được kết quả khám chữa bệnh tốt nhất với thời gian nhanh nhất. Đáng chú ý, phần mềm hướng dẫn sử dụng và quản lý kháng sinh đã được triển khai thực hiện hơn 2 năm qua. Với hai chức năng cốt lõi (hướng dẫn sử dụng kháng sinh và theo dõi các chỉ số sử dụng kháng sinh), các bác sĩ dễ dàng tra cứu, tham khảo… khi kê đơn.

Đến nay, hàng loạt BV trên địa bàn TP.HCM như: BV Nhân dân 115, BV Nhân dân Gia Định, BV Ung Bướu, BV quận Thủ Đức, BV quận 2, BV Chấn thương chỉnh hình, BV Tai Mũi Họng… đều tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, tạo cơ chế “Một cửa” trong hoạt động khám chữa bệnh. Đặc biệt, với bệnh nhân BHYT lâu nay đã không còn than vãn chuyện bị “phân biệt đối xử” cũng nhờ các BV ứng dụng thành công công nghệ thông tin. Khi đăng ký khám chữa bệnh, bệnh nhân BHYT chỉ cần đăng ký một lần rồi đến phòng khám theo hướng dẫn. Sau khi hoàn tất quá trình khám và thực hiện các xét nghiệm theo chỉ định (nếu có), bệnh nhân hoàn tất việc thanh toán (đồng chi trả) và nhận thuốc BHYT, không phải vòng vèo lúc thì đóng tiền chỗ này, lúc thì đóng tiền chỗ nọ mất rất nhiều thời gian.

Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và hoàn thiện quy trình khám chữa bệnh, thời gian khám chữa bệnh trong các BV ở TP.HCM đã giảm chỉ còn 2,5 giờ- 3,5 giờ/bệnh nhân, giúp tiết kiệm cho bệnh nhân hơn 50 phút chờ đợi.

Cùng với các biện pháp trên, TP.HCM cũng không ngừng đầu tư tăng thêm giường bệnh, xây thêm BV mới và cải tạo nâng cấp các BV, phát triển hệ thống BV tư nhân.

Với những giải pháp đồng bộ trên đây, tin rằng tình trạng quá tải ở các BV, nhất là các BV tuyến Trung ương ở TP.HCM sẽ có những chuyển biến tích cực, góp phần ngày càng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Ảnh:
 

An Nhiên/GĐ&TE

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

“Sống trọn não bộ” - Trang sách của người từng trải qua đột quỵ nói về khoa học thần kinh não bộ

5 tháng trước

“Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hi vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai”.