THỨ BẨY, NGÀY 04 THÁNG 05 NĂM 2024 04:40

Trào lưu nuôi thú cưng độc, lạ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

06/06/2022 | 13:59
Những năm trở lại đây, trào lưu nuôi thú cưng là những con vật độc, lạ được rất nhiều thanh thiếu niên hưởng ứng vì ngoại hình độc đáo, bắt mắt, cách chăm sóc đơn giản. Tuy nhiên, bên cạnh việc mang lại niềm vui, sự thú vị thì nuôi thú cưng độc, lạ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không phải con vật nào cũng có thể là thú cưng!

Minh Hải (14 tuổi, Hà Nội) tham gia groups Hội đam mê bò sát trên facebook vừa giao dịch đấu giá thành công một chú rắn vua (king snake) to bằng ngón chân cái, dài khoảng 30cm với giá 3,5 triệu đồng trong một buổi offline. Biết con ham mê bò sát và cũng ủng hộ con nuôi thú cưng, nhưng khi thấy thú cưng của con trai là thằn lằn da báo, rồng Nam Mỹ và mới đây là một con rắn vua, chị Phương cũng có phần lo lắng. Nỗi lo của chị Phương không phải không có căn cứ, bởi những con vật hiền lành, đáng yêu đến đâu thì vẫn ẩn chứa những mối nguy mà chúng ta không lường trước được khi trẻ nuôi, chăm sóc và chơi với chúng.

Mới đây, Khoa Cấp cứu - Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho một bé trai 13 tuổi ở Hà Nội bị con rắn lục đuôi đỏ mà cậu bé đặt mua trên mạng về làm thú cưng cắn. Thông tin này càng làm những phụ huynh có con thích nuôi những loại thú cưng độc, lạ như chị Phương thêm phần lo ngại.

Mẹ cháu bé bị rắn lục đuôi đỏ cắn cho biết, con trai chị rất thích nuôi động vật và thỉnh thoảng tìm hiểu về các loài động vật trên mạng. Trước khi nhập viện 2 tuần, trẻ giấu người nhà tự đặt mua 3 con rắn lục về nuôi. Khoảng 15h30 ngày 3/5/2022, khi bé thay chuồng cho rắn trong phòng riêng của mình đã bị rắn cắn vào ngón tay trỏ, bé chạy ra báo. Vào phòng kiểm tra, người nhà tá hỏa phát hiện 3 con rắn lục đuôi đỏ trẻ mua trên mạng đang để trong hộp và được giấu trong tủ quần áo. Sau đó, gia đình nhanh chóng đưa ngay con tới Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu.

TS.BS Lê Ngọc Duy - Trưởng khoa Cấp cứu Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tỉnh nhưng mệt, mặc dù vừa bị rắn cắn nhưng bàn tay phải sưng nề, thâm tím và chảy máu ngón trỏ, đau nhức… Các bác sĩ Khoa cấp cứu Chống độc đã nhận định được vết thương của bệnh nhi là do rắn độc cắn, đồng thời qua hỏi bệnh đã biết được trẻ bị rắn lục đuôi đỏ - một trong những loài rắn cực độc cậu bé đang giữ làm vật nuôi cắn vào ngón tay trỏ phải. Ngay lập tức, bệnh nhi được các bác sĩ điều trị bằng truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục, chống viêm và kháng sinh phòng nhiễm trùng vết thương…

“Tôi chỉ nghĩ con chỉ thích tìm hiểu các loại động vật trên mạng và không hề nghĩ rằng con mình lại có thể mua được loại rắn này về nhà nuôi một cách dễ dàng như vậy” – mẹ bệnh nhi chia sẻ.

Bé trai bị rắn lục đuôi đỏ cắn nguy hiểm tính mạng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh BV cung cấp)

Bé trai bị rắn lục đuôi đỏ cắn nguy hiểm tính mạng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh BV cung cấp)

Cùng con lựa chọn thú cưng phù hợp

Những năm trở lại đây, phong trào nuôi thú cưng là những con vật độc, lạ được rất nhiều thanh thiếu niên lựa chọn bởi ngoại hình độc đáo, bắt mắt, cách chăm sóc đơn giản và chúng khá thông minh. Ðã có rất nhiều những hội, nhóm được thành lập trên các mạng xã hội quy tụ được lượng thành viên rất đông đảo, có hội nhóm thành viên lên đến hàng chục nghìn người. Những buổi offline, họp mặt để mua bán, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc diễn ra rất thường xuyên. Chỉ cần có tiền là trẻ có thể dễ dàng mua những con vật độc, lạ về làm thú cưng.

Thực tế, nhiều trẻ xem thú cưng như những người bạn thân thiết. Tuy nhiên, phải hiểu một điều là không phải loài động vật nào cũng có thể làm bạn với trẻ. Ngoài những tác động tích cực đến sự phát triển của trẻ thì nuôi những con vật độc, lạ làm thú cưng trong nhà tiềm ẩn nhiều mối nguy về lây lan dịch bệnh cũng như nguy cơ tai nạn thương tích cho người nuôi, chăm sóc chúng.

