THỨ SÁU, NGÀY 03 THÁNG 05 NĂM 2024 06:14

Trẻ em chỉ có thể phát triển toàn diện khi được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tốt

10/12/2020 | 10:39
Đảm bảo mọi trẻ em sinh ra đều được sống
 
Một trong những quyền cơ bản nhất của trẻ em là quyền sống, trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển. 
 
Theo Báo cáo mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) về tử vong trẻ sơ sinh (năm 2018): Ở những nước thu nhập thấp, tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh trung bình là 27 trẻ/1.000 ca sinh. Ở các nước có thu nhập cao, tỷ lệ này là 3 trẻ/1.000 ca sinh. Trẻ sơ sinh ở các nước có nguy cơ cao nhất có nguy cơ bị tử vong cao hơn gấp 50 lần trẻ em sinh ra ở những nơi an toàn nhất. Trên thế giới hiện có hơn 2,6 triệu trẻ sơ sinh tử vong trước 1 tháng tuổi, trong đó hơn 50% tử vong ngay khi vừa chào đời. Ngoài ra, có tới hơn 2,6 triệu trẻ em khác không có cơ hội được ra đời. Việt Nam đứng thứ 80/184 quốc gia với tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh là 1/87.
 
Cũng theo Báo cáo này, hơn 80% tử vong trẻ sơ sinh do trẻ bị sinh non, các biến chứng khi sinh hoặc các bệnh truyền nhiễm khác như viêm phổi, nhiễm trùng. Các trường hợp tử vong này có thể ngăn ngừa nếu các bà mẹ được trợ giúp bởi các bà đỡ qua đào tạo, và các biện pháp ngăn ngừa khác được thực hiện như có nước sạch, vệ sinh tẩy uế, nuôi con bằng sữa mẹ trong những giờ đầu tiên, tiếp xúc da trực tiếp và dinh dưỡng tốt. 
 
TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho biết, trong các năm 2010-2020, mỗi ngày Việt Nam có 2 bà mẹ và 40 trẻ sơ sinh tử vong. Nếu hệ thống y tế, các gia đình chăm lo sức khỏe bà mẹ từ khi mang thai, cán bộ y tế theo dõi chặt hơn thì có thể cứu sống và giảm được nhiều trường hợp tử vong mẹ và trẻ em. 
 
Để trẻ em sinh ra được sống, chúng ta cần cung cấp cho các bà mẹ và trẻ sơ sinh các thuốc thiết yếu và các trang thiết bị cần thiết để đảm bảo sự khởi đầu khỏe mạnh. Đảm bảo các cơ sở y tế vệ sinh sạch sẽ, hoạt động tốt, có đầy đủ các máy móc thiết bị y tế, thuốc men cần thiết để hỗ trợ các sản phụ và trẻ sơ sinh trong các trường hợp cấp bách. Các bác sĩ, y tá, hộ sinh cần có trình độ chuyên môn về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.
 


 Tiêm chủng sởi và rubella tại trung tâm y tế thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang. Ảnh: Trương Việt Hùng

 
Trẻ em có quyền được khai sinh và có quốc tịch
 
Bên cạnh quyền sống, ngay từ khi mới chào đời, mọi trẻ em đều có quyền được khai sinh và có quốc tịch, được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật.
 
Không ít cha mẹ Việt Nam ở các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, do suy nghĩ lạc hậu thường chậm chễ trong việc khai sinh cho trẻ. Thông thường, ngay sau khi sản phụ và trẻ sơ sinh được xuất viện, người thân trong gia đình của trẻ có thể tới các UBND xã/phường để làm thủ tục khai sinh ngay lập tức. Thủ tục này rất đơn giản và nhanh gọn nhưng nhiều người để tới vài tháng sau khi con chào đời mới khai sinh, thậm chí đến khi con vào học lớp 1 mới làm thủ tục khai sinh. Có một số lý do tế nhị khiến cho việc khai sinh cho trẻ bị chậm trễ như sinh tại nhà (không có giấy chứng sinh), sinh con mà không có bố hoặc chưa kết hôn (không có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn)… Tuy nhiên, dù có bất cứ khó khăn nào trong việc cung cấp các thông tin để làm thủ tục khai sinh cho trẻ, bạn cũng nên đăng ký khai sinh sớm để trẻ được hưởng đầy đủ các quyền lợi công dân của mình, trong đó có quyền được cấp phát thẻ BHYT để được khám chữa bệnh miễn phí.
 


Trẻ em cần được chăm sóc dinh dưỡng để có thể phát triển toàn diện. Ảnh: Trương Việt Hùng

 Mọi trẻ em đều có quyền được chăm sóc và nuôi dưỡng

 
Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức. Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con; tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. Theo đó: Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường và các tổ chức xã hội trong việc giáo dục con. Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề; tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động xã hội của con. Khi con gặp khó khăn không thể tự giải quyết được, cha mẹ có thể đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con. Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự. Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra. Cha mẹ không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
 
Những quyền này của trẻ được ghi rõ trong Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em và trong Luật Trẻ em 2016, các bậc cha mẹ nên thực hiện một cách nghiêm túc vì sự phát triển tốt nhất của con em mình.
 
Trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bạo lực, bóc lột và lạm dụng
 
Mọi trẻ em đều có quyền được bảo vệ. 
 
Theo quy định pháp luật, trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn cho trẻ em. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
 
Trẻ em có quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động. Cha mẹ, người giám hộ, người chăm sóc trẻ không được phép bắt trẻ lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em. Trẻ cũng có quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Trẻ có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt…
 
Ngoài các quyền cơ bản trên, trẻ em cũng có quyền được học tập và phát triển năng khiếu, được vui chơi và giải trí, được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội, được bày tỏ ý kiến và hội họp… để có thể phát triển toàn diện.
 

Bình Yên/GĐTE

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Khai mạc tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

5 tháng trước

Tại Quảng trường Đại đoàn kết, thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, tối 11/11 đã khai mạc Tuần Văn hóa-Du lịch, liên hoan trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia...