THỨ NĂM, NGÀY 02 THÁNG 05 NĂM 2024 06:46

TP.HCM xác định GDNN là chương trình trọng tâm, đột phá

11/03/2019 | 15:39
 
GDNN từng bước gắn với việc làm
 
Theo báo cáo của Sở LĐTBXH, trên địa bàn TP.HCM hiện có 544 cơ sở GDNN, trong đó có 52 trường Cao đẳng, 64 trường trung cấp và 82 trung tâm GDNN. Trong năm 2018, nhờ làm tốt công tác truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố đã tuyển sinh được 482.699 học sinh, sinh viên, trong đó, hệ cao đẳng 46.782 sinh viên, hệ trung cấp 29.091 học viên, hệ sơ cấp 159.900 học viên và đào tạo thường xuyên 246.926 học viên. 
 
Đặc biệt, các cơ sở GDNN trên địa bàn đã tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với doanh nghiệp và việc làm. Trong năm, thành phố đã thí điểm đào tạo kép cho 13 trường trọng điểm có ngành nghề chất lượng cao gắn với 4 ngành công nghiệp trọng yếu cho 38.598 người và 9 nhóm ngành dịch vụ cho 248.080 người, trong đó các ngành tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN là 12.069 người. Thành phố cũng đã duyệt đề án đào tạo ngoại ngữ cho 150 giáo viên và 50 học viên tin học nhằm chuẩn hóa đội ngũ giáo viên để học viên theo học trường nghề. Nhờ đó, chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo hệ chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp của thành phố đã được các doanh nghiệp chấp nhận, một số thuộc các lĩnh vực như: điều dưỡng, dược sĩ, y sĩ trình độ trung cấp được cơ sở y tế công lập quan tâm tuyển dụng. Các ngành nghề trình độ sơ cấp, kỹ năng nghề dưới 3 tháng đáp ứng nhu cầu của người học và doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào công tác giải quyết việc làm của thành phố. Tỷ lệ học sinh, sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với ngành nghề ở khối các trường cao đẳng đạt 81,76%. Đặc biệt, một số trường cao đẳng đạt tỷ lệ 100% sinh viên ra trường có việc làm ngay, như: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, Lý Tự Trọng, Cao đẳng Kinh tế TP.HCM, Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM… Còn ở khối các trường trung cấp, tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 79,96%, một số cơ sở đạt tỷ lệ 100% như: Trung cấp Nghề Bình Thạnh, Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Quận 12, Trung cấp Nguyễn Hữu Cảnh…
 
Thành phố cũng tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tính đến 31/12/2018, địa phương đã đào tạo được 11.875/chỉ tiêu 10.500 lao động nông thôn, đạt 113,10% kế hoạch. Trong đó, có 3.932 người học nghề nông nghiệp, 7.943 người học nghề phi nông nghiệp và có 6048 là lao động nữ trong tổng số người được đào tạo, chiếm tỷ lệ 50,93%.


Việc đầu tư trang thiết bị dạy nghề hiện đại trong các cơ sở GDNN ở TP.HCM đã rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế sản xuất. Ảnh: Đức Tuấn
 
Bên cạnh đó, TP.HCM còn tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo. Hiện thành phố có 12.786 nhà giáo khối GDNN, trong đó có 10.473 người đã có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm; số lượng nhà giáo có trình độ chuyên môn cao ngày càng tăng, gồm: 225 tiến sĩ, 3.993 thạc sĩ, 5.574 đại học, 2.994 cao đẳng. Trong năm 2018, thành phố cũng có 9.583 nhà giáo của các cơ sở GDNN đã được đánh giá, xếp loại nhà giáo về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Bộ LĐTBXH.
 
Ngoài ra, công tác xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học cũng được quan tâm đầu tư và đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhiều dự án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020, các dự án đầu tư nghề trọng điểm, dự án mua sắm trang thiết bị dạy nghề và phát triển ngành nghề tại các cơ sở GDNN được đầu tư bài bản, khang trang đã thu hút nhiều người theo học, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế sản xuất.
 
Thách thức và giải pháp trong thời gian tới
 
Cũng theo Sở LĐTBXH TP.HCM, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác GDNN trên địa bàn vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Tại một số cơ sở đào tạo nghề, công tác tuyển sinh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân; trong đó nổi bật là việc phân luồng học sinh chưa hiệu quả, xã hội còn nặng bằng cấp, một số cơ sở GDNN chất lượng đào tạo chưa cao, cơ sở vật chất còn nghèo nàn lạc hậu; công tác tuyển sinh đại học còn nhiều thay đổi, điểm chuẩn đầu vào thấp, làm tăng tính cạnh tranh giữa giáo dục đại học và GDNN. Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, GDNN chưa hiệu quả nên việc giao đất, cấp đất để các cơ sở GDNN phát triển còn hạn chế; việc liên kết, kết nối giữa các cơ sở GDNN với các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.


Năm 2019, các cơ sở GDNN ở TP.HCM cần tiếp tục thực hiện tốt công tác hướng nghiệp để tuyển sinh đạt kế hoạch đề ra.
 
Năm 2019, TP.HCM đề ra các mục tiêu tuyển sinh đào tạo cho 461.000 người, trong đó, trình độ cao đẳng là 45.000 người, trình độ trung cấp là 36.000 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 380.000 người; đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 10.500 người; phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 83%. 
 
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, trong thời gian tới, TP.HCM cần thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp; hoàn thành tốt công tác đánh giá, tiến tới việc kiểm định chất lượng đào tạo tại các cơ sở GDNN. Quy hoạch và sắp xếp mạng lưới các cơ sở GDNN trên địa bàn. Đặc biệt, thành phố cần nâng cao chất lượng đào tạo gắn đào tạo với giải quyết việc làm; đặt hàng sản phẩm đào tạo với các đơn vị đào tạo; xây dựng và hướng đến các trường tự chủ tài chính đối với các cơ sở GDNN công lập. Bên cạnh đó, cần chú trọng việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, chuyển giao chương trình đào tạo tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý - nhà giáo theo mô hình giáo dục tiên tiến của các nước phát triển...
 

 

Thùy Hương/GĐTE

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

Tạm giữ 2 sinh viên nhận bán pháo hoa giả với số lượng lớn

6 tháng trước

Làm việc với cơ quan chức năng, 2 sinh viên ở Hà Nội khai nhận bán hàng cho một cá nhân ở Hà Tĩnh với mức giá 20.000-50.000 đồng/giàn pháo hoa nhái hàng của Bộ Quốc phòng.