Khi lựa chọn thú nuôi trong gia đình, có rất nhiều vấn đề cần phải quan tâm như: loại thú nuôi, kích cỡ thú nuôi, không gian diện tích dành để nuôi, thời gian chăm sóc chúng có phù hợp với nhịp sinh hoạt của trẻ và gia đình… Vì vậy, trước khi lựa chọn một vật nuôi trong nhà, các bậc cha mẹ cần cùng con tìm hiểu và cân nhắc kĩ lưỡng về chủng loại, kích thước cũng như các đặc tính của chúng. Ðiều này ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe cũng như sự an toàn của trẻ, bởi chúng sẽ tiếp xúc trực tiếp với trẻ trong thời gian dài.

Phòng tránh những mối nguy hiểm

Việc lựa chọn thú cưng phù hợp và hướng dẫn trẻ những kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh, phòng tránh tai nạn thương tích là vô cùng cần thiết, đặc biệt là những con vật độc, lạ.  

Cho trẻ nuôi thú cưng, cha mẹ cần nói chuyện nghiêm túc với trẻ và đưa ra một số thỏa thuận cụ thể về việc nuôi dưỡng, chăm sóc. Nên chọn lựa những vật nuôi phổ biến và có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và tiêm chủng đầy đủ. Tuyệt đối không cho trẻ em dưới 7 tuổi nuôi thú cưng hay chơi một mình với vật nuôi dù con vật có hiền lành và nhỏ bé. Từ trường hợp bé trai bị thú cưng là rắn lục đuôi đỏ cắn nguy hiểm tính mạng, bác sĩ Lê Ngọc Duy (Bệnh viện Nhi Trung ương) khuyến cáo các cha mẹ thường xuyên quan tâm tới trẻ, giải thích cho trẻ không nên nuôi rắn làm thú cưng trong nhà để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe người nuôi lẫn người thân trong gia đình. 

Một số nguyên tắc an toàn khi chăm sóc, vui chơi với thú cưng cha mẹ cần dạy trẻ:

- Không kéo thú cưng lên sát mặt, mặt đối mặt với chúng. Bởi vì, khi nhìn trực diện, con vật có thể trở nên cự kỳ hung hãn, có thể sẵn sàng tấn công người.

- Chỉ vuốt ve nhẹ nhàng bên hông con vật, không được ôm, giật tai, đuôi vật nuôi.

- Khi chơi, chăm sóc không được chọc phá, nghịch ác làm thú cưng nổi giận, chúng có thể sẽ phản kháng, chống trả quyết liệt.

- Với những thú cưng lạ của bạn hay của hàng xóm, trẻ không nên lại quá gần, vuốt ve, vì chúng có thể hiền lành với chủ quen nhưng sẽ nổi giận gây thương tích cho người lạ.

- Tuyệt đối không được trêu đùa, giật thức ăn khi thú cưng đang ăn.

- Không được lại gần, tiếp xúc khi thú cưng có những biểu hiện lạ như mệt mỏi, bỏ ăn.

- Luôn phải rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc, chăm sóc, chơi với thú cưng.

- Một số loại thú cưng cần được chăm sóc, phòng ngừa giun sán và các bệnh lây truyền cũng như tiêm phòng đúng lịch.

Nam Anh
Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

Chi tiết trang bị vua Android tầm trung- Galaxy A55 5G: Cao cấp như Galaxy S24 Ultra, hơn iPhone 15

1 tháng trước

Galaxy A55 5G vừa trình làng cách đây không lâu sở hữu hàng loạt trang bị ấn tượng hơn cả iPhone 15 và tiệm cận Galaxy S24 Ultra để vững bước lên ngôi vua Android tầm trung.
5 trường đại học Việt Nam được xếp hạng Châu Á năm 2022

5 trường đại học Việt Nam được xếp hạng Châu Á năm 2022

1 năm trước

Tạp chí Times Higher Education vừa công bố kết quả xếp hạng các trường đại học châu Á năm 2022 (THE châu Á). Việt Nam có 5 cơ sở giáo dục đại học góp mặt trong bảng xếp hạng này.
Hà Lan viện trợ 2 triệu liều vaccine Moderna cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Hà Lan viện trợ 2 triệu liều vaccine Moderna cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

1 năm trước

Số vaccine phòng COVID-19 Moderna này do Chính phủ Hà Lan viện trợ, dùng để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận tổng cộng khoảng 16,5 triệu liều vaccine...
Xây dựng mô hình 'Công dân học tập' giai đoạn 2021 – 2030

Xây dựng mô hình "Công dân học tập" giai đoạn 2021 – 2030

1 năm trước

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 677/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030”